Son phấn tuổi mới lớn

GD&TĐ - Son phấn là sản phẩm do con người tạo ra để góp phần tôn vinh và thể hiện cái đẹp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Việc làm đẹp bằng son phấn mang tính bản năng của các tóc dài - nhất là với tuổi mới lớn. Nhưng đâu là điều lợi và điều hại khi dùng son phấn ở độ tuổi mới lớn?

Son phấn về bản chất là một loại hóa chất, cho dù đó là các chất tự nhiên hay nhân tạo. Da người là nơi tiếp nhận son phấn và “trình bày” tay nghề trang điểm của chủ nhân.

Tuy nhiên, da người tùy độ tuổi mà có sự tiếp nhận son phấn ở các trạng thái khác nhau. Nhiều trường hợp làm đẹp đâu chưa thấy mà đã thấy mặt mày sưng, ngứa ngáy, vì dùng phải son phấn… dỏm.

“Áo choàng”… da

Da là lớp “áo choàng” bảo vệ toàn bộ cơ thể con người. Đây là một chiếc “áo choàng” có tính đàn hồi, chịu được sự va chạm và đặc biệt là… rách đâu liền đấy, như có một phép màu kỳ diệu. Về cấu trúc, da là một tổ chức có cấu tạo tinh vi, phức tạp với nhiều mạch máu và thần kinh để cảm nhận, trao đổi chất và thải các chất thừa qua tuyến mồ hôi, lại vừa điều hòa nhiệt độ cơ thể qua sự thoát hơi qua các lỗ chân lông.

Các tế bào da bong tróc liên tục để làm mới lớp da. Chu kỳ tái tạo các tế bào da trung bình khoảng 50 ngày. Cấu tạo da gồm có 3 lớp: Thượng bì, trung bì và hạ bì. Thượng bì là lớp ngoài cùng của da, chịu sự tác động trực tiếp của son phấn. Lớp thượng bì bán trong suốt và là lớp mỏng nhất.

Đây là nơi chế tạo các sắc tố để hình thành màu sắc da. Bề mặt thượng bì có một lớp chất nhờn do tuyến bã và tuyến mồ hôi tiết ra, độ pH 5,4 - 5,7 nên có tính acid nhẹ, ức chế được sự phát triển và xâm nhập của vi khuẩn.

Trong tiến trình dần hoàn thiện để bước vào ngưỡng cửa... người “nhớn”, da các teen vẫn còn “non”, nên độ nhạy cảm với son phấn cũng lớn hơn. Do vậy, hiểm họa của son phấn luôn luôn rình rập.

Đại họa son phấn rởm

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trước hết, cần hiểu son phấn là một loại mỹ phẩm. Hàng càng chất lượng thì giá tiền càng cao. Để mua được những loại son phấn ăn ý và “hot” thì cần có nhiều tiền. Đến người lớn đi làm, có tiền cũng còn đắn đo cân nhắc trước khi mua huống chi là các cô chiêu ở tuổi mới lớn. Báo chí hằng ngày vẫn đăng tin đâu đó, có những tóc dài vì mê… son phấn nên trượt dài trong học tập và trong cuộc sống.

Về mặt vật lý, khi “trát” lên da một lớp son phấn, bề mặt da bị bao phủ bởi một lớp hóa chất, các lỗ chân lông cũng bị bít lấp, hạn chế chức năng hoạt động. Nếu gặp phải các loại son phấn rởm, thì đây là một tai họa.

Nhiều người đã tự tàn phá nhan sắc trời cho của mình trong một lần không may dùng phải hàng rởm. Do vậy, nếu cần chỉ nên sử dụng những thứ mà mình quen dùng. Hoặc dùng thử một tí chút để “test” xem mình có phù hợp với loại đó hay không.

Ban đêm, trước lúc đi ngủ, người sử dụng son phấn nên tắm rửa sạch, trả lại một làn da nguyên thủy để nó thực hiện các chức năng sinh lý học mà không bị hạn chế bởi son phấn.

Tuổi mới lớn dùng son phấn

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Môi trường học đường không phải là nơi thích hợp với sự xênh xang son phấn của các tóc dài. Sẽ rất là… lố bịch nếu có ai đó một hôm tự nhiên tô son trát phấn bước vào lớp học? Tuy nhiên, có những tóc dài ngấp nghé ngưỡng của người lớn, vì lý do tế nhị nào đó, như màu da “khiêm tốn”, mắt môi nhợt nhạt thì một chút son phấn để che lấp “u buồn” cũng là điều có thể chấp nhận được.

Song, cũng chỉ nên dùng loáng thoáng phơn phớt một cách tế nhị mà thôi. Nếu “đắp” lên nhiều quá, không khéo sẽ trở trông như các “má mì”. Các mẹ và các chị là những nhà tư vấn tốt và giúp đỡ trong những trường hợp này.

Trong những đợt trình diễn văn nghệ, tham dự dạ hội, tóc dài có lý do để sử dụng son phấn nhiều hơn mà không bị ai “dòm ngó”. Nếu không có son phấn thì dưới ánh đèn màu sân khấu trông rất là khó coi.

Sinh nhật, tiệc cưới cũng là cơ hội mà các cô chiêu đòi mẹ, đòi chị trang điểm cho tí chút để “lên màu” vui cùng với bạn bè và mọi người. Điều này cũng đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, bình thường thì không nên sử dụng. Hãy cứ chăm sóc một làn da tự nhiên cho thật khỏe mạnh, tập trung thời gian học tập, vui chơi hơn là thời gian ngồi tô tô phết phết và soi gương ngắm nghía một cách vô bổ.

- Nếu xảy ra sự cố: Sau khi son phấn bôi lên da mà cảm thấy bất an, như cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, nổi ban hay rát sẩn, bất kỳ biểu hiện nào xảy ra đều phải ngay lập tức ngưng sử dụng và làm “trôi” hết son phấn ngay, bằng dùng nước sạch giội rửa nhiều lần.

Không vội vàng bôi các thuốc điều trị lên đó nếu như mình không biết rõ tác dụng và tác hại. Tốt nhất cần sự tư vấn của một bác sĩ chuyên khoa da liễu hoặc người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ