(GD&TĐ)- Sơn La là tỉnh miền núi Tây Bắc có điều kiện kinh tế- xã hội còn khó khăn, trong đó có 05/62 huyện nghèo trong cả nước. Hiện nay, tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phổ cập Giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015 (PCGDMN 5 tuổi) tại địa phương này đang còn gặp nhiều khó khăn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã và đang cùng ngành giáo dục phối hợp với ban, ngành, đoàn thể các cấp cùng nhân dân các dân tộc trong tỉnh khắc phục khó khăn, tổ chức triển khai các hoạt động nhằm quyết tâm hoàn thành mục tiêu PCGDMN 5 tuổi vào năm 2015.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCGDMN 5 tuổi, tỉnh Sơn La hiện có 251 trường mầm non (MN). Địa phương này chỉ có 2 loại hình trường MN là công lập và tư thục, không có trường MN bán công và dân lập phải thực hiện chuyển đổi theo quy định; đây là một thuận lợi nhất định của tỉnh trong việc thực hiện Đề án PCGDMN 5 tuổi.
Toàn tỉnh có 3.474 nhóm/lớp MN. Riêng MN 5 tuổi có 1.797 lớp, trong đó có 598 lớp tách riêng độ tuổi, 1.199 lớp ghép các độ tuổi, với 25.453 trẻ đến trường, tỷ lệ huy động đạt 98%; tỷ lệ trẻ học 2 buổi/ngày đạt 100%. Tỷ lệ chuyên cần đạt 98%; tỷ lệ trẻ hoàn thành chương trình giáo dục MN đạt 97,1%;
Nhiều khó khăn đặc thù của vùng sơn cước
Một tiết học của lớp MN 5 tuổi trường MN tư thục Ngọc Linh- TP.Sơn La. Ảnh.gdtd.vn |
Là tỉnh miền núi, địa bàn dân cư phân tán, giao thông đi lại không thuận lợi; lao động ở các vùng nông thôn, vùng cao, vùng sâu, vùng biên giới chủ yếu làm nương rẫy nên việc điều tra phổ cập gặp nhiều khó khăn. Huyện Mường La là một điển hình cho những khó khăn này. Với số dân khoảng 9 vạn người gồm 6 dân tộc Thái, Kinh, Mông, La Ha, Kháng, Khơ Mú sinh sống ở 289 bản và tiểu khu trong huyện. Địa hình của Mường La hiểm trở, dân cư phân tán, giao thông, liên lạc rất khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều tra phổ cập, vận động học sinh ra lớp.
Phó chủ tịch UBND huyện Mường La Mùa Thị Sinh- trưởng BCĐ PCGDMN 5 tuổi của của huyện cho biết, do nhận thức của những hộ dân là người (dân tộc thiểu số) DTTS còn hạn chế nên giấy khai sinh của trẻ không được làm ngay khi sinh. Chính vì vậy, khi giáo viên (GV) vận động học sinh ra lớp mới biết nhiều trẻ không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không đúng với tên, họ thật…
Nhiều trường hợp khác đã có giấy khai sinh, nhưng mỗi lần trẻ bệnh nặng, theo tập tục lạc hậu nơi đây, người dân mời thầy đến cúng đuổi ma, phải thay đổi tên họ cho trẻ nên rất khó theo dõi tên tuổi của các trẻ. Sự thất lạc hoặc sai lệch giấy khai sinh ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi được hưởng chế độ hỗ trợ học tập, ăn uống của trẻ là người DTTS khi trẻ bước vào lớp 5 tuổi, Phó chủ tịch Mùa Thị Sinh cho biết.
Tại thị trấn Ít Ong của Mường La còn có một khó khăn đặc thù khác nữa. Nơi đây là địa bàn sinh sống của hàng ngàn cán bộ, công nhân xây dựng thủy điện Sơn La. Một năm trở lại đây, do thủy điện Sơn La sắp hoàn thành, phần lớn số cán bộ, công nhân này chuyển đi đã gây xáo trộn tình hình dân cư và số trẻ đến trường trong thị trấn Ít Ong.
Hiệu trưởng trường Mầm non Họa Mi- thị trấn Ít Ong Hà Thị Hiên cho biết, do tình hình dân cư biến động, GV của trường phải tổ chức 1 năm 2 lần điều tra lại số trẻ trên địa bàn vào tháng 8 và tháng 12 hàng năm. Bên cạnh đó, dân số biến động nên giữa 3 trường MN của thị trấn cũng phải phân chia lại địa bàn tuyển sinh cho trẻ nên cũng phải điều tra trên những đơn vị hành chính mới được phân bổ về trường.
Cả Phó chủ tịch Mùa Thị Sinh và Hiệu trưởng Hiên đều chung chia sẻ, công tác điều tra phổ cập của GV tốn nhiều thời gian; điều này gây xáo trộn không không nhỏ đến sinh hoạt gia đình của các GV làm công tác PCGDMN 5 tuổi trong huyện. Trong khi đó, chế độ thù lao của đội ngũ này chưa được thực hiện.
Theo báo cáo của BCĐ PCGDMN 5 tuổi huyện Mường La, hiện đội ngũ (GV dạy lớp 5 tuổi) này khoảng 203 người; tính tỉ lệ chung toàn huyện, GV dạy lớp 5 tuổi chỉ đạt khoảng 1,11 người/lớp. Vẫn còn có trường thiếu GV dạy lớp 5 tuổi tại Mường La.
Một khó khăn nữa trong công tác PCGDMN 5 tuổi tại huyện này là dạy Tiếng Việt cho trẻ là người DTTS. Tính chung trong tổng số 14.396 trẻ từ 0 đến 5 tuổi được huy động đến lớp năm 2012, đã có 5.680 trẻ là người DTTS (theo thống kê của BCĐ PCGDMN 5 tuổi huyện Mường La). Trong đó, số trẻ DTTS từ 0 đến 5 tuổi được chuẩn bị tiếng Việt là 4.881 trẻ.
Ở đây chúng tôi chỉ đưa ra 1 ví dụ điển hình tại trường Mầm non Họa Mi- thị trấn Ít Ong để thấy được khó khăn trong công tác dạy Tiếng Việt chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi bước vào lớp 1 tại huyện này. Họa Mi là trường thuộc thị trấn, chỉ có 17 trẻ 5 tuổi là người DTTS.
Hiệu trưởng Hà Thị Hiên cho biết, nhà trường đã bố trí các GV biết tiếng dân tộc để có thể dạy các em bằng song ngữ (dạy bằng cả tiếng dân tộc của trẻ và tiếng Việt), từ đó củng cố tiếng Việt cho trẻ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc 2 trẻ lớp 5 tuổi là người DTTS tại đây, vốn Tiếng Việt các em còn rất hạn chế; khi được hỏi những câu giao tiếp thông thường bằng Tiếng Việt về chỗ ở, sở thích, các trẻ này thậm chí không hiểu được và hỏi lại bằng hai từ phản xạ thường thấy “gì” và “hả”.
Dạy tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi là người DTTS là một nhiệm vụ khó khăn đặt ra không chỉ riêng của huyện Mường La mà trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là một mục tiêu đặt ra của Đề án PCGDMN 5 tuổi ở những địa phương có người DTTS để trẻ có những điều kiện tốt nhất bước vào học lớp 1 bậc Tiểu học.
Theo thống kê, trong tổng số 25.814 trẻ 5 tuổi ở Sơn La, có 21.433 trẻ DTTS được huy động đến lớp. 100% số trẻ em này được dạy tiếng Việt trên lớp. Tuy nhiên, để chuẩn bị vốn tiếng Việt cho các em đủ để tự tin bước vào lớp 1 còn đòi hỏi một quá trình nỗ lực cố gắng rất lớn của cả cô và trò. Bởi trên thực tế, không phải trường MN nào ở địa phương này cũng có sẵn GV biết tiếng dân tộc để bố trí dạy tiếng Việt cho học sinh 5 tuổi là người DTTS…
Cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi cho lớp 5 tuổi còn thiếu
Một hoạt động ngoài trời của lớp MN 5 tuổi Trường MN tư thục Ngọc Linh- TP.Sơn La. Ảnh, gdtd.vn |
Hiện nay, tại Sơn La đã có 77/204 xã phường được công nhận đạt chuẩn PCGDMN 5 tuổi, chiếm tỉ lệ 37,7%; theo kế hoạch, Sơn La phấn đấu sẽ có thêm 60 xã sẽ hoàn thành PCGDMN 5 tuổi vào năm 2013. Địa phương này đang phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành PCGDMN 5 tuổi. Tuy nhiên, theo đánh giá của BCĐ PCGDMN 5 tuổi thì một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đang gặp phải của Sơn La là cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi cho những lớp 5 tuổi.
Theo báo cáo, thực trạng chung cơ sở vật chất trên toàn tỉnh của các lớp MN 5 tuổi còn nhiều khó khăn, tỉ lệ phòng học kiên cố chung trong toàn bậc học mới đạt 50%, phòng chức năng còn thiếu nhiều; số phòng học tạm, học nhờ, phòng không đủ diện tích theo qui định còn nhiều; công trình vệ sinh dành cho trẻ và GV chưa thật đảm bảo; số lượng bộ thiết bị dạy học tối thiểu còn hạn chế so với yêu cầu.
Lấy đơn cử tại một đơn vị có nhiều thuận lợi nhất trên toàn tỉnh để thực hiện PCGDMN 5 tuổi là TP.Sơn La nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ chơi vẫn còn thiếu rất nhiều. Toàn thành phố có 12 xã, phường với tổng số 239 phòng học MN, trong số đó có 80 phòng dành cho lớp MN 5 tuổi.
Tỉ lệ phòng đạt yêu cầu theo quy định chỉ chiếm 72,5% (58/80). Số phòng còn lại là 25 phòng học bán kiên cố và đáng chú ý, thành phố vẫn còn 22 phòng học MN 5 tuổi phải học nhờ, mượn ở nhà văn hóa tổ dân phố, thôn bản. Toàn thành phố chỉ có 36/80 bộ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu, còn lại 44/80 lớp thiếu bộ đồ dùng, đồ chơi tối thiểu theo quy định.
Hiện nay toàn bậc học MN của tỉnh Sơn La có 3.028 phòng học, trong đó có 1.515 phòng kiên cố (chiếm 50%), 539 phòng bán kiên cố (chiếm 17,8%), 974 phòng học tạm (32,2%), vẫn còn 493 phòng phải học nhờ trường phổ thông và nhà văn hóa xã, bản, tiểu khu. Riêng MN 5 tuổi có 1.797 phòng, trong đó có 773 phòng kiên cố (43%), 360 phòng bán kiên cố (20%), 539 phòng đạt yêu cầu (30%), còn 125 phòng học tạm, học nhờ.
Như vậy, để thực hiện thành công Đề án PCGDMN 5 tuổi, tỉnh Sơn La cần đầu tư rất lớn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho các lớp MN 5 tuổi nói riêng và các nhóm trẻ khác. Trong khi đó, là một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội đề ra, nhất là thu chi ngân sách, ngân sách địa phương đầu tư cho Đề án PCGDMN 5 tuổi hàng năm rất hạn chế.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hoàng Tiến Đức cho biết, tỉnh Sơn La đang rất trông đợi vào việc tiếp tục đầu tư Đề án kiên cố hoá trường lớp học giai đoạn 2013 – 2015 và các nguồn vốn ngân sách từ Trung ương khác để hoàn thành Đề án PCGDMN 5 tuổi. Trong thời gian qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau từ TW, ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa, Sơn La đã chú trọng xây dựng mới số phòng học kiên cố cho các lớp 5 tuổi để xóa phòng học tạm và học nhờ; Đảm bảo có đủ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi đáp ứng mục tiêu của công tác phổ cập.
Bá Hải