Sớm chuyên nghiệp hóa công tác xã hội học đường

GD&TĐ - Sáng nay (20/3), Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH South Carolina (Hoa Kì) phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, chủ đề “Công tác xã hội trường học - Kinh nghiệm quốc tế và định hướng phát triển ở Việt Nam”.

Sớm chuyên nghiệp hóa công tác xã hội học đường

Theo GS.TS Đỗ Việt Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu trong nước và quốc tế, sự kiện khoa học này còn nhằm nâng cao nhận thức, mối quan tâm của các cấp lãnh đạo, quản lý, những người làm công tác giáo dục, gia đình và nhà trường về vai trò, vị trí, ý nghĩa của Công tác xã hội trong trường học; xây dựng, phát triển Công tác xã hội trường học theo hướng chuyên nghiệp hoá.

Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm, bàn bạc về định hướng phát triển Công tác xã hội trường học, trong đó có vấn đề xây dựng, phát triển chương trình đào tạo về Công tác xã hội trường học.

Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo là nhu cầu phát triển Công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam.

TS Vũ Thị Kim Dung - Trưởng khoa Công tác xã hội Trường ĐH sư phạm Hà Nội - cho biết: Hiện nay, nhiều vấn đề phức tạp đã và đang xảy ra trong trường học, như bạo lực học đường, khủng hoảng tâm lý, nghiện game, sử dụng chất kích thích, mang thai tuổi học đường… Nhiều vấn đề nảy sinh trong trường học đã vượt ra khỏi phạm vi chuyên môn và khả năng của giáo viên.

Giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của ngành Giáo dục và toàn xã hội, trong đó có vai trò, trách nhiệm trực tiếp của Công tác xã hội học đường.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Hải Hữu - Chủ tịch Hội các trường đào tạo Công tác xã hội Việt Nam - đặt vấn đề phải học hỏi kinh nghiệm thế giới cùng nhu cầu thực tiễn ở Việt Nam để xây dựng chương trình, nội dung đào tạo Công tác xã hội trường học cho phù hợp; đồng thời, đưa ra gợi ý về chiến lược 3 giai đoạn để thực hiện việc này. 

Theo đó, giai đoạn 3 năm đầu, các trường ĐH Việt Nam nên nghiên cứu, sử dụng chương trình, nội dung đào tạo Công tác xã hội trường học của các nước trên thế giới. Những điều chỉnh cho phù hợp chỉ nên ở mức độ nhỏ.

Giai đoạn 2 (trong khoảng 4 - 6) năm, sau khi đã có một số kinh nghiệm về xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, kinh nghiệm về thực hành đào tạo và theo dõi kết quả hoạt động của sinh viên ra trường, các trường tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh lại chương trình đào tạo cho phù hợp; nên điều chỉnh cả chương trình, nội dung đào tạo và chuẩn đầu ra.

Giai đoạn 3 là giai đoạn nên sửa đổi, điều chỉnh một cách toàn diện về chuơng trình, nội dung đào tạo, chuẩn đầu ra phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống văn hóa Việt Nam.

Đại diện Bộ GD&ĐT, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên - cho biết: Hiện nay, các nhà trường tại thành phố lớn đã hình thành các trung tâm tư vấn tâm lý, trung tâm tư vấn học đường, tuy nhiên, chức năng hoạt động của các trung tâm này chưa đúng là các hoạt động công tác xã hội; đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu về công tác xã hội, đặc biệt là công tác xã hội học đường.

Chính vì vậy, để sớm xây dựng và chuyên nghiệp hóa về công tác xã hội học đường, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát, đánh giá lại hệ thống các trung tâm dịch vụ hỗ trợ, tư vấn đối với học sinh trong các nhà trường và đội ngũ cán bộ thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ, trợ giúp xã hội trong các nhà trường.

Bên cạnh đó, trên cơ sở hành lang pháp lý là Quyết định 32 của Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề Công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020, sẽ xây dựng tiểu Đề án phát triển nghề Công tác xã hội trong lĩnh vực GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ