Đến nay, 11 tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có gần 17.200 ca mắc SXH. Nếu như những năm trước, dịch SXH thường xuất hiện ở vùng đồng bằng, khu vực đông dân cư thì năm nay tại một số huyện vùng cao cũng đã ghi nhận nhiều ca bệnh.
Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, từ đầu năm đến nay, toàn TP ghi nhận 6.733 trường hợp nhập viện do SXH. Trung bình mỗi tuần trên có gần 1.000 trường hợp nhập viện vì bệnh này, chưa kể số lượng lớn người bị mắc SXH điều trị ngoại trú và tại các phòng khám tư. Như vậy so với cùng kỳ năm trước, bệnh SXH đã tăng 249%. Ngoài những trường hợp bệnh diễn tiến nặng may mắn qua khỏi, SXH đã khiến 2 người tử vong vì biến chứng suy đa tạng do chủ quan, tự điều trị ở nhà khi đến bệnh viện thì đã muộn.
Trước đây, SXH được cho là bệnh của trẻ em, tuy nhiên hơn 10 năm qua tỷ lệ bệnh nhân SXH người lớn (trên 15 tuổi) chiếm khoảng 50% trong tổng số ca bệnh ghi nhận được. Các trường hợp tử vong do SXH hầu hết ghi nhận trên bệnh nhân có cơ địa béo phì, bệnh mạn tính; một số trường hợp tử vong ở người lớn do chủ quan tự điều trị tại nhà, đến bệnh viện trễ.
Điều khiến dịch bệnh gia tăng phần lớn do người dân vẫn chủ quan, lơ là với những giải pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.