Mỗi ngày của chị Phương Ly (30 tuổi, Bắc Ninh) luôn tất bật với 2 "cậu ấm" nhưng chưa bao giờ chị cảm thấy mệt mỏi bởi đó là 2 trái ngọt sau 5 năm tìm con, 5 lần IUI, 2 lần IVF và 4 tháng nằm treo chân trong viện với không biết bao nhiêu giọt nước mắt của chị để giữ con.
Nhớ lại quãng thời gian đó, đến bây giờ chị cảm thấy khâm phục bản thân và cảm ơn chồng, gia đình 2 bên đã luôn đồng hành cùng chị vượt qua khó khăn ấy. Đặc biệt là chồng luôn sát cánh dù đã nhiều lần chị nghĩ đến việc để anh tìm người khác.
Tổ ấm nhỏ của vợ chồng chị Ly.
Sợ lễ tết, về quê vì câu hỏi muôn thuở "Sao lâu có con thế?", nhiều lần nghĩ để chồng đi lấy vợ khác
Chị Phương Ly kết hôn vào đầu năm 2013, sau 1 năm không thấy có tin vui, vợ chồng chị bắt đầu lo lắng và đi khám thì hay biết chị bị đa nang buồng trứng.
Có bệnh vái tứ phương nên suốt khoảng thời gian sau đó, vợ chồng chị đi chạy chữa khắp nơi, đông – tây y kết hợp đều không được. Thậm chí nghe ở đâu có bà lang chữa vô sinh tốt anh chị cũng theo.
Từ Hà Nam đến Bắc Giang, hai vợ chồng chị cứ khăn gói lặn lội cùng nhau lên cắt thuốc uống cả tháng trời nhưng mãi chẳng có gì.
Sau này theo mọi cách không có kết quả, vợ chồng chị quyết định đi theo tây y và thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản.
5 năm chặng đường không phải là dài cũng không phải là ngắn đối với các vợ chồng muộn con nhưng đó là cả một quá trình dài chị chịu bao nhiêu mũi tiêm, bao nhiêu thất vọng của 5 lần IUI, 2 lần IVF không thành công
"Mình IUI đến lần thứ 4 cũng không được, bác sĩ không hiểu tại sao nữa. Sau khi đi chụp tử cung vòi trứng, bác sĩ xem kết quả bảo mình bị polyd tử cung phải mổ nội soi để cắt polyp mới có khả năng đậu thai.
Tuy nhiên đến khi mổ ở Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, bác sĩ lại nói không hề có polyp, cổ tử cung mềm mại, đẹp và khuyên mình làm IUI lần 5. Nhưng rồi cứ mong chờ mãi cũng chẳng được.
Vợ chồng mình quyết định sang một bệnh viện khác ở HN làm IVF, dồn cả vào đó nhưng kích trứng được 5 phôi thôi. Lần đầu mình chuyển 3 phôi hy vọng lắm. Ngày nào cũng được mẹ và chồng mang cơm lên cho rồi nằm nghỉ ngơi nhưng không được. Mình thất vọng nặng nề, khóc gọi cho chồng, chồng cũng buồn rớm nước mắt theo nhưng vẫn an ủi bảo "vợ chồng còn trẻ, nhiều cơ hội". Lần thứ 2 mình chuyển nốt nhưng cũng không thành công", chị Ly chia sẻ.
Bao nhiêu lần nhận kết quả thất bại, sợ ảnh hưởng sức khỏe vợ nên chồng chị quyết định dừng lại công cuộc tìm con, chị Ly cũng thoải mái tư tưởng để tiếp tục cho việc học lên Đại học. Tuy nhiên, dù được chồng động viên, luôn ở bên nhưng chị vẫn không biết bao nhiêu lần tủi thân khóc khi nghe những câu hỏi của mọi người "Sao lâu có con thế?".
Khoảng thời gian đó, chị sợ lễ tết, sợ về quê, sợ phải đối diện với câu hỏi con cái, nhìn các em họ hàng có con nhỏ. Thậm chí đã nhiều lần chị nghĩ để chồng đi tìm bến đỗ mới.
"Chồng mình chưa bao giờ mắng vợ. Anh nhẹ nhàng, vợ muốn khám chữa ở đâu cũng đưa đi và bảo dù không có con cũng không bao giờ bỏ vợ nên vợ đừng nghĩ ngợi nhiều. Mình xin con nuôi hoặc là mình nuôi cháu. Bố mẹ chồng cũng chưa bao giờ thúc giục hay mắng nhiếc về chuyện con cái", chị Ly tâm sự.
Thành quả của 5 năm tìm con.
Năm 2017, sau khi học xong, chị Ly lại lao vào công cuộc tìm kiếm con, công cuộc tẩm bổ. Lần này chị tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội làm IVF lại.
Vợ chồng chị bắt đầu lại hành trình kích trứng, chịu bao nhiêu mũi tiêm kích trứng ở bụng, bắp tay và cuộc phẫu thuật chọc trứng, gây mê. Dù đau thấu nhưng sau những cuộc gây mê, chị luôn có chồng bên cạnh lo lắng ăn uống, sinh hoạt.
Lần này chị tạo được 15 phôi, chuyển lần đầu 3 phôi và giảm thiểu đi một. Chị còn nhớ khoảng thời gian chuẩn bị đặt phôi, ngày nào chị cũng phải bắt xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội châm cứu, có hôm ăn vội bát cơm lúc 2h vì vừa phải đi siêu âm vừa phải đi châm cứu cho kịp.
Cuối cùng bao vất vả của chị cũng được đền đáp khi nhìn thấy que thử thai 2 vạch. Lần đầu tiên sau gần 5 năm chị vừa khóc vừa cười khi cơ hội được làm mẹ thành hiện thực.
"Thời gian chuyển phôi, tối nào chồng cũng đun nước gừng cho mình ngâm chân trước khi đi ngủ. Hôm nào cũng chăm chỉ trước khi đi làm và sau khi đi làm về pha sữa cho mình. Hoa quả mua sẵn để mình ăn", chị Ly cười nói.
Bé em Bảo Phong.
Bé anh Trung Dũng.
20 tuần bác sĩ lắc đầu khó giữ thai, 4 tháng nằm treo chân trong viện làm nên kỳ tích
Có lẽ niềm hạnh phúc của vợ chồng chị Ly vỡ òa hơn khi nghe tin bác sĩ thông báo thai đôi. Kể từ đó chị nghỉ ở nhà dưỡng thai. Tuy nhiên đến 20 tuần, chị phải nhập viện cấp cứu gấp vì bong nút nhầy cổ tử cung.
Chị còn nhớ hôm đó là 1h đêm, vợ chồng chị lo lắng bắt taxi lên Bệnh viện Phụ sản Trung Ương gấp. Sau khi siêu âm, bác sĩ nói cổ tử cung tụt, hở, đã quá muộn và rất khó để giữ thai khiến vợ chồng chị lo sợ. Đặc biệt cái lắc đầu của bác sĩ khiến tâm trạng chị như rơi xuống vực sâu.
Chồng chị cũng đã ngồi sụp xuống khóc trước phòng bác sĩ vì buồn, lo và sợ khi nghe bác sĩ nói rất khó để giữ thai và gần như không còn hy vọng. Tuy nhiên anh vẫn cố gắng cười nói để động viên tinh thần chị.
“Bác Đặng Quang Hùng – Phó khoa sản Bệnh lý nói thôi thì cứ nằm theo dõi được ngày nào hay ngày đó và cho mình vào nằm khoa cấp cứu, giữ thai. Cũng may nhờ có bác sĩ mà mình giữ được 2 bé.
Bác sĩ nói hạn chế ngồi, đi lại nên ngày nào mình cũng nằm tại giường, chỉ đi lại 2-3 lần đánh răng buổi sáng và tối, thậm chí đi vệ sinh nhẹ mình dùng bỉm luôn.
Đó là phòng bệnh lý bác sĩ không cho người nhà ở 24/24 mà chỉ vào thăm theo giờ. Nhà mình ở xa tận 30km nên sáng, trưa mình nhờ người nhà bệnh nhân cùng phòng mua phở, đồ ăn sáng, cơm trưa hộ còn chiều chồng vào thăm mang cơm cho vợ, mình ăn xong, chồng rửa bát, tắm rửa lau chùi cho, gọt hoa quả sẵn và sữa để đầu giường rồi đi học Thạc sĩ. Ngày nào cũng vậy.
Thời gian đó mình ăn uống đều nằm hết đến nỗi đau quá kèm trời nóng nửa đêm cứ khóc. Nhiều hôm mình phải nằm một chỗ khó chịu đến mức đi vệ sinh ra bỉm, ra giường vẫn phải nằm chờ chồng đến thay ga và tắm cho", chị Ly nhớ lại.
Chị Ly tăng 11kg cả thai kỳ dù mang bầu đôi.
Nếu như những ngày đầu chị Ly còn lo sợ khi nhìn thấy những ca sinh non chỉ 5-6 lạng hay nhìn cái lắc đầu của bác sĩ thì chị đã làm nên kỳ tích, là người giữ thai giỏi nhất phòng được 38 tuần.
Bác sĩ cũng rất ngạc nhìn và nói đó là kỳ tích bởi thông thường sau khi bong nút nhầy cổ tử cung, sản phụ sẽ sinh luôn sau 1-2 ngày hoặc muộn nhất là 1 tuần nhưng chị đã giữ được 4 tháng, thậm chí còn bị bác sĩ "đuổi về" vì thai đến 35 tuần đã nhìn được ánh mặt trời.
"Mình về nhà ăn uống bồi bổ đến tuần thứ 38 không có dấu hiệu đẻ. Mình ra gặp bác sĩ siêu âm thì bác sĩ nói một bé yếu đang có dấu hiệu suy thai phải mổ gấp nếu không sẽ rất khó giữ. Vậy là mình mổ luôn vào ngày 20/6/2018, bé anh được 2,6kg, bé em được 1,7kg. Cảm giác hồi hộp khiến mình quên đau và hết sợ. Vợ chồng mình đã khóc khi nhìn hái được quả ngọt sau 5 năm", chị Ly cười chia sẻ.
Hình ảnh đáng yêu của 2 bé.
Nhìn lại chặng đường tìm con đầy gian nan của mình, cuối cùng vợ chồng chị cũng đã hái được trái ngọt. Đặc biệt chị có một người chồng luôn song hành bên cạnh để làm nên những kỳ tích trên chặng đường gian nan ấy.