Cuộc sống ấy đã theo họ từ khi mới cất tiếng khóc chào đời. Người bố Phạm Đình Oanh, từng dùng chiếc thuyền kiếm cơm của cả gia đình đi tiếp lương tải đạn cho bộ đội trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Sau thời gian dài chiến đấu, điều kiện sức khỏe không cho phép, ông trở về quê nhà, lập gia đình và sống bằng nghề chài lưới trên chiếc thuyền cha mẹ để lại, không giấy tờ, không huy chương, không một chứng minh cho những năm tháng chiến đấu của ông.
Khác với người anh trai Phan Đình Oánh, từ khi sinh ra đã khỏe mạnh, chị Phan Thị Vinh (sinh năm 1955) bị liệt từ nhỏ, càng lớn hai chân càng teo nhỏ và co quắp ra sau theo hình chữ V. 20 năm sau ông bà mới sinh thêm người thứ ba, nhưng bất hạnh một lần nữa lại đến với họ khi người con thứ ba, chị Phan Thị Sen cũng mắc căn bệnh giống chị gái mình. Chiếc thuyền cũ nát, những chiếc đó, con tôm, con cá,… không lo đủ cho họ số tiền để chạy chữa cho con.
Thương con, vợ ông sinh ra bệnh tật triền miên, những năm tháng cuối đời bà bị mù cả hai mắt và mất trên chiếc thuyền cũ nát. Từ đó, một mình ông Oanh bươn chải nuôi ba người con, dạy nghề, truyền nghề cho các con để nương tựa vào nhau sống tiếp những chuỗi ngày còn lại.
Hai chị em Vinh, Sen trong chiếc thuyền gắn liền với cuộc đời của họ |
Khi anh trai lấy vợ, đi ở rể, bố ngày càng ốm yếu, hai cô chỉ còn biết nương tựa vào nhau để kiếm miếng cơm. “Mọi người trên bờ có nhà ở, có ruộng cày cấy để kiếm hạt thóc. Chúng tôi ở đây ra trông thấy nước, vào trông thấy nước, chỉ có đó làm bầu bạn” – chị Vinh ngậm ngùi. Chị kể nhà có ba cái bát ăn cơm có hôm rửa bát không may bị trôi mất một chiếc, thế là người này ăn xong lại đến lượt người khác ăn. Hằng ngày đi cất vó chị vớt củi ở dưới sông đem phơi trên mạn thuyền để đun dần.
Từ 3 giờ sáng hai chị em đã dậy chèo thuyền đi dọc bờ sông để thu gom tôm tép, chiều 1h lại đi thả đó,… Cuộc sống hết năm này tháng khác cứ trôi qua như thế. Mùa hè còn đỡ mệt nhưng khi trời sang đông rét mướt vẫn phải đi, thuyền không có đèn cứ mò mẫm trong đêm tối được con tôm nào hay con ấy. Sức yếu và đôi chân bị tật hai người phụ nữ chỉ đi được dọc khúc sông ngắn để thả đó. Nhiều hôm đi gặp giông, không bơi thuyền về được, thuyền tự trôi theo con sóng, hai chị cũng không thể bơi vào bờ với đôi chân tật nguyền. Có hôm vó trống hai chị em lại lủi thủi về tay không. Trung bình mỗi ngày được họ kiếm được 3 - 5 lượng tôm nhỏ. Số ấy được giao ngay tại bến. Những hôm hết tiền phải ăn cơm rau, ăn củ khoai, miếng sắn hàng xóm mang cho, có khi nhịn đói. Ăn bữa trưa lại lo bữa chiều.
Khi trời mưa bão, những nhà xung quanh đều lên bờ, hai chị không có nhà đành ở lại, để mặc chiếc thuyền trôi theo dòng nước và hướng gió. Có lần phải thức trắng gần một tuần lo cho con thuyền. Trong thuyền, nước tràn khắp nơi, tát ra không kịp. Bếp nấu ăn cũng tắt rụi. Hai chị em chỉ biết ôm nhau khóc. Đó vớt tôm rất hay hỏng, cứ ba tháng lại phải thay một lần…
Chị Sen chèo thuyền ra sông. |
Khát vọng lên bờ
Bình thường, cứ lúc trái gió trở trời hay đêm xuống các khớp xương đau nhức, phải uống thuốc thường xuyên. Mấy tháng gần đây, chị Vinh lại bị bệnh viêm phổi, không làm được gì. Số tiền trợ cấp ít ỏi mua thuốc còn chưa đủ nói gì tới chuyện mua món ăn ngon hay để dành. Mọi công việc từ những sinh hoạt nhỏ nhất cho tới việc bơi thuyền theo con lạch kiếm sống đều do một mình chị Sen đảm nhiệm. Những ngày này, trời lạnh, nước kém, mỗi ngày trung bình chị Sen chỉ kiếm được hơn chục nghìn từ những đó tôm mang về. “Em rất mong tìm được một công việc trên bờ đi làm kiếm thêm chút tiền gửi về cho chị thuốc thang. Nhưng giờ em đi sẽ không có ai chăm sóc chị em. Giá như có một ngôi nhà trên bờ, có một ai đó chăm sóc chị, em sẽ đi ngay. Giờ chúng em tuổi ngày một cao, gắn bó mãi với chiếc thuyền chúng em không biết sẽ như thế nào?” – tiếng nói của chị Sen nghẹn ngào trong nước mắt.
Ánh mắt chị Vinh hướng về đất liền và mơ ước cuộc sống trên bờ; |
Tiền khám bệnh mua thuốc cho chị Vinh vẫn còn nợ lại bác sĩ. Khi xã Văn Khê có dự án cấp đất cho các ngư dân lên bờ với số tiền mỗi hộ là 30 triệu/70 m2 , hộ nghèo là 15 triệu đồng. Nhà thuộc diện hộ nghèo nhưng phải kiếm ăn từng ngày qua bữa không thể có đủ tiền để đóng. Chị Sen muốn làm đơn để xin giảm bớt tiền nhưng đành ngậm ngùi vì từ bé tới giờ họ chưa một lần tới trường nên chẳng biết mặt con chữ, cũng chẳng biết nhờ vả ai. Khi các hộ xung quanh lên bờ, chiếc thuyền của chị sẽ một mình trơ trọi giữa khúc lạch, mặc cho nắng mưa và năm tháng qua đi…
Ngày 13/11/2010, người cha – điểm nương tựa cuối cùng của hai cô cũng đã mất. Trong những tiếng nấc nghẹn ngào, trong cảnh khói hương nghi ngút của buổi tang lễ, đôi mắt của hai chị em cô vẫn nhìn vào những khoảng không xa xăm. Và họ không thôi mơ ước về một ngôi nhà và cuộc sống trên bờ…
Huệ Nguyễn
Mọi thông tin thêm, quý vị có thể liên hệ tác giả bài viết: Nguyễn Huệ - ĐT: 0987134664