Hiệu quả thử nghiệm
Khu vực thí điểm dự án tài trợ xử lý làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản với chủ để “Nhà máy xử lý nước thải đặt trong lòng sông” tạo ấn tượng với người qua đường bằng những tấm biển và cắm cờ dọc bờ sông.
Với đoạn sông chỉ dài khoảng 300m, tính từ phía đường Hoàng Quốc Việt đổ xuống phía Cầu Giấy nhưng các chuyên gia đã lắp đặt 4 chiếc máy làm sạch nước sông Tô Lịch. Đây là khúc sông ô nhiễm nặng nhất của cả dòng sông Tô vốn dài hơn 10km, chạy qua một số quận của Thủ đô.
Sinh ra và lớn lên bên sông Tô, năm nay 82 tuổi, cụ Đặng Thị Ân, ở số nhà 58 Nguyễn Đình Hoàn, thuộc phường Nghĩa Đô, cho biết: “Đoạn sông trước cửa nhà tôi được chọn lắp chiếc máy xử lý ô nhiễm số 4 theo công nghệ Nhật Bản. Mấy hôm nay ngồi ở bên bờ sông, tôi thấy dễ chịu hơn hẳn.
Trước đây, dù chỉ ngồi một chút thôi là không thể chịu nổi mùi hôi ở sông bốc lên nồng nặc. Kể cả mấy hôm vừa rồi, nhiệt độ ngoài trời gần 50 độ nhưng cũng không còn thấy mùi hôi nữa. Rõ ràng, công nghệ làm sạch sông Tô Lịch của Nhật Bản là tốt. Đúng là đầu tư tiền của vào xử lý ô nhiễm dòng sông, cũng khác hẳn. Người dân ven bờ đỡ khổ”.
Sông Tô Lịch trước đây thông thủy với Hồ Tây thì nước cũng sạch, không bốc mùi hôi thối. Tuy nhiên, kể từ khi Hà Nội chặn dòng thông thủy, nước sông Tô bẩn, ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn.
Cô Đặng Thị Hoa, 62 tuổi, bán đồ ăn sáng bên sông Tô Lịch chia sẻ: “Hiện tại tôi thấy sạch sẽ hơn, không còn mùi nặng. Đặc biệt, đoạn đầu nguồn chỗ cống cạnh đường Hoàng Quốc Việt vốn là đoạn ô nhiễm nặng nhất, tập trung nhiều rác và cống lớn xả thẳng xuống sông, giờ cũng không thấy có mùi hôi như trước.
Khi chưa xử lý, mỗi khi giở giời, nhất là hôm trời nắng gắt, mùi xú uế bốc lên kinh khủng lắm. Người dân không chịu nổi, toàn phải đóng kín cửa nhà. Ai có việc phải ra khỏi nhà là phải đeo khẩu trang”.
|
Cần giải pháp toàn diện
Qua khảo sát thực tế cho thấy, đoạn 300m sông Tô Lịch được lắp đặt thử nghiệm 4 máy công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã đem lại hiệu quả. Mùi hôi thối đã giảm hẳn. Người dân sinh sống bên bờ sông đã cảm nhận được không khí trong lành hơn so với trước.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lương, nhiều năm buôn bán tại cửa hàng tạp hóa chợ Quan Hoa cho biết: “Thấy báo chí phản ánh việc thành phố thử nghiệm xử lý sông Tô Lịch ô nhiễm, tôi cũng như bao người dân khác sống ven sông rất vui. Mấy ngày qua, tôi đã qua đoạn sông Nguyễn Đình Hoàn, nơi lắp đặt công nghệ Nhật Bản, rõ ràng mùi hôi thối giảm đáng kể.
Ai muốn cảm nhận rõ nét sự thay đổi, hãy đi thực tế là biết ngay. Nếu đứng ở đoạn sông chỗ Cầu Giấy mùi hôi vẫn sộc vào mũi, rất khó chịu. Nhưng ở đoạn đầu sông Hoàng Quốc Việt, mùi hôi không còn nồng nặc, đã dễ chịu hơn”.
Quả thực, không thể phủ nhận hiệu quả do công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đem lại. Tuy nhiên, do mức độ sông Tô Lịch ô nhiễm đã nhiều năm, việc xử lý cần có thời gian và phải có giải pháp triệt để thì mới mong cải tạo dòng sông chết thành dòng sông không còn ô nhiễm.
PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Việc áp dụng công nghệ Nhật Bản vào xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Muốn sông Tô Lịch không phải là dòng sông chết, cần có giải pháp xử lý triệt để từ nguồn thải.
Cụ thể, TP Hà Nội phải có hệ thống thu gom nước thải, không để nguồn thải xả thải trực tiếp xuống sông như hiện nay.
Nhiều chuyên gia môi trường cũng cho rằng, dân số đông và việc xả thải thẳng vào sông Tô mới khiến dòng sông này ô nhiễm ngày càng nặng. Dọc hai bên bờ sông, các cống thải đổ trực tiếp ra sông gồm cả nguồn nước thải và rác.
Do đó, công nghệ Nhật Bản chỉ là xử lý bề nổi của tảng băng chìm. Về lâu dài, phải ngăn chặn không cho thải trực tiếp vào lòng sông như hiện nay. Ngoài ra, mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, để dòng sông Tô sạch đẹp hơn.