Hội thảo nhằm tìm kiếm những kiến giải cho một thực trạng đang nảy sinh trong xã hội hiện đại, với những giá trị sống mới nảy sinh (mâu thuẫn giữa giá trị cũ và mới) trong và ngoài nhà trường.
Tại hội thảo, các báo cáo tham luận và ý kiến của nhiều đại biểu đều nhìn nhận sự cấp bách của Giáo dục giá trị trong nhà trường khi sự mâu thuẫn giữa các giá trị và giá trị mới đang lớn hơn bao giờ hết.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân- Viện nghiên cứu giáo dục và Giao lưu quốc tế- ĐH Huế; Vấn đề giáo dục giá trị được đặt ra cấp bách xuất phát từ sự lo lắng trước những hiện tượng đau lòng xảy ra với các em ở tuổi vị thành niên đang hàng ngày tràn ngập trên facebook và các trang báo giấy, báo mạng. Tội phạm ma túy, giết người, nghiện hút, nghiện game, tự tử, bỏ học, bạo lực học đường ngày càng phổ biến và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Điều đó đòi hỏi nhà trường, phụ huynh học sinh và xã hội phải xem lại toàn bộ hoạt động và trách nhiệm của mình, đặc biệt đối với việc giáo dục giá trị.
Các đại biểu trong và ngoài nước tại hội thảo |
“Hội nhập quốc tế và sự phát triển ồ ạt của kinh tế thị trường đã dẫn đến những xáo trộn về hệ giá trị. Một số giá trị trước đây được đề cao bây giờ tỏ ra không còn thích hợp. Một số giá trị mới nảy sinh nhưng chưa có được vị trí ổn định...
Đó là một thách thức đối với những người làm cha mẹ, với thầy cô giáo và những ai quan tâm đến giáo dục giá trị. Và điều đó buộc chúng ta phải hành động”- PGS.TS Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Kính; Thực tế, để giáo dục giá trị, chỉ riêng nhà trường không thể nào làm được. Sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội là điều kiện tiên quyết để giải quyết các mẫu thuẫn giá trị cũ và mới đang nảy sinh.
GS.TS Nguyễn Xuân Kính cho rằng, thực tế những lo ngại ấy không phải không có cơ sở khi hiện nay cha mẹ không còn là nơi chủ yếu để con cái tâm sự, hỏi ý kiến.
Trong kết quả phân tích sâu số liệu điều tra gia đình Việt Nam 2006 cho thấy; “nhìn chung, bạn bè là người mà con cái thường tâm sự, chiếm 63,4% người trả lời, tiếp theo là người thân trong gia đình 8,4%, rồi đến mẹ 7,7% và cuối cùng là cha với tỉ lệ rất thấp 1,3%...
Điều này cho thấy, bạn bè là đối tượng chính để cái thường tâm sự về chuyện yêu đương, về những điều xảy ra trong cuộc sống của chúng. Và đó là điều mà xã hội hiện đại cần phải giải quyết.