Lấy cảm hứng từ mạch nguồn dân tộc, những bức tranh như chuyến tàu ngược về quá khứ, để tìm lại những hồi ức vàng son của một kinh thành Thăng Long rêu phong, một kinh đô Huế cổ kính.
“Vén sương” ngắm vẻ đẹp tranh màu nước
Một chút ánh sáng vương lại của ngày hôm qua như ánh hoàng hôn le lói hắt lên những tác phẩm tranh màu nước huyền ảo trong triển lãm “Soi tìm những hồi ức”. Triển lãm chính thức mở cửa từ ngày 11 – 18/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học,Hà Nội).
Trong tối khai mạc triển lãm “Soi tìm những hồi ức”, họa sĩ Đoàn Quốc chia sẻ rằng: “Để thực hiện các tác phẩm này, tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu tư liệu văn hóa thông qua những ghi chép, hình ảnh và tranh vẽ của tiền nhân.
Quan trọng hơn, đó là sự trải nghiệm cá nhân qua những chuyến trực họa ghi chép những gì còn sót lại. Hi vọng những góc nhìn mang cảm xúc riêng tư bằng hội họa dành cho Hà Nội, Huế và các tĩnh vật... Tất cả như một gạch nối giữa quá khứ với hiện tại, giúp người trẻ có những phút lắng lòng soi rọi, cảm nhận sâu hơn về lịch sử”.
Đoàn Quốc sinh năm 1996 tại Quảng Ngãi, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, từng cùng các đồng nghiệp tổ chức nhiều triển lãm màu nước từ trong nước đến quốc tế.
Tuy còn khá trẻ nhưng trước đó, anh đã có cho mình triển lãm gây tiếng vang với chất liệu tranh bằng màu - nước - giấy. Năm 2022, tại không gian nghệ thuật của Mây Artspace (TPHCM), triển lãm đầu tiên “Như một hoài niệm” được tổ chức với tinh thần gần như độc lập ở nhiều khía cạnh.
“Quá trình dụng bút chưa thật dài lâu, nhưng bút lực của Đoàn Quốc trong màu nước thật đặc sắc và đáng nể. Nó có đủ đầy các kỹ thuật bậc thầy, để thong dong lột tả vẻ đẹp đặc trưng của vật liệu, đồng thời mang lại cho màu nước một chiều kích mới.
Nó làm thay đổi mặc định và cả sự mặc cảm bấy lâu nay của nhiều người về màu nước, thường bị đồng nghĩa là những bản phác thảo nhỏ, tốc họa, diễn họa”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi cho hay.
Với vài vật liệu khác, kích thước tranh lớn hoặc nhỏ không mấy quan trọng, vẽ thế nào mới quan trọng. Nhưng với màu nước, thì những bức tranh khổ lớn và rất lớn như cách vẽ của Đoàn Quốc lại khiến người ta phải chú ý.
Bộ tranh dùng ánh sáng để tái hiện thân phận con người, bị kìm kẹp bởi những lề thói xưa cũ. Qua màn sương thời gian, biết bao hình ảnh về số phận hiện lên như thân phận người phụ nữ 12 bến nước, lận đận gió sương hay đời trai mang theo gánh nặng công danh sự nghiệp.
Năm 2023, Đoàn Quốc lại đem đến cho công chúng một “kỳ quan đô thị” với tác phẩm “Nơi các thành phố hội tụ”(dự án tranh 5 năm) đoạt giải Ba - Giải thưởng Sáng tạo TPHCM lần 3 năm 2023. Trước đó, tác phẩm này đã liên tiếp tỏa sáng, khi đoạt giải Nhì - Giải thưởng Mỹ thuật TPHCM năm 2022 và giải thưởng xuất sắc trong cuộc thi Goddess of Beauty International Watercolour Flowers Exhibition 2022.
Bức tranh thể hiện 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM cùng chung trong một bố cục, thể hiện sự kết nối một mái nhà và sự phát triển song hành của đất nước.
Trong bức tranh, Đoàn Quốc dùng hình ảnh dòng sông xuyên suốt để kết nối 3 thành phố với nhau. Hình ảnh dòng sông thể hiện văn hóa gốc lúa nước của dân tộc, như là nền móng của sự phát triển hiện đại, khắc họa hình ảnh tráng lệ lung linh của những thành phố lớn.
Những ánh đèn soi tìm vàng son
Là một họa sĩ trẻ mới nổi, nhưng phong cách và cách sử dụng vật liệu sáng tạo của Đoàn Quốc được giới phê bình hội họa đánh giá cao.
Kỹ thuật màu nước của anh được hình thành và phát triển dần trên nền tảng của kỹ thuật màu nước phương Tây, kết hợp với cách nhìn và văn hóa phương Đông, tạo ra những tác phẩm tái hiện văn hóa Việt thật rõ nét.
Trong triển lãm lần này, Đoàn Quốc trưng bày 31 tác phẩm được sáng tác trong thời gian gần đây. Họa sĩ đã mở rộng hơn về bối cảnh để người xem có thể hình dung rõ về nội dung câu chuyện văn hóa mà anh muốn truyền tải.
Kỹ thuật và chất liệu tranh của hội họa hiện đại cũng là điều mới mẻ mà Đoàn Quốc muốn mang đến cho công chúng. Các tác phẩm được trưng bày vẫn dùng chất liệu màu nước để thể hiện, nhưng đã có nhiều thay đổi cả về kỹ thuật lẫn cách tiếp cận, đem đến những trải nghiệm cảm xúc trọn vẹn nhất.
Hà Nội xưa hiện ra, với kinh thành, với cửa ô, với những con người rất xưa trong những bộ cổ phục, trên đầu vấn khăn hay đội chiếc nón ba tầm quai thao. Họ cắp thúng bên hông, hay quẩy những đôi quang gánh đến chợ mua bán.
Khung cảnh một Hà Nội xưa rất đỗi quen thuộc mà kiêu kỳ, một Kẻ Chợ sầm uất bán mua cứ tự nhiện long lanh bởi kỹ thuật dụng sáng tinh tế. Đến những đình đài cổ kính, mờ ảo trong màn sương đêm vẫn hắt lên ánh đèn từ phía bên trong, tô điểm cho một dấu ấn xa xưa.
Và Huế rêu phong nhưng đài các, qua nét bút thi pháp của tranh màu nước với chi tiết thuần Việt từ hình ảnh con nghê, đóa sen, mái ngói… đã gợi nhớ biết bao hình hài của văn hóa xứ Huế. Đặc biệt, hình ảnh cô gái trẻ diện áo dài trắng đọc sách dưới ánh đèn dầu, bên lọ hoa sen trắng còn khiến người xem khơi dậy cảm xúc mạnh về tinh thần thẩm mỹ.
Ngoài tạo hình, tạo nét và sử dụng ánh sáng, kỹ thuật bóng tối và xa gần cũng khiến cho những bức tranh đem lại cảm giác về một Việt Nam đậm đặc hồn cốt văn hóa.
Những ánh đèn như đang soi sáng cho người xem tìm thấy hào quang đã tắt, thấy được mạch nguồn của một nền văn hóa đã bị lớp phù sa thời gian vùi lấp, để khi khơi ra mới thấy vàng son lấp lánh đẹp đến nhường nào.
Họa sĩ Đoàn Quốc đã kết hợp kỹ thuật với cách nhìn độc đáo để tạo ra những tác phẩm tái hiện văn hóa thuần Việt. Bởi vậy mà tác phẩm như tự phát sáng, dù trong lớp màu bụi vàng, chúng vừa sinh động vừa lặng lẽ lại huyền bí mong manh. Họa sĩ đã khai thác triệt để tính tự nhiên của chất màu chiết xuất từ khoáng chất hiếm và đá quý, tạo hiệu ứng vỡ hạt đặc biệt. Nhờ đó giúp các tác phẩm mang nét hoài cổ thú vị và sắc độ được trường tồn theo thời gian.