Sống an lạc, hiệu quả nhờ biết “buông”

Sống an lạc, hiệu quả nhờ biết “buông”

Tiến sĩ Phạm Mỹ Linh là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Là một nhà khoa học trẻ, mới sinh con nhỏ, chị vừa tự tay chăm con, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa đầu tư làm kinh tế, dạy yoga, và cung ứng đồ ăn tự nấu cho bạn hữu, người thân, mà hoàn toàn không bị stress vì làm quá nhiều việc cùng lúc.

Điều gì khiến người phụ nữ “nhiều trong 1” này có năng lượng làm việc năng suất bằng bốn, năm người khác như vậy?

Giác ngộ

Trong cuộc đời của hầu hết phụ nữ, khi đến tuổi ngoài 20, mối quan tâm lớn nhất ngoài việc làm, đam mê, chính là chuyện lấy chồng, sinh con. Tuy nhiên, khi trong độ tuổi kết hôn, đã có công việc giảng dạy ổn định, cầm tấm bằng Thạc sĩ tài chính công, thì những người quen biết cô đều thấy Mỹ Linh hầu như suốt ngày rong ruổi trên đường thiên lý. Cô đi khắp nơi, không chỉ mọi điểm đến đáng chú ý tại Việt Nam, mà toàn cầu. Bản thân tôi còn có lúc nghi ngờ, rằng trẻ xinh lại giao tiếp hấp dẫn như Linh, thì hẳn có đại gia “chống lưng” mới thoải mái du lịch với những chuyến đi trong mơ và đắt đỏ như vậy. Sau này tôi mới biết, cô gái trẻ này còn là một nhà đầu tư thông minh.

Linh vốn là người có bản năng sống tự do mãnh liệt. Cô cũng thích tận hưởng những kỳ thú ở những không - thời gian khác nhau, những cảnh quan, lối sống đa dạng, phong phú, nên cô liên tục đi đây đó. Trước đây, cuộc sống của Mỹ Linh xoay quanh 4 điều: Giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đầu tư tài chính, và du lịch. Thấy cô không màng tới chuyện chồng con, nhiều người biết cô cứ tưởng Mỹ Linh không thích lấy chồng, sinh con, không biết nội trợ. Nhưng thực tế lúc đó, cô chưa sẵn sàng cho việc chồng con vì vẫn muốn dành thời gian du lịch. Thậm chí, cô còn cố gắng làm việc thật nhanh để dành thời gian đi du lịch. Mỗi tháng, Linh đều lên máy bay, tới một vùng nào đó mới mẻ. Trải nghiệm ở nơi đó, luôn đem lại cho Linh hứng thú tuyệt đỉnh, là niềm hân thưởng cho những ngày làm việc tối đa năng suất của cô.

Năm 2015, Mỹ Linh tới Nga làm nghiên cứu sinh ngành tài chính công, theo diện học bổng toàn phần Hiệp định Chính phủ Nga - Việt. Trong thời gian đó, cô yêu, và cưới một Việt kiều ở Đức, rồi sinh con năm 2019. Những điều này hoàn toàn không có trong kế hoạch của Linh. Dẫu vậy, cô đón nhận hai điều quan trọng này một cách bình tĩnh. Linh từng giác ngộ rằng, cuộc sống cứ thuận theo tự nhiên, cái gì đến thì thoải mái đón nhận, và sắp xếp điều mình muốn phù hợp với điều ngẫu nhiên ấy. Cô không quan niệm điều ngẫu nhiên đó là “may” hay “rủi”, cũng không cố bằng được thay đổi, xoay chuyển nó theo ý muốn chủ quan của mình, bởi bất cứ điều gì đến thì cũng có lý do của nó. Cô bình tĩnh quan sát điều đang xảy ra với cái tâm thanh thản, và khi thấy rằng cần dành thời gian để xây dựng một gia đình riêng thì cô sẽ làm điều đó. Trong khi cô đang mải mê với những chuyến bay Việt Nam - Đức – Nga – Anh - Pháp, và vừa tốt nghiệp nghiên cứu sinh được vài tháng, đang lập kế hoạch tiếp tục học tập và nghiên cứu tại Nga thì phát hiện mình mang thai, cô đã quyết định dừng lại, tạo dựng một nhịp sống mới để chuẩn bị làm mẹ.

Sống an lạc, hiệu quả nhờ biết “buông” ảnh 1
Phạm Mỹ Linh và con.

Mỹ Linh an yên ở lại Việt Nam, ngắt hoàn toàn các chuyến bay đây đó, vốn là sở thích của cô, để dưỡng thai và làm việc, nghiên cứu, tiếp tục làm việc từ xa với các giảng viên, nhà khoa học tại Trường Đại học Tổng hợp Kinh tế Liên bang Nga mang tên G.V. Plekhanov mà cô làm nghiên cứu sinh. Cô thu xếp một chế độ sinh hoạt, ăn phù hợp với những thực phẩm tự nhiên.

Để có sức khỏe cả tinh thần và thể chất khi mang thai, và việc bất ngờ phải dừng kế hoạch hoạt động xã hội, Mỹ Linh đã chọn tập yoga. Cô từng nghiên cứu rất kỹ về yoga, một bộ môn có tuổi đời trên 6.000 năm, và cô cũng từng là huấn luyện viên tại một trung tâm yoga quốc tế có tiếng tại Hà Nội. Cô biết chọn bài tập yoga nào là tốt nhất cho người mang bầu và biết điều tiết tập đúng cách, phù hợp.

Linh là như vậy. Cô hoàn toàn có thể “bơ” đi nhiều chuyện mà người thường quan tâm, nói về nó hàng ngày, nhưng khi đã thích làm một điều gì, học kiến thức chuyên môn nào, cô sẽ không chỉ học cho biết mà chuyển hóa nó thành đam mê, nghiên cứu thật sâu, hiểu biết ở cấp độ của chuyên gia. Có lẽ điều này vừa là một phẩm chất trong tính cách, vừa là một thói quen được rèn luyện của một nhà nghiên cứu khoa học. Những kiến thức về yoga, về y sinh của Linh cũng thật đáng nể, nhiều người không chỉ theo học Mỹ Linh về yoga mà còn được cô tư vấn để cải thiện tình trạng sức khỏe rất hiệu quả.

Sống an lạc, hiệu quả nhờ biết “buông” ảnh 2
Gỏi tôm

Buông

Nhiều người từng bất ngờ khi thấy Mỹ Linh cứ như một cô gái vô tư, rong chơi mà rồi bất ngờ đạt học vị đáng nể, bất ngờ lấy chồng, sinh con, lại là một huấn luyện viên yoga, lại biết nấu những món Âu - Á đặc biệt… Điều gì khiến cô đạt nhiều thành tựu như thế, trong lúc vẫn thu xếp được cả tài chính và thời gian du lịch nhiều nơi?

Và thật bất ngờ, khi Linh cho biết, rằng bí quyết chỉ ở một chữ “BUÔNG”. Không kỳ vọng đua tranh với người, với đời, không đặt mục tiêu cao phải đạt được, không tìm mọi cách lẩn tránh hoặc xóa đi điều bất ngờ đến không như dự tính, Linh chỉ cần sống, làm việc áp dụng theo điều cô đúc rút từ yoga. Đó là chăm chỉ, bền bỉ rèn tập mỗi ngày, sao cho kết quả ngày hôm nay phải vượt qua ngày hôm qua một chút, thì rồi thành tựu ắt sẽ đến mà chẳng cần chờ mong. Khi đang làm việc gì thì đó là quan trọng nhất. Khi đang ở gần ai thì người đó là quan trọng nhất. Và chỉ tập trung cho hiện tại, không để mình trôi lạc vào những toan tính cho tương lai hay hối tiếc về quá khứ. Quan niệm như thế, thực hành sống như thế, mang lại cho Linh sự an lạc, và những thành tựu đáng ngạc nhiên.

Sống an lạc, hiệu quả nhờ biết “buông” ảnh 3
Món nước dâu lô hội lá dứa do Linh tự làm.

Linh biết buông quá khứ, tương lai, để nắm chắc hiện tại của mình. Điều ấy xem chừng đơn giản quá, nhưng bạn cứ thử thực hành mà xem, không hề dễ.

“Tôi chứng kiến, GS Trần Phương, nhà sáng lập, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ, đã ngoài 90 tuổi, mà đầu óc minh mẫn, điều hành sáng suốt, trí nhớ phi thường, sức làm việc bằng ba, bằng năm người khác. Hoặc trên thế giới, có những trường hợp các lãnh đạo cao tuổi, như Tổng thống Donald Trump, nguyên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad… đều làm việc hiệu quả cao. Chúng ta cứ thắc mắc sao con người có thể vượt ngưỡng như vậy? Thực ra, không có gì ghê gớm cả, tất cả họ đều biết tập trung vào hiện tại, làm công việc hiện tại sao cho tiết kiệm thời gian nhất. Họ làm thế là trân trọng hiện tại, trân trọng cuộc sống của mình. Điều khiến số đông chúng ta không làm được như họ, đó là vì ta còn lười, và thiếu tập trung vào hiện tại” – TS Phạm Mỹ Linh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.