Sơn La: Tự tin bước vào năm học mới

GD&TĐ - Cùng với cả nước, ngày mai (5/9), các trường học của tỉnh Sơn La sẽ đồng loạt tổ chức Khai giảng năm học mới. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng cho Ngày khai giảng và bước vào năm học mới với tâm thế tự tin, quyết tâm thực hiện tốt 9 nhiệm vụ mà Bộ GD&ĐT đã triển khai.

Học sinh vùng lũ Nậm Păm đã chính thức bước vào năm học mới
Học sinh vùng lũ Nậm Păm đã chính thức bước vào năm học mới

Nhân dịp này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã trao đổi với thầy Phạm Đăng Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La.

* Thưa thầy, công tác chuẩn bị cho Ngày khai giảng và năm học mới đã được thực hiện như thế nào?

- Thầy Phạm Đăng Quang: Thực ra, công tác chuẩn bị cho khai giảng đã được chúng tôi tiến hành từ lâu. Ngay sau khi kết thúc năm học 2016 – 2017, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường trực thuộc, các phòng GD&ĐT trong tỉnh có kế hoạch tu bổ trường, lớp; tăngm c cường thêm thiết bị dạy học và các điều kiện cần thiết khác.

Đặc biệt, trong tháng 8 chúng tôi tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ giáo viên về chính trị, về chuyên môn để các thầy, cô có đầy đủ tâm thế và điều kiện bước vào năm học mới tốt hơn năm học cũ. Cho đến thời điểm này, có thể nói các trường đã sẵn sàng cho năm học mới.

Theo kế hoạch, 8 giờ sáng ngày mai (5/9), các trường học của Sơn La sẽ đồng loạt khai giảng năm học mới. Riêng các trường vũng lũ Nậm Păm đã được tỉnh quyết định tổ chức khai giảng vào ngày 3/9 – đúng tròn 1 tháng sau khi cơn lũ ống tràn qua. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm vượt khó của tỉnh, của Ngành Giáo dục hoàn thành nhiệm vụ trồng người.

Chúng tôi cũng có văn bản chỉ đạo các trường tổ chức Ngày khai giảng trang trọng, vui tươi, an toàn và thân thiện. Tỉnh cũng thành lập 19 đoàn đến dự lễ khai giảng của các trường vùng sâu, vùng xa nhằm động viên, khích lệ thầy, trò trong Ngày đầu tiên của năm học mới.

Chúng tôi cũng khuyến khích các trường, tùy theo điều kiện và tình hình thực tế của địa phương để tổ chức phần hội cho học sinh. Ưu tiên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Múa xòe, ném còn, kéo co… Qua đó, tạo không khí sôi động trong Ngày khai giảng.

Thầy Phạm Đăng Quang: Sơn La đã sẵn sàng cho Ngày khai giảng
Thầy Phạm Đăng Quang: Sơn La đã sẵn sàng cho Ngày khai giảng  

* Với những trường bị thiệt hại bởi trận mưa lũ kinh hoàng hồi đầu tháng 8 vừa qua, đã đủ điều kiện về trường lớp để ổn định việc dạy và học trong năm học mới này hay chưa – thưa thầy?

- Thầy Phạm Đăng Quang: Trận mưa lũ hồi đầu tháng 8 và qua đã khiến 15 trường bị ảnh hưởng; trong đó có 3 trường bị thiệt hại nặng nề. Chúng tôi xác định khắc phục hậu quả mưa lũ là nhiệm vụ trọng tâm để các trường kịp bước vào năm học mới.

Đến nay, đã cơ bản ổn định và sẵn sàng cho việc dạy – học. Riêng các trường mầm non, tiểu học và THCS của xã Nậm Păm đã được tổ chức khai giảng sớm vào ngày 3/9. Theo đó, thầy, trò và nhân dân trong vùng đều rất phấn khởi và tự tin vào năm học mới có nhiều thắng lợi.

* Sơn La là tỉnh có rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số. Vậy chính sách Giáo dục dân tộc đã được Sở triển khai thực hiện như thế nào?

- Thầy Phạm Đăng Quang: Đối với học sinh dân tộc, ngoài việc thực hiện tốt các chế độ chính sách của Nhà nước, chúng tôi còn huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho các em đến trường, như: Xây dựng nhà bán trú cho học sinh, xây dựng bếp ăn, hệ thống nước…

Theo thống kế, hiện chúng tôi có khoảng 240 trường đã tổ chức nấu ăn cho học sinh. Ngoài ra, có chính sách đầu tư mua sách giáo khoa cho các trường để cho học sinh mượn sử dụng, đảm bảo đầy đủ thiết bị, tài liệu dạy – học cho giáo viên và học sinh.

Xin cảm ơn thầy!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ