Không ít em tỏ ra hồi hộp trước các kỳ thi sắp tới, trong khi các cơ sở giáo dục đại học cũng có những thay đổi đáng kể trong cấu trúc và phương thức tổ chức thi.
Tranh thủ đăng ký, ôn luyện
Đại học Quốc gia TPHCM vừa mở cổng đăng ký dự thi đợt 1 kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL). Hệ thống sẽ đóng vào ngày 20/2, kỳ thi đợt 1 diễn ra vào ngày 30/3. Nguyễn Minh Khang - học sinh lớp 12 tại TP Thuận An (Bình Dương) chia sẻ sự háo hức xen lẫn lo lắng trước kỳ thi quan trọng này.
“Kỳ thi là cơ hội để em thể hiện khả năng tư duy và tổng hợp kiến thức, thay vì chỉ học thuộc lòng. Em mong đạt điểm cao để xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM, ngành Quản trị Kinh doanh, theo đuổi đam mê khởi nghiệp”, Khang bày tỏ. Hiện tại, nhiều thí sinh như Khang cũng tích cực ôn luyện, làm đề thi thử và củng cố kiến thức nền tảng với hy vọng đạt kết quả tốt.
Năm nay, kỳ thi ĐGNL đợt 1 được tổ chức tại 25 tỉnh, thành phố, gồm: Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và Cà Mau.
Tương tự kỳ thi ĐGNL của Đại học Quốc gia TPHCM, các kỳ thi đánh giá năng lực khác ngày càng được nhiều học sinh lựa chọn nhờ tính thực tiễn, mở rộng cơ hội xét tuyển vào các trường đại học. Là học sinh đến từ huyện Trảng Bom (Đồng Nai), Nguyễn Thị Ngọc Linh đang tích cực chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM năm 2025. Đặt mục tiêu chinh phục kỳ thi này để thỏa ước mơ vào giảng đường đại học ngành Sư phạm, Ngọc Linh đã xây dựng lộ trình ôn luyện khoa học và đầy quyết tâm.
“Không chỉ là ôn lại kiến thức đã học, em tập trung rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và làm bài nhanh chóng”, Ngọc Linh chia sẻ. Nữ sinh này đặc biệt chú trọng đến các đề thi thử và tham gia khóa học ôn luyện để nâng cao khả năng phản xạ và tư duy sáng tạo. Dù đã dành nhiều tháng ôn luyện chăm chỉ, nữ sinh vẫn không khỏi bồn chồn trước thử thách lớn sắp tới.
Thay đổi để bám sát Chương trình GDPT 2018
Theo công bố của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025, cấu trúc bài thi ĐGNL của đại học này trong năm 2025 sẽ thay đổi. Bài thi giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của hai phần này để nâng cao độ tin cậy và khả năng phân biệt của bài thi.
Các phần “Tư duy logic”, “Phân tích số liệu” và “Giải quyết vấn đề” của năm trước được cấu trúc lại thành “Tư duy khoa học” nhằm đánh giá khả năng suy luận và logic khoa học của thí sinh trong việc giải quyết các tình huống thực tế thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Giải thích cho sự thay đổi trên, TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM), cho biết, kỳ thi nhằm đánh giá các năng lực cơ bản của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề, từ đó tuyển chọn thí sinh có năng lực cao và phù hợp với chương trình đào tạo.
Trong bối cảnh hoàn tất chu trình triển khai Chương trình GDPT năm 2018, cấu trúc bài thi ĐGNL 2025 đã điều chỉnh cho phù hợp, với việc giữ lại cấu trúc phần “Sử dụng ngôn ngữ” và “Toán học” nhưng tăng số lượng câu hỏi để nâng cao độ tin cậy. Phần “Tư duy khoa học” được cấu trúc lại nhằm đánh giá năng lực thí sinh trong việc suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế.
Các câu hỏi thuộc nhóm “Tư duy khoa học” sẽ liên quan đến vấn đề khoa học, xã hội, công nghệ và đời sống, không yêu cầu kiến thức chuyên môn riêng biệt về các môn học như Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý hay Giáo dục kinh tế và pháp luật. Thí sinh chỉ cần sử dụng dữ liệu và thông tin được cung cấp để suy luận, không đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về từng môn học.
Trong năm 2025, Đại học Quốc gia TPHCM thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học bao gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức và xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT. Đồng thời, đại học này khuyến khích các đơn vị thành viên xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp. Trong phương án tuyển sinh của các trường đại học thành viên những năm qua, phương thức xét tuyển điểm thi ĐGNL chiếm 30 - 60% tổng chỉ tiêu.
Tại Trường Đại học Sư phạm TPHCM, từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt tiếp tục được tổ chức với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Quy mô của kỳ thi dự kiến được mở rộng, không chỉ phục vụ công tác tuyển sinh của trường mà còn cho các trường đại học khác. Các bài thi sẽ đánh giá năng lực của thí sinh dựa trên Chương trình GDPT 2018. Trong đó, kiến thức lớp 12 chiếm khoảng 70 - 80% tổng số nội dung, còn lại là kiến thức từ chương trình lớp 10 và lớp 11.
Theo ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM, từ năm 2025, nhà trường triển khai phương án tuyển sinh độc lập thông qua kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt. Phương án này dự kiến chiếm 40 - 50% tổng chỉ tiêu tuyển sinh, với khoảng 30 ngành đào tạo. Thí sinh phải thi ít nhất 2 môn theo tổ hợp do trường quy định cho từng ngành, trong đó có một môn chính.
Điểm xét tuyển được tính bằng tổng điểm môn chính (nhân hệ số 2) cộng với điểm môn còn lại. Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến tổ chức từ 3 đến 5 đợt thi tại nhiều điểm thi khác nhau, với tổng số lượt thi ước tính trên 30.000 thí sinh. Tổ chức kỳ thi gồm nhiều đợt trong năm để giúp thí sinh có thêm cơ hội dự thi và xét tuyển theo ngành học yêu thích và có thế mạnh.
“Đề thi đánh giá năng lực có nhiều câu hỏi liên quan đến các môn học riêng biệt, nhưng với Chương trình GDPT 2018, thí sinh có thể lựa chọn tổ hợp môn học, nên cấu trúc đề thi được điều chỉnh để đánh giá năng lực cơ bản của tất cả thí sinh. Với những thay đổi này, Đại học Quốc gia TPHCM đã xây dựng ngân hàng câu hỏi và chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi ĐGNL sắp tới, nhằm tuyển sinh nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với nhu cầu giáo dục đại học hiện nay”. - TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo (Đại học Quốc gia TPHCM)