“Sống tạm” tại các khu công nghiệp

GD&TĐ - Hiện nay, các khu công nghiệp mọc lên như nấm ở hầu hết các thành phố lớn, mang lại cơ hội việc làm cho nhiều người lao động. Nhưng đời sống của những công nhân sống tại các khu công nghiệp lại chẳng dễ dàng như vậy.

Dù cuộc sống vất vả, nhiều công nhân vẫn phải cố bám trụ tại các khu nhà trọ tạm
Dù cuộc sống vất vả, nhiều công nhân vẫn phải cố bám trụ tại các khu nhà trọ tạm

Mặc dù có việc làm, nhưng nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vẫn đè nặng lên đôi vai của công nhân, đặc biệt là những công nhân ngoại tỉnh.

Mòn mỏi chờ... tiền điện nước giảm

Theo khảo sát tại các xóm trọ tại thôn Bầu, hầu hết công nhân vẫn đang phải trả 25.000 đồng/khối nước sạch, 50.000 đồng/khối nước giếng khoan và 3.000 đồng/ số điện. Đối với những xóm trọ mới xây, tiền điện nước thậm chí còn cao hơn. Cứ như vậy, hàng nghìn người công nhân tại khu công nghiệp vẫn bị đè nặng bởi nỗi lo tiền điện nước, đặc biệt là những ngày nắng nóng kéo dài. Khi nghe tin giá điện nước quy định của Nhà nước rẻ hơn nhiều, không ít người công nhân ở đây đã phấn khởi vì có thể dư dả chút ít vào cuối tháng, nhưng hầu hết không như mong đợi.

Chúng tôi có mặt tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Đông Anh – Hà Nội) vào đúng giờ tan tầm. Tại khu chợ cóc, hàng trăm công nhân đang tất bật mua thức ăn tối, ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt. Kết thúc một ngày làm việc vất vả, khi về đến phòng trọ, công nhân lại phải đối mặt với muôn vàn nỗi lo khác.

Theo chân người công nhân, chúng tôi vào một xóm trọ ngay đầu thôn Bầu (xã Kim Chung), huyện Đông Anh, nơi hàng nghìn công nhân của khu công nghiệp này đang sinh sống. Ở đây, xóm trọ chủ yếu là các dãy nhà cấp 4 giản đơn, cũ kỹ, mái lợp Fibro xi măng. Mỗi căn phòng chỉ rộng khoảng chừng 10 mét vuông, nhưng là không gian sinh hoạt của cả gia đình người công nhân.

Anh Trần Văn Hiệp, rời quê Tĩnh Gia (Thanh Hóa) ra làm công nhân đã gần 3 năm. Con trai đầu của anh mới được gần 1 tuổi, cũng theo cha mẹ tha hương mưu sinh. Để đủ tiền trang trải cho cả gia đình, anh Hiệp phải tăng ca nhiều hơn, đi sớm về muộn.

Vừa tranh thủ bế con cho vợ nấu nướng, anh vừa kể: “Con nhỏ nên vợ tôi phải ở đây chăm sóc. Ông bà ở quê cũng bận lo việc đồng áng nên chẳng lên giúp trông cháu được. Một mình tôi đi làm được chừng 10 triệu, nhưng chi phí trừ đi cũng hết sạch. Ở đây, tiền phòng, tiện điện nước, sinh hoạt... ngốn hết cả tháng lương. Chúng tôi có nghe tin trên báo đài, bảo điện nước sẽ giảm nhưng ở đây chẳng có xóm trọ nào đồng ý giảm tiền cho công nhân”.

Gánh nặng nuôi con trong khu trọ tạm

Hầu hết công nhân đang làm việc tại đây đều là những người trẻ. Vì vậy, tại thôn Bầu, không ít gia đình công nhân sinh con và nuôi con lớn ngay tại những xóm trọ tồi tàn quanh khu công nghiệp. Không gian sống chật hẹp, hầu như không có khu vui chơi cho trẻ nhỏ, tiền học phí gửi trẻ cũng là vấn đề lớn đối với nhiều gia đình công nhân đang sinh sống ở đây.

Nuôi một đứa con với đồng lương công nhân đã khó khăn, gia đình anh Hoàng Thanh Tuyền ( Đoan Hùng, Phú Thọ) còn phải mang cả hai đứa con lên đây sinh sống. Đứa con nhỏ còn quá nhỏ, nên vợ anh tạm thời nghỉ làm để chăm sóc hai con. Gánh nặng kinh tế đè cả lên đôi vai anh. Anh Tuyền tâm sự: “Chúng tôi muốn mang con lên đây để dễ dạy bảo. Chứ ở quê, xa bố mẹ cả năm, ở cùng ông bà thì khó dạy bảo thường xuyên được. Một mình tôi đi làm cũng chẳng đủ nuôi cả gia đình ở đây, chứ nói gì để tiền tiết kiệm. Sau này, con đến tuổi đi gửi trẻ thì hai vợ chồng cố gắng đi làm, tiết kiệm chút vốn về quê lập nghiệp”.

Việc nuôi con ngay tại khu công nghiệp chỉ là giải pháp tạm thời của những người công nhân rời quê lên thành phố. Nhưng với những chi phí đắt đỏ phải chi trả mỗi tháng, không ít người công nhân cảm thấy như mình đang “sống mòn”, chẳng biết tương lai sẽ đi về đâu. Chị Lý Thị Kim Ngân (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) vừa bế con, vừa kể với chúng tôi kế hoạch của mình: “Hai vợ chồng tôi cũng định tích cóp chút ít, đủ vốn sẽ về quê buôn bán gì đó. Tạm thời cứ làm vài năm ở đây đã, nhưng cho đến nay, chẳng tháng nào vợ chồng tôi để ra được đồng nào. Tất cả tiền lương đã dành hết để chăm con”.

Dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn khi sinh sống quanh các khu công nghiệp, nhưng hàng nghìn công nhân vẫn đang cố bám trụ mỗi ngày. Bởi lẽ, ở quê không có việc gì ngoài đồng ruộng, muốn kinh doanh lại chẳng có vốn. Vì vậy, dù có phải gánh hàng loạt chi phí đắt đỏ tại các thành phố lớn, những người công nhân vẫn cố gắng để nuôi dưỡng ước mơ “đổi đời”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.