Sông Đáy đi...đi hoài...đi mãi
Vẫn không sao ra khỏi bóng mình
Có sá gì dù đã ngàn năm uốn lượn
Ngàn năm sau chưa thỏa chí vẫy vùng
Bao nhiêu nước thu vào mình chẳng đủ
Dâng phì nhiêu mãi vẫn chẳng vừa lòng
Lúc hiền từ trong vắt điệu chầu văn
Khi bức bối đỏ ngàu con nước lũ
Hai bờ đê bao năm ngạo nghễ
Nhiều phen đo sức lực trường sinh
Ngỡ lãng quên giữa ngày tháng yên bình
Chỉ mình biết lòng mình đang bồi, lở
Khát khao cởi bỏ luồng lạch cũ
Sông Đáy đi...
muôn tuổi...
độc hành.
Trần Văn Lợi
Lời bình của Đặng Toán
Sông Đáy, một trong những con sông dài ở miền Bắc Việt Nam, chảy qua nhiều tỉnh thành và vẻ đẹp của nó từ lâu đã đi vào âm nhạc, như trong ca khúc “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em” nhạc sỹ Đoàn Bổng từng miêu tả: “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa...”.
Còn ở thơ Trần Văn Lợi, sông Đáy hiện ra với một vẻ đẹp khác, vừa dịu dàng lại vừa dữ dội: “Lúc hiền từ trong vắt điệu chầu văn/Khi bức bối đỏ ngàu cơn nước lũ”. Cách so sánh sông Đáy trong vắt như một điệu chầu văn thật giàu sức gợi. Và chắc chỉ những người con đất Nam Định ngàn năm văn vật, với tâm hồn thi sỹ lãng mạn mới có thể nhìn ra cái vẻ đẹp đậm chất dân ca đó.
Song chủ đích của tác giả đâu phải chỉ nhằm ca ngợi nét đẹp của sông Đáy. Trần Văn Lợi chỉ “mượn tạm” hình ảnh sông Đáy một chút thôi để gửi gắm những nghĩ suy, những chiêm nghiệm cùng bao khát khao của người thơ trước bộn bề cuộc sống, trước dâu bể thiên nhiên.
Đó chính là điều khác biệt tạo nên chất thi sỹ cùng những sáng tạo văn chương làm đẹp cho mỗi tâm hồn. Bởi, chỉ thi sĩ mới viết được những câu thơ sống động thế này: “Sông Đáy đi...đi hoài...đi mãi/...Sông Đáy đi...muôn tuổi...độc hành”.
Tôi rất ấn tượng khi đọc hai khổ thơ sau:
“Có sá gì dù đã ngàn năm uốn lượn
Ngàn năm sau chưa thỏa chí vẫy vùng
Bao nhiêu nước thu vào mình chẳng đủ
Dâng phì nhiêu mãi vẫn chẳng vừa lòng”
Vẫn là mượn hình ảnh dòng sông để thể hiện cho cảm xúc của con người. Hai khổ thơ mềm mại như đôi bờ quanh co uốn khúc. Lại nữa, sông Đáy vốn là hợp lưu của rất nhiều con sông khác. Kiến thức địa lí này có thể nhiều người cũng đã biết, song liệu mấy ai đưa được vào thơ vừa nhuyễn vừa ngọt lại giàu liên tưởng như tác giả: “Bao nhiêu nước thu vào lòng chẳng đủ”?
Đến đây thì chẳng còn ai nghĩ sông là sông nữa. Giống như trong thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Sông Đáy trong thơ Trần Văn Lợi cũng vậy. Sông đã có tâm hồn, biết suy nghĩ và hành động, biết khát khao vươn tới bởi, chỉ mình sông “biết lòng mình đang bồi, lở”.
Mới biết thực sự mình muốn gì và phải làm gì để “cởi bỏ luồng lạch cũ” cho dù có phải đơn độc trên mỗi cuộc hành trình. Cảm ơn tác giả Trần Văn Lợi đã cho người đọc thưởng thức một bài thơ hay và rất giàu tính hội họa.