Chương trình SEQAP đã góp phần đáng kể cải thiện tình trạng này, giữ HS ở lại lớp cùng với các hoạt động sư phạm chuyển động tích cực.
SEQAP hút HS tới trường
Báo cáo tổng kết Chương trình Đảm bảo chất lượng GD trường học (SEQAP) giai đoạn 2010 - 2016 của Sở GD&ĐT Sơn La đã cho thấy những khởi sắc trong việc thu hút HS vượt các điều kiện và hoàn cảnh khó khăn đến trường và ở lại trường học tập, vui chơi.
Tại Sơn La, dạy học cả ngày (FDS) cũng được thực hiện theo 3 phương án, với lộ trình thực hiện cụ thể. Từ 6 trường tham gia chương trình vào năm học 2010 - 2011, kết thúc năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 7/12 huyện, 30 trường tham gia SEQAP với tổng số 102 điểm trường, 594 lớp với 11. 815 HS, trong đó 25 trường thuộc xã khó khăn chiếm tỷ lệ 80,3%; thực hiện phương án T30 (dạy 30 tiết/tuần), 13 trường thực hiện phương án T35 (dạy 35 tiết/tuần).
Có được điều này, phần lớn nhờ có được nguồn kinh phí hỗ trợ của Chương trình SEQAP, cùng với chính sách của Nhà nước, của tỉnh và sự đóng góp của cha mẹ HS. Trong năm học 2015 - 2016 có 5.098 HS được ăn trưa tại trường (nguồn SEQAP là 4.544 HS, nguồn Nhà nước, của tỉnh là 280 HS, phụ huynh đóng góp là 274 HS), trong đó HS dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ 95%.
Tổng số HS được học cả ngày là 11.815/11.815 chiếm tỷ lệ 100%, trong đó HS DTTS - chiếm tỷ lệ 91,6%; huyện Mường La có tỷ lệ HS DTTS cao nhất chiếm 99,3%.
Cải thiện hoạt động sư phạm
Ông Trương Văn Thắm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - cho biết: Hoạt động dạy học cả ngày từ SEQAP đã mang lại những ảnh hưởng và thay đổi tích cực đối với các hoạt động sư phạm trong trường tiểu học.
Trên cơ sở hướng dẫn của Chương trình SEQAP Trung ương, Sở GD&ĐT kịp thời tập huấn, chỉ đạo các trường tiểu học tham gia SEQAP lập kế hoạch FDS đảm bảo thực tiễn, khoa học. Việc vận dụng Sổ tay hướng dẫn lập kế hoạch FDS và Sổ tay hướng dẫn hoạt động do SEQAP soạn thảo cũng được các đơn vị trường học trong SEQAP thực hiện một cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc: Chương trình dạy học buổi sáng và buổi chiều là 1 chỉnh thể thống nhất, mục đích giảm sức ép cho giáo viên và HS, tạo cho HS có tâm thế thoải mái, từ đó giúp HS nhận thức tốt và có được những kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của cấp học.
Sổ tay hướng dẫn hoạt động ở các trường dạy học cả ngày cũng góp phần giúp các nhà trường nâng cao kỹ năng tổ chức, tạo các sân chơi lành mạnh cho HS. Giúp các em có thêm các kỹ năng hoạt động tập thể, xây dựng tinh thần đoàn kết, tình cảm trong sáng giữa HS với HS và giữa HS với thầy cô giáo và nhà trường. Nhiều đơn vị trường ngoài SEQAP trong tỉnh cũng đã tham khảo và xây dựng kế hoạch dạy học cả ngày theo mô hình T30. Việc tăng số tiết và xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp, khoa học đã góp phần duy trì sĩ số HS, nâng cao chất lượng GD.
Cũng theo ông Trương Văn Thắm, để tổ chức thực hiện hiệu quả FDS, cùng với việc lập kế hoạch FDS và tổ chức thực hiện FDS, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường, các giáo viên trường SEQAP sử dụng các tài liệu của SEQAP một cách hiệu quả vào thời gian tăng thêm của trường dạy học cả ngày.
Thời gian tăng thêm dùng để củng cố kiến thức kĩ năng môn Tiếng Việt và môn Toán. Nâng cao khả năng học tập tiếng Việt cho HS DTTS (lớp 1 và 2) bằng “Tăng cường kĩ năng giao tiếp tiếng Việt cho HS DTTS”. Đồng thời tích hợp rèn luyện, nâng cao kĩ năng nghe nói tiếng Việt thông qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo và các môn học khác của các nhà trường.
Bên cạnh đó, các hoạt động GD ngoài giờ lên lớp cũng được tổ chức có hiệu quả: Sinh hoạt tập thể, tham gia các sân chơi trí tuệ, các hội thi, dạy học theo nội dung tích hợp, dạy học qua tài liệu địa phương, khai thác kiến thức từ thư viện xanh, thư viện lớp học… một cách linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của nhà trường và khả năng của HS nhằm góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện.
Hình thức tổ chức dạy học trong các trường SEQAP tại Sơn La được áp dụng đa dạng, phong phú, mềm dẻo, linh hoạt, mở về không gian, thời gian, quy mô, đối tượng và số lượng. HS có nhiều cơ hội trải nghiệm, huy động giáo viên, phụ huynh, các tổ chức đoàn thể trong và ngoài nhà trường cùng tham gia tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Cùng với SEQAP, các giáo viên cũng có nhiều đổi mới, được giao lưu, học tập và chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn cho HS chủ động, tích cực tham gia các hoạt động và trải nghiệm; HS tự xây dựng kế hoạch triển khai, tự thiết kế và nghiệm thu kết quả, tự báo cáo... Việc kiểm tra đánh giá được quan tâm đến kinh nghiệm, năng lực thực hiện, các phẩm chất cần có phù hợp lứa tuổi HS.