Rà soát, trả cơ sở giáo dục trưng dụng làm khu cách ly
Theo Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, ngày 5/9 thành phố tổ chức khai giảng năm học 2021 - 2022 bằng hình thức trực tuyến. Ngày bắt đầu học kỳ I đối với bậc mầm non, tiểu học là 20/9. Đối với học sinh lớp 9 và 12 bắt đầu học kỳ I từ 6/9. Học sinh lớp 6, 7, 8, 10 và 11 bắt đầu từ 13/9. Riêng GDTX bắt đầu học kỳ I từ 20/9.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) thông tin: Theo kế hoạch, UBND huyện trưng dụng 10 điểm trường trên địa bàn để phục vụ cho công tác phòng chống dịch. UBND huyện đã trưng dụng 3 điểm trường để làm khu cách ly tập trung cho người dân trên địa bàn.
Trong thời gian tới, phòng GD&ĐT sẽ trình UBND huyện xem xét hỗ trợ, hoàn trả các cơ sở giáo dục cho nhà trường để chuẩn bị cho công tác giảng dạy trong năm học mới. “Riêng những điểm trường đang được trưng dụng chưa kịp thay thế, hoàn trả, phòng sẽ chỉ đạo các đơn vị chủ động, linh hoạt lên kế hoạch học tập và giảng dạy trực tuyến”, ông Dũng cho biết.
TrườngTHPT Bình Thủy, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ) được trưng dụng để phục vụ cho công tác phòng dịch của thành phố từ ngày 23/7. Cô Trần Thị Ngọc Sương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Trường đã chủ động niêm phong một số phòng chức năng và bàn giao cho đơn vị tiếp quản. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà trường đã xây dựng kế hoạch khai giảng và dạy học trực tuyến cho học sinh.
Ngoài ra, trường cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, học tập tại nhà, phòng trường hợp nhà trường vẫn tiếp tục được trưng dụng phục vụ công tác phòng dịch. “Tuy nhiên, một số hồ sơ, giấy tờ liên quan hiện đang niêm phong tại trường. Do đó, nhà trường gặp một số khó khăn nhất định trong công tác thực hiện nhiệm vụ giáo dục trong năm học mới”, cô Sương cho biết.
Để đảm bảo trường lớp cho năm học mới, UBND TP Cần Thơ đề nghị UBND các quận, huyện rà soát lại số lượng cơ sở giáo dục được trưng dụng và số lượng công dân đang thực hiện cách ly y tế tại địa phương để bố trí, sắp xếp lại khu cách ly, trả lại trường cho học sinh đi học; Phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn theo quy định và hoàn trả đúng hiện trạng để các cơ sở giáo dục để chuẩn bị cho công tác khai giảng năm học mới; Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường để an tâm học tập và giảng dạy.
Riêng trường hợp số lượng công dân đang thực hiện cách ly y tế còn lớn, chưa thể bố trí địa điểm cách ly y tế đầy đủ, phù hợp thì chủ động báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền cho phép cơ sở giáo dục tổ chức khai giảng chậm, cho học sinh học tập trực tuyến hoặc học nhờ cơ sở giáo dục khác.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, thành phố đề nghị lãnh đạo UBND các cấp có phương án sắp xếp, bố trí địa điểm cách ly y tế phù hợp để tiếp tục thực hiện việc cách ly y tế tập trung theo quy định, bảo đảm hài hòa hai nhiệm vụ “vừa chống dịch vừa khai giảng năm học mới”.
Bảo đảm điều kiện học tập an toàn
Tại tỉnh Cà Mau, ông Phạm Hoàng Gan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Hiện tỉnh có 12 cơ sở giáo dục phổ thông được trưng dụng làm khu cách ly. Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Y tế, chính quyền địa phương tham mưu UBND tỉnh có giải pháp phù hợp để các đơn vị được trưng dụng làm cơ sở cách ly đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, kịp thời gian khai giảng năm học mới.
Qua rà soát, hầu hết các điểm trường được tỉnh trưng dụng đều có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tương đối tốt; cơ bản vẫn đảm bảo yêu cầu cho học sinh bước vào năm học 2021 - 2022… “Sở GD&ĐT chủ động, phối hợp với ngành Y tế, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tiêu độc, khử trùng khuôn viên trường học. Các đơn vị, trường học chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung nhân lực, phương tiện, vệ sinh môi trường, lớp học để phòng bệnh với phương châm “Tuyệt đối an toàn, quyền lợi của học sinh luôn đặt lên hàng đầu”, ông Gan nhấn mạnh.
Theo Sở GD&ĐT Sóc Trăng, toàn tỉnh có hơn 100 cơ sở trường học (chiếm 1/5 tổng số trường) đang được sử dụng để làm khu cách ly. Đây là khó khăn lớn mà ngành Giáo dục địa phương đang phải đối diện trước thềm năm học mới. Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT, việc triển khai hình thức học trực tiếp hay gián tiếp sẽ phụ thuộc vào từng vùng dịch (đỏ, cam, vàng, xanh) mà địa phương đang áp dụng.
Tuy nhiên, đối với điều kiện đặc thù tại các vùng nông thôn của Sóc Trăng, khi bắt buộc phải học gián tiếp (học online) sẽ gặp nhiều khó khăn, vì không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để trang thiết bị cho các em. Để giải quyết khó khăn này, ngành Giáo dục tỉnh yêu cầu các trường áp dụng linh hoạt hình thức học online. Theo đó, ngoài việc tương tác bằng camera trực tuyến, có thể áp dụng hình thức giao bài tập, rồi trao đổi qua ứng dụng mạng xã hội như email, Facebook, Zalo…
Đối với cơ sở giáo dục trưng dụng làm khu cách ly, theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh sẽ có kế hoạch sắp xếp, bố trí phù hợp để đảm bảo các em có điều kiện học tập an toàn…