(GD&TĐ) - Hôm nay ngày 8/12, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra Hội nghị liên bộ về công tác pháp chế ngành giáo dục. Đến dự có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, lãnh đạo Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT, lãnh đạo Vụ các vấn đề chung – Bộ Tư pháp.
Các đại biểu dự HN |
Trong năm 2011, Bộ GD&ĐT đã soạn thảo trình cấp trên ban hành và ban hành theo thẩm quyền tổng số 119 văn bản quy phạm pháp luật (gồm dự thảo Luật Giáo dục đại học, 6 nghị định, 12 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 16 thông tư liên tịch và 84 thông tư); 37 đề án và văn bản khác.
So với cùng kỳ năm 2010, kết quả soạn thảo, ban hành văn bản của Bộ GD-ĐT năm 2011 có những tiến bộ rõ rệt. Số lượng văn bản đã hoàn thành đạt tương đối cao (đạt 76%). Tuy nhiên xét về tiến độ, việc soạn thảo để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành còn chậm so với kế hoạch đầu năm trong đó có các văn bản hướng dẫn Luật Giáo dục và văn bản trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hệ thống pháp chế ngành giáo dục từ Bộ đến các sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ đã được kiện toàn, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo đơn vị trong công tác soạn thảo văn bản, kiểm tra rà soát văn bản, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đến nay đã có 01 sở GD&ĐT thành lập được Phòng Pháp chế, 62 sở GD&ĐT đã thành lập bộ phận pháp chế với hình thức phòng Thanh tra – pháp chế, bộ phận pháp chế thuộc Phòng Thanh tra, Văn phòng hoặc cử cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm công tác pháp chế.
Có 307 cơ sở giáo dục ĐH thành lập tổ chức pháp chế hoặc cử cán bộ làm công tác pháp chế, trong đó ĐH là 148 trường, CĐ là 124 trường; dự bị là 05 trường và 01 khoa.
Từ năm 2004 đến nay, Bộ GD&ĐT định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác pháp chế, tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật định kỳ cho đội ngũ cán bộ pháp chế của sở, trường. Ban hành Chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ công tác pháp chế giáo dục và tổ chức bồi dưỡng cấp chứng chỉ nghiệp vụ công tác pháp chế cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế chưa qua đào tạo Luật của sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH, Trung cấp chuyên nghiệp.
Tại Hội nghị, đã có rất nhiều ý kiến đóng góp cho công tác pháp chế, như Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp cần quan tâm đề xuất với Chính phủ được kéo dài việc hoạt động của đề án 1928; Bộ GD&ĐT cần quan tâm hơn nữa tới việc giảng dạy môn Giáo dục công dân trong các nhà trường (vấn đề về tài liệu giảng dạy, chế độ với giáo viên...); Cần đưa môn Giáo dục công dân là môn học chính thống (bắt buộc) đối với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng; Đưa giáo dục pháp luật vào trong các nhà trường là một việc hết sức cần thiết để giúp thầy cô, học sinh, phụ huynh học sinh có những nhận thức và hành vi đúng đắn...
Phát biểu tại HN, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đồng tình với những ý kiến của các đại biểu và kết quả đã đạt được của Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT. Thứ trưởng mong rằng, hai Bộ cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa để các văn bản, nghị định trình Chính phủ sớm được ban hành và có hiệu lực.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại hội nghị |
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhất trí với những kết quả mà Bộ Tư pháp và Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT đã đạt được.
Thứ trưởng đề nghị, cần sát sao hơn nữa tới công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho HS-SV bởi vì đó là việc làm hết sức cần thiết mang tính giáo dục nhân văn cao cả; Triển khai Nghị định 55 về công tác pháp chế; Bộ GD&ĐT cần tăng cường thêm nhân lực cho Vụ Pháp chế; đẩy mạnh việc triển khai kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự làm công tác pháp chế tại các sở GD&ĐT.
Thảo Nguyên