Sống rẻ, mà khó vui!

GD&TĐ - Tổng cục Thống kê vừa công bố bảng xếp hạng chỉ số giá sinh hoạt theo không gian các tỉnh, thành giai đoạn 2018 – 2020.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chỉ số này được đánh giá dựa trên khảo sát, so sánh giá 11 nhóm hàng thiết yếu. Đó là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; thiết bị đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giao thông; bưu chính viễn thông; giáo dục; văn hóa giải trí và du lịch; hàng hóa và dịch vụ khác.

Kết quả cho thấy, nhóm 5 tỉnh, thành có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất cả nước lần lượt là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Lào Cai. 

Như vậy, trừ TP Cần Thơ, cả 4 thành phố trực thuộc Trung ương còn lại đều lọt vào tốp những nơi “sống đắt nhất”.  

Nhóm 5 tỉnh, thành có chi phí sinh hoạt rẻ nhất được ghi nhận lần lượt là Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Hà Nam, Đồng Tháp. Tức là có tới 4 tỉnh nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm “sống rẻ nhất”. Cụ thể, chi phí sinh hoạt người dân Hậu Giang chỉ bằng 89,68% so với chi phí sinh hoạt của người dân tại Hà Nội. 

Kết quả này không gây bất ngờ, nhất là với những người có dịp đi lại nhiều địa phương trên cả nước. Cùng một ly cà phê đen đá ở quán vỉa hè, tại Hà Nội và một số đô thị lớn khác, người uống phải trả chừng 20.000 – 25.000 đồng nhưng ở nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giá vẫn ổn định trong khoảng 8.000 – 12.000 đồng. 

Tổng cục Thống kê cũng cho hay, các tỉnh có mức giá sinh hoạt thấp phần lớn do các mặt hàng trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; may mặc, mũ nón và giày dép; nhà ở thuê, thiết bị và đồ dùng gia đình; giao thông; bưu chính viễn thông; dịch vụ giáo dục; dịch vụ vui chơi giải trí có mức giá thấp. 

Trong khi đó, các tỉnh, thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn có nguyên nhân từ việc tăng giá nhóm hàng văn hóa, giải trí, du lịch, giá thuê nhà ở tăng cao.

Nhìn vào tốp 5 địa phương “sống rẻ nhất” và “sống đắt nhất” có thể rút ra một điều: Ở đâu kinh tế phát triển thì ở đó chi phí sinh hoạt mới đắt đỏ được!

Theo thời gian, vai trò kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần so với các vùng khác trong cả nước. Báo cáo kinh tế thường niên Đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 cho thấy, năm 1990, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với vùng này thì hai thập niên sau, tỷ lệ này hoàn toàn ngược lại, tức TP Hồ Chí Minh chiếm 3/2 Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cũng trong năm 2020, GDP bình quân đầu người của Hà Nội khoảng 125 triệu đồng; GDP bình quân đầu người của Hậu Giang xấp xỉ 50 triệu đồng. 

Nghĩ về đất chín rồng, dù nơi đây là vựa lúa và gánh vác sứ mệnh an ninh lương thực quốc gia nhưng đồng thời gắn với “tiếng” là vùng trũng về kết cấu hạ tầng, về giáo dục và nguồn nhân lực… Sinh kế của người dân cũng đang chịu sự ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. 

Thành thử, di dân là câu chuyện nhức nhối của vùng đất này. Trong thập niên vừa qua, số lượng di cư ròng khỏi Đồng bằng sông Cửu Long là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng. 

Những người ở lại cũng không thấy nhiều tương lai trên đồng ruộng của họ!

Bởi thế, dù số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy chi phí sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp nhất nước nếu xét theo vùng kinh tế, nhưng nghe rồi cũng khó mà thấy vui!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.