Xem ra cuộc sống ngổn ngang, nhộn nhịp nơi đô hội phù hoa với ông nhà thơ sinh năm 1964 này chẳng dễ gì “cám dỗ” được, cứ thong dong, cứ nhẹ nhàng và cứ “tằng tằng” tiến bước.
Bước ngoặt dấn thân
Hồi tháng 8/1989, “bọn chúng tôi nhập hội với nhau”, ấy là khi Hội Văn nghệ Hà Nội lần đầu tiên tổ chức “lớp viết văn” cho những ai yêu thích văn chương đang sinh sống ở Thủ đô, có hơn năm mươi người đăng ký tham dự.
Một lớp học “nhộm nhoạm” như chúng tôi sau này thường nói vui vậy, với đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi. Trẻ thì mười lăm mà già thì sắp bảy mươi. Đoàn Mạnh Phương lúc đó đang làm một cán bộ văn phòng tại Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp của Bộ Cơ khí Luyện kim, còn tôi đang tại ngũ.
Chỉ nhoáng một cái thế là lớp học trở nên thân gần, hóa ra văn chương không chỉ là nhịp cầu nối con chữ, nối ngôn từ với đời sống mà văn chương còn là nhịp cầu “nối những bờ vui” thành tình bạn.
Sau hai tháng “tu nghiệp” thì lớp học kết thúc. Ai trở lại việc của người nấy. Nghĩa là mọi thứ công việc của từng người chẳng hề bị văn chương chi phối.
Vậy mà Đoàn Mạnh Phương lại khác, hình như trong quá trình học anh đã “nhận ra” con người thật của mình? Nhận ra “lối đi” cho sau này của mình? Đoàn Mạnh Phương “bước chân” ngay vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh học Báo chí. Thì ra “Lớp hướng dẫn sáng tác văn học - khóa 1” do Hội Văn nghệ Hà Nội tổ chức lại chính là tiền lề, là bước ngoặt để Đoàn Mạnh Phương “dấn thân” vào nghiệp báo chí, văn chương.
Nghe nói Đoàn Mạnh Phương gọi nhà thơ Phạm Tiến Duật là cậu. Tôi hỏi thăm dò: “Chắc cậu Duật đã “định hướng” cho Phương với nghiệp văn?”. Đoàn Mạnh Phương lắc đầu: “Nghiệp văn chương có muốn định hướng cũng không được. Theo nó trước hết phải là người có năng khiếu và phải có một ngọn lửa tâm huyết dẫn hướng cho mình đi bằng được tới đích...”.
Ngẫm ra, Đoàn Mạnh Phương nói đúng và anh cũng “khéo” khi ai đó có ý nói rằng anh “lên được” là nhờ “bóng” cậu Duật. Và anh nói cũng có lý, thích văn chương thì thiên hạ ối người thích nhưng thành người văn chương đâu có dễ.
Theo đuổi nghiệp văn khó lắm, đấy lớp Viết văn khóa 1 có những hơn năm mươi học viên hăng hái theo học vậy mà cho tới nay chỉ có được 3 người là đi tới đích, trong đó có Đoàn Mạnh Phương.
Tốt nghiệp Báo chí Tổng hợp là Đoàn Mạnh Phương về thẳng Nhà xuất bản Thanh niên, anh làm biên tập viên (âu cũng là một cách học văn). Giời ạ, hóa ra đến lúc đó Đoàn Mạnh Phương đã thực sự “tìm được” đúng nghĩa “con người thật” của mình. Anh nhanh chóng tỏ ra là một người có năng lực, có trình độ và rất năng động trong công việc “làm sách” ở một nhà xuất bản.
Còn nhớ dạo những năm 90 của thế kỷ 20, Tủ sách chuyên đề “Thế giới Đàn ông”, một ấn phẩm của Nhà xuất bản Thanh niên do Đoàn Mạnh Phương làm “chủ bút” bán chạy ầm ầm.
Sự năng động trong xuất bản, sự nhạy bén trong đề tài đón bắt tâm lý độc giả và cả sự “dấn thân liều lĩnh” nữa đã giúp Đoàn Mạnh Phương thành công ở lĩnh vực “thương trường xuất bản và báo chí”.
Sống chậm để có thể cầm tay…
Nhưng rồi người ta lại thấy Đoàn Mạnh Phương chuyển cơ quan và qua mỗi một cơ quan thì anh lại thêm một bước trưởng thành. Ở môi trường nào cũng thấy anh tỏ ra là là người “ba trong một”: Nhà thơ, nhà sáng kiến, nhà quản lý.
Tôi còn nhớ, đầu những năm 2000, anh cùng một số người bạn trong giới trí thức trẻ cùng nhau thành lập một doanh nghiệp chuyên “làm sách” theo kiểu “Tự bỏ tiền túi” ra để kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu.
Lại giời ạ, thời buổi thị trường sách báo tạp chí lúc này đã “nhan nhản” các mối làm sách, cái nhà ông hễ rảnh ra là làm thơ này không biết có trụ được không?
Gặp nhau ở trụ sở của anh và các cộng sự, giữa “bát ngát” những khối nhà cao tầng của Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, tôi thấp “ngợp” mà hỏi: “Hay là chuyên làm thơ cho nó lành?”. Đoàn Mạnh Phương chẳng nói mà đứng lên mở tủ lấy một cuốn sách còn thơm mùi mực, đó là tập thơ “Ngày rất dài”của anh mới in, anh hý hoáy ký tặng tôi.
Thì ra giữa dọc ngang bận rộn và lo toan, Đoàn Mạnh Phương vẫn không nguôi đeo đuổi nghiệp thơ văn. Bận bịu thời gian, tối mũi biên tập sách, tất bật thực hiện những ý tưởng đề tài mới là vậy, vậy mà hồn thơ của Đoàn Mạnh Phương vẫn dạt dào.
Đọc những bài thơ của anh tôi đã thấy một “thi tài” với những câu thơ nhiều tìm tòi, những câu thơ “vâm váp” như nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã nhận xét.
Rồi lại chẳng nói chẳng rằng, Đoàn Mạnh Phương kéo tay dẫn tôi đi tham quan “cơ quan”. Anh lại thật khéo ngầm cho tôi biết những “lo lắng” của tôi là không đáng có.
Dạo một vòng quanh giữa một thế giới sách và ấn phẩm, ngắm cơ ngơi, nhìn trang thiết bị, thấy đội ngũ cán bộ, biên tập viên cần mẫn là tôi nhận ra tư duy và hướng đi của Đoàn Mạnh Phương rạch ròi, sáng tạo và suôn sẻ.
Những trang sách, những công trình xuất bản có dấu ấn của Phương và các cộng sự của anh cũng “được lòng được cả tình”. Với dự án xuất bản “Uống nước nhớ nguồn” mà điển hình là bộ công trình xuất bản “Huyền thoại Việt Nam” nhằm tri ân và lưu danh hàng vạn dòng tên các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến, đã đi đúng mạch đạo lý “đền ơn đáp nghĩa” của người Việt. Để làm nên bộ sách đồ sộ này, người ta khi thấy anh vào Tây Nguyên, lúc thấy anh ra Côn Đảo.
Người ta thấy anh cả trên tivi khi anh mạnh dạn kết nối tổ chức những chương trình truyền hình trực tiếp nhằm góp phần lan tỏa những tấm lòng tri ân “đời đời biết ơn anh hùng liệt sĩ” tới trái tim nhiều thế hệ.
Những ấn phẩm cùng những chuyến đi khắp cả nước đã cho Đoàn Mạnh Phương nhiều chiêm nghiệm sâu sắc để sau đó anh đã gửi gắm những nhịp đời ấm nóng và thao thiết trong những vần thơ của mình.
Năm 2010, Đoàn Mạnh Phương đoạt giải Nhì của cuộc thi thơ “Thơ về Hà Nội” do Đài PT-TH Hà Nội và Báo Văn nghệ phối hợp tổ chức nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Và bài thơ “Sống chậm trong thành phố của mình” của Đoàn Mạnh Phương với những câu thơ như:
“Mỗi ngày một lát cắt sống chậm/ Để có thể cầm tay được lâu hơn với thành phố của mình/ Nơi tôi từng sinh ra, từng dựa vào, từng mơ ước/ Ấm áp và nhân từ như một người thân” đã chiếm được cảm tình của bạn đọc.
Tôi hỏi: “Sống chậm nghĩa là thế nào nhỉ?”. Đoàn Mạnh Phương tâm sự: “Cuộc sống thành phố luôn hối hả nhộn nhịp, luôn ồn ã cho thấy toàn những khó khăn, toàn là giành giật nên đôi khi thật võ đoán khi toàn thấy cái dở cái xấu. Nhưng chỉ cần “sống chậm” lại một chút thôi thì ta sẽ thấy còn rất nhiều cái hay cái đẹp ở quanh ta, còn nhiều lắm!”.
Giữa thơ, giữa việc bù đầu như vậy nhưng Đoàn Mạnh Phương còn dành cho mình một khoảng thời gian quan trọng cho việc học hành. Với anh, việc học không phải là để lo cho chu toàn về bằng cấp mà để có một hành trang tri thức đủ để sáng tạo và cống hiến.
Năm 2013, Đoàn Mạnh Phương về “Tạp chí Trí thức và Phát triển” cơ quan ngôn luận của trí thức Thủ đô. Tạp chí xuất bản 2 kỳ/tháng và góp phần không nhỏ cho bộ mặt báo chí Thủ đô.
Và giờ đây, anh đang đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Việt Nam hội nhập, cơ quan báo chí thông tin đối ngoại về chính sách, pháp luật và quản lý. Một tờ tạp chí ra hàng tuần bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh và trang Việt Nam Hội nhập điện tử đã góp phần mang hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra cộng đồng thế giới.
Tôi chợt nhớ đến câu thơ “Không mới nhưng đừng cũ nữa/ sau qua rất nhiều sân ga/ với tôi là bao điều ước/ mới hơn những ngày đã qua...” mà Đoàn Mạnh Phương đã nói hôm nào.