Giao tiếp để hoàn thiện trí tuệ
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý, cho biết, trước đây khi nói đến trí thông minh thường nói đến sự suy đoán, tư duy logic, khả năng tính toán, phản ứng, lập luận. Ngày nay, con người còn có nhiều trí thông minh khác như giao tiếp, nội tâm, vận động… Trong đó, trí thông minh về ngôn ngữ là rất quan trọng. Đây là năng lực để hoàn thành và làm việc tốt hơn.
Nhiều đứa trẻ sinh ra có khả năng về ngôn ngữ hoặc tính toán. Thế nhưng, con người không chỉ dùng một trí thông minh duy nhất. “Chúng ta cần cố gắng phát triển nhấn mạnh hơn trí thông minh nổi trội, nhưng vẫn cần bồi dưỡng trí thông minh khác để có kỹ năng tổng thể, dễ dàng hơn ở nhiều công việc khác nhau. Trong đó, cần quan tâm tới giao tiếp của trẻ để củng cố cho việc phát triển trí tuệ toàn diện”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nói.
Ông Hà phân tích, cha mẹ đừng coi trọng một trí thông minh nào đó rồi chỉ tập trung đầu tư vào đó. Thực tế, giao tiếp khiến trẻ rèn luyện trí tuệ và trở nên thông minh hơn. Bởi đó là hoạt động kết nối với vật thật, sự việc thật. Vì thế, người lớn không nên phát triển trí thông minh một cách máy móc khiến con học rất giỏi nhưng khi ra ngoài đời thật lại khó thành công. Thậm chí, nhiều đứa trẻ lớn lên bị hạn chế giao tiếp khiến chúng loay hoay với các tình huống. Điều này làm giảm các cơ hội trong công việc.
“Khi không được giao tiếp với vật thật, con người, thiên nhiên, sự việc thì trẻ không có trải nghiệm. Phát triển thông minh qua giao tiếp ứng xử giúp trẻ hiểu mình là ai, thiếu và mạnh cái gì. Điều đó giúp con tự tin, hoạt bát hơn và linh hoạt trong mọi tình huống khi có sự kết nối với nhau”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh.
Cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Nội), cho biết, ngay từ khi bé chào đời, giao tiếp đã là một kỹ năng quan trọng giúp trẻ tồn tại và phát triển. Lúc này, trẻ giao tiếp qua ánh mắt, các cử động của tay chân và đặc biệt là qua tiếng khóc… Một người mẹ có sự quan tâm và gần gũi con chắc chắn sẽ hiểu khi nào bé khóc vì đói, khi nào bé khóc vì đau, vì sợ và cả vì muốn được đáp ứng nhu cầu… Khi biết nói, ở lứa tuổi lên 3, trẻ bắt đầu sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp.
Vì thế, kỹ năng giao tiếp được xem là một năng lực cần thiết cho trẻ mở rộng quan hệ từ trong gia đình cho đến ngoài nhà trường và xã hội. Đây là một kỹ năng bao gồm nhiều yếu tố và khác nhau. Bởi vậy, ngoài những yếu tố của năng lực nội tại có sẵn cũng cần quan tâm áp dụng những biện pháp để giúp trẻ phát triển về kỹ năng giao tiếp bằng cách kích thích nhiều giác quan.
Cô Hương cho rằng, đối với người lớn, trẻ cần được tập cho những lời nói lễ phép và tự nhiên, không quá màu mè và hình thức nhưng cũng không được phép cộc lốc và suồng sã. Điều này trẻ sẽ học được một cách hiệu quả thông qua cách giao tiếp và ứng xử của bố mẹ với người khác.
Dạy trẻ hướng đến thành công bằng… “lời nói”
Cũng theo cô Hương, cần cho bé tiếp xúc thường xuyên với thế giới bên ngoài. Thông qua các hoạt động hàng ngày, nếu trẻ tiếp xúc những người xung quanh sẽ giúp con hình thành được những kiến thức từ bạn bè, thầy cô hay những người trong gia đình. Từ đó, dễ dàng bộc lộ ý kiến, cảm xúc của mình và giao tiếp chính là một sợi dây kết nối mọi người.
Dạy trẻ học được cách chào hỏi, nói lời cảm ơn và xin lỗi cũng là một trong các yếu tố rất quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của trẻ. Trong một môi trường giáo dục, trẻ học được cách cư xử lịch sự và lễ phép. Biết chào hỏi người lớn tuổi, biết nói lời cảm ơn khi được nhận sự giúp đỡ hay biết xin lỗi khi làm sai điều gì. Nếu trẻ không được tiếp xúc với những người xung quanh thì điều này sẽ không thể có thời gian để tập luyện nhuần nhuyễn.
Bên cạnh đó, việc cho trẻ tiếp xúc với nhiều người xung quanh giúp con mạnh dạn hơn trong mọi việc. Bởi trẻ con đều có tâm lý sợ thế giới bên ngoài. Chính điều đó làm cho chúng trở nên nhút nhát. Cha mẹ hãy giúp con thoát khỏi lo sợ đó bằng chính việc cho trẻ tiếp xúc với nhiều người. Việc đó sẽ giúp cho trẻ nhận ra thế giới bên ngoài rất thú vị và học được rất nhiều thứ. Từ đó, con sẽ tự tin giao tiếp với mọi người, dẹp bỏ sự rụt rè.
Để giúp trẻ mạnh dạn hơn trong giao tiếp, cha mẹ có thể tùy từng giai đoạn lớn lên của trẻ mà có phương pháp dạy dỗ phù hợp. Ví dụ, khi con bắt đầu vào giai đoạn tập nói, cần dạy cho trẻ giao tiếp nhiều hơn với người thân trong gia đình và những người xung quanh. Hãy dạy cho trẻ em cách giao tiếp lịch sự, ngoan ngoãn, lễ phép và tôn trọng người lớn.
Khi trẻ bước vào giai đoạn phát triển, cần phải trò chuyện với trẻ nhiều hơn để thấu hiểu và tôn trọng ý kiến của trẻ, dạy trẻ mạnh dạn bộc lộ tính cách của mình. Sau đó, bạn hãy phân tích sai lầm mà trẻ mắc phải để trẻ hiểu ra và sửa chữa.
Tuy nhiên, ngoài bố mẹ, trẻ có thể bắt chước các hành vi và ngôn ngữ không thích hợp ở họ hàng, những người giúp việc hay thậm chí cả những người hàng xóm nếu gia đình sống trong một khu phố. Trong mọi môi trường, trẻ em thường xuyên tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Vì thế, người lớn cũng cần lưu ý đến những nguồn có khả năng gây “ô nhiễm” cho lời nói và hành động của trẻ. Bởi nhiều khi, việc này rất nặng nề nếu như không được ngăn ngừa và phát hiện sớm.
“Khi giáo dục con trẻ, người lớn cần nhẹ nhàng trong từng lời nói, lớn tiếng quát nạt sẽ rất dễ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Bên cạnh đó, cần hạn chế cho trẻ vùi tâm trí vào các thiết bị điện tử mà cần mở rộng không gian cho trẻ được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều hơn”, cô Hương nhấn mạnh.
“Chúng ta sẽ không thể cấm trẻ nói năng thô lỗ nếu chính bố mẹ cũng thường làm vậy. Người lớn cũng không thể buộc trẻ lễ phép khi bố mẹ không có những hành vi lịch sự tối thiểu”, cô Nguyễn Thị Hương, giáo viên Trường Tiểu học Yên Nghĩa (Hà Nội) nêu vấn đề.