Sôi nổi Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng

GD&TĐ - Sáng 2/9, trên sông Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) diễn ra Lễ hội đua thuyền truyền thống mừng ngày Tết Độc lập.

Giải đua thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thu hút hàng ngàn người đến cổ vũ.
Giải đua thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) thu hút hàng ngàn người đến cổ vũ.

Tờ mờ sáng, đôi bờ sông Kiến Giang đã rộn rã tiếng reo hò. Tiếng trống, tiếng mõ đã sẵn sàng để cổ vũ màn tranh tài quyết liệt của các thuyền đua.

Trong tâm thức của người dân Lệ Thủy, Tết Độc lập với lễ hội đua thuyền truyền thống là cơ hội đoàn viên, sum họp; là dịp gắn kết cộng đồng, làng xã nên dù sinh sống hay làm ăn ở xa, người Lệ Thủy sẽ trở về quê dịp này để hòa mình trong không gian văn hóa mang đậm bản sắc vùng sông nước và giàu tinh thần thượng võ.

dua-thuyen-hinh2.jpg
Mãn nhãn với màn tranh tài của các thuyền đua.

Theo người dân địa phương, trước đây cứ độ hè thì sông Kiến Giang khô cạn nước, rồi đến tháng 8 là có mưa, nước sông dâng đầy, thuận lợi cho hoạt động tưới tiêu, sinh hoạt của dân trong vùng. Cũng từ đó, lễ hội đua thuyền được người dân tổ chức và duy trì nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu bình an.

Hơn một tháng trước mùa hội, làng nào trong huyện cũng gác lại công việc để tập trung chuẩn bị cho mùa đua. Việc làm mới hay tu sửa đò bơi, thuyền đua sẽ được thực hiện song song với chọn người bơi và tiến hành luyện tập.

le-thuy-hinh3.jpg
Các thuyền đua băng băng về đích.

Những nghệ nhân lão thành sẽ đảm nhận việc đóng thuyền. Từ các thân gỗ lớn, dưới sự chăm chút công phu của các nghệ nhân, thuyền được đo đóng, cân chỉnh để làm sao khi bơi nhẹ nhàng, đủ nổi trên mặt nước, dễ dàng lao nhanh về phía trước.

Đội hình bơi đua phải được tuyển chọn nghiêm ngặt, phải là những thanh niên khỏe mạnh, dẻo dai và dạn nước. Trong quá trình luyện tập, người nào phô diễn được kỹ năng khéo léo sẽ được tuyển chọn vào đội thi đấu chính thức.

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Lệ Thủy năm nay có sự tham gia của 1.500 vận động viên, chia làm 24 thuyền bơi nam, 9 thuyền đua nữ.

Sau gần 3 giờ tranh tài, Ban Tổ chức trao giải Nhất toàn đoàn cho đơn vị thôn An Xá (xã Lộc Thủy), giải Nhì thôn Phú Thọ (xã An Thủy) và giải Ba thôn Lộc An (xã An Thủy).

Đối với thuyền bơi nam hạng A, thuyền bơi thôn Quy Hậu (xã Liên Thủy) đoạt giải Nhất, thuyền bơi thôn Tiền Thiệp (xã Xuân Thủy) giải Nhì, thuyền bơi xã Phú Thủy giải Ba.

Đối với thuyền bơi nam hạng B, giải Nhất thuộc về thôn Thạch Bàn (xã An Thủy), giải Nhì thôn Lộc Thượng (xã An Thủy), giải Ba thôn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy).

Kết quả ở phần tranh tài thuyền đua nữ, giải Nhất thuộc về thôn An Xá (xã Lộc Thủy), giải Nhì thôn Phú Thọ (xã An Thủy) và giải Ba thôn Xuân Hồi (xã Liên Thủy).

trao-giai-hinh4.jpg
Với người dân Lệ Thủy, đua bơi thể hiện tinh thần đoàn kết và niềm tự hào địa phương.

Theo ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), lễ hội là cơ hội tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa dân tộc, gắn bảo tồn văn hóa với phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước vẻ đẹp mảnh đất, con người Lệ Thủy.

Hòa chung không khí đón Tết Độc lập cả nước, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) cũng đã tổ chức Lễ hội đua thuyền truyền thống vào ngày 1/9.

quang-ninh-hinh5.jpg
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh giúp gắn kết cộng đồng và quảng bá du lịch địa phương.

Giải đua với sự tham gia của 19 thuyền đua đến từ 13 xã, thị trấn. Trong đó có 11 thuyền đua nam và 8 thuyền đua nữ với 450 vận động viên tham gia tranh tài.

Các đội nam đua tranh ở cự ly 15km, đội nữ đua tranh ở cự ly 7,5km. Đội đua nữ thi đấu một lượt, đội đua nam căn cứ vào kết quả vòng bảng đã chọn ra các đội xếp hạng A và hạng B để tham gia thi đấu vòng chung kết.

Sau những màn tranh tài kịch tính, kết quả ở bảng A, giải Nhất thuộc về xã Gia Ninh, giải Nhì xã Duy Ninh, xã Trường Xuân đạt giải Ba. Đối với bảng B, xã Hàm Ninh giành giải Nhất, giải Nhì là TT Quán Hàu, xã Vĩnh Ninh giành giải Ba.

Ở nội dung đua thuyền nữ, giải Nhất thuộc về xã Hiền Ninh, giải Nhì xã Vĩnh Ninh, giải Ba xã Võ Ninh.

Lễ hội đã thu hút hàng chục nghìn người dân và du khách đến xem và cổ vũ. Không chỉ tạo khí thế vui tươi, sôi nổi trong ngày Tết Độc lập, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh còn là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Quảng Ninh thân thiện, mến khách đến gần hơn với bạn bè trong và ngoài nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ