Số phận một con người: Chiến tranh và nghị lực vượt lên số phận

Số phận một con người: Chiến tranh và nghị lực vượt lên số phận

Nhưng mỗi lần đọc lại truyện ngắn “Số phận một con người” của nhà văn Nga lỗi lạc M. Sô-lô-khốp, dường như nỗi đau về thân phận con người hậu chiến vẫn còn nguyên đó.

Sáng tác năm 1957, dựa trên câu chuyện có thật mà tác giả được nghe kể vào mùa Xuân năm 1946, “Số phận một con người” có thể nói là một thành tựu xuất sắc, đánh dấu bước phát triển của nền văn học Xô Viết. Truyện kể về số phận của một người lính sau chiến tranh, một người lao động Nga bình thường trong cơn bão táp của lịch sử. Truyện gồm hai phần, đoạn trích trong SGK Ngữ văn 12 tập 2 đã phản ánh đầy đủ nỗi đau và nghị lực phi thường vượt lên nghịch cảnh của người lính An-đrây Xô-cô-lốp sau chiến tranh.

Hai nỗi đau đồng điệu neo đậu vào nhau

An-đrây Xô-cô-lốp là một người lính. Anh tham chiến và chiến đấu dũng cảm để chống lại kẻ thù tàn bạo. Bom đạn, nguy hiểm thậm chí cả việc bị bắt, bị đày đoạ cả về thể xác lẫn tinh thần trong suốt hai năm ở nhà tù của bọn phát xít, Xô-cô-lốp đều vượt qua. Khi phát xít Đức phải dùng cả tù binh làm lái xe, anh đã mưu trí cướp xe, bắt sống tên sĩ quan Đức chạy thoát về phía Hồng quân. Nhưng niềm vui lập chiến công còn chưa kịp trọn, Xô-cô-lốp nhận tin dữ là vợ và hai con gái anh đã bị bom phát xít chết. Khủng khiếp hơn nữa, niềm hi vọng, tự hào duy nhất còn lại là cậu con trai cả (một học sinh giỏi Toán, là đại úy pháo binh) đã hi sinh vào đúng ngày cuối cùng của chiến tranh. “Tôi đã chôn trên đất người, đất Đức, niềm vui sướng và hi vọng cuối cùng của tôi… trong người tôi như có cái gì đó vỡ tung ra”.

Còn nỗi đau nào khủng khiếp hơn khi người lính nguyên vẹn trở về, nhưng nhà cửa, vợ con đều không còn nữa. Mới đó thôi, trước chiến tranh anh có đủ: Một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống bình yên. Vậy mà sau bom đạn chiến tranh Xô-cô-lốp đã trắng tay. Nỗi đớn đau không hình hài bóp nghẹt trái tim người lính dũng cảm. Trái tim anh rệu rã, suy kiệt. Sự bế tắc không phương hướng khiến anh phải tìm đến rượu. Chất men cay giúp anh phần nào quên đi nỗi đau hiện tại. Mỗi ngày, mỗi ngày một chút, chính anh cũng ý thức được mình “đã quá say mê cái món nguy hại ấy…” nhưng

Xô-cô-lốp không thể dừng lại. Cũng may, anh chỉ dùng nó sau khi đã xong việc lái xe về thành phố. Thương anh, nghẹn lòng cho một số phận con người hậu chiến. Lối kể chuyện cuốn hút, chân thật của M. Sô-lô-khốp khiến người đọc rung lên theo từng cung bậc, trạng thái của nhân vật. Cũng may, ở tiệm giải khát, như một mối duyên lành, anh đã gặp bé Va-nia.

Va-nia là một cậu bé chừng 5, 6 tuổi. Chừng ấy tuổi lẽ ra bé phải được gia đình, người thân che chở, đùm bọc. Nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả của cậu bé. Bố Va-nia chết ở mặt trận. Mẹ bị bom chết khi đi tàu hoả cùng con. Tương tự như An-đrây Xô-cô-lốp, sau chiến tranh cậu bé không còn nơi nào để về. Nếu Xô-cô-lốp còn có công việc lái xe thì cậu bé lâm vào tình cảnh “ai cho gì ăn nấy, bạ đâu ngủ đấy”.

Một cậu bé được miêu tả: Rách bươm xơ mướp, lem luốc, bẩn thỉu, đầu tóc rối bù… khiến người đọc nghẹn lòng thương cảm. Nhà văn đã miêu tả ngoại hình của chú bé bằng những lời văn chân thực nhất, để từ đó thấy được hậu quả kinh khủng của chiến tranh để lại. Đúng là chiến tranh đã không chừa ai cả. Những sống và chết, những mất mát tổn thương, và những phận người đau khổ… Ấn tượng nhất ở bé Va-nia chính là cặp mắt sáng ngời và tiếng thở dài vuột ra đôi khi. Tiếng thở dài đó khiến người lính vừa ngạc nhiên, vừa xót xa. Ít nhất thì An-đrây Xô-cô-lốp là người trưởng thành còn có sức lao động mưu sinh, cậu bé Va-nia thì quá nhỏ để có thể kiếm sống nuôi mình.

Hai phận người, hai nỗi đau đồng điệu cuối cùng đã neo đậu vào nhau. Xô-cô-lốp gần như ngay lập tức quyết định: “Không thể để cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được! Mình sẽ nhận nó làm con”.

Sức mạnh tinh thần của con người Nga, tính cách Nga

Quyết định bất ngờ của Xô-cô-lốp bắt nguồn từ lòng nhân hậu vốn có của người Nga. Riêng đối với anh, đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn bởi trái tim nhạy cảm của anh thấu hiểu nỗi cô độc của kẻ không gia đình, không nhà cửa, không quê hương, sống trơ trọi giữa cuộc đời gian nan và đầy bất trắc. Đoạn văn tả cảnh Xô-cô-lốp đưa chú bé lên xe, chuyện trò với bé trong buồng lái thật tự nhiên và cảm động. Ngay chính vợ chồng người chủ nhà cũng ủng hộ hành động nhân ái ấy. Bác gái còn giúp anh sửa quần áo, chăm sóc cho bé khi anh đi làm.

Số phận một con người: Chiến tranh và nghị lực vượt lên số phận ảnh 1
Bìa sách “Số phận một con người”.

Và kì lạ, không chỉ là niềm vui chốc lát lúc đó. Trái tim Xô-cô-lốp bất ngờ hồi sinh nhờ tình cảm mà chính anh tưởng đã mất đi vĩnh viễn, đó là tình phụ tử thiêng liêng. Tiếng líu ríu chuyện trò của con trẻ, cái vòng tay ôm cổ bố ấm áp, những nụ hôn vào cổ vào má, thậm chí là đêm nằm bò vắt ngang lên người bố… Tất cả những điều đó đã giúp xoa dịu nỗi đau khiến tâm hồn Xô-cô-lốp nhẹ nhõm, bừng sáng.

Và lần đầu tiên, sau chuỗi ngày đã từng vào sinh ra tử, anh sợ chết. Nghe có vẻ phi lí với một người lính đã từng chiến đấu quả cảm, nhưng thực ra đó không phải là sự hèn nhát, mà là Xô-cô-lốp sợ “tôi chết, con trai tôi khiếp sợ”… Vẫn là bản lĩnh người lính Xô Viết, vẫn là lòng nhân hậu bao dung của con người Nga. Sự đồng cảm, tình người khiến anh thực sự lo lắng cho tương lai của bé Va-nia. Cũng chính vì thương con, anh giấu đi những giọt nước mắt của mình, giấu luôn cả sự thật với con trai về chiếc áo bành tô da, về quá trình đi tìm cậu bé… Anh không muốn trái tim non nớt của con trai mình thêm một lần nữa bị tổn thương. Ta có thể thấy rõ ràng Xô-cô-lốp thương xót, lo lắng cho chú bé với tất cả sự quan tâm và trách nhiệm của một người cha thực sự.

Nhưng khốn khổ thay, sự đen đủi không may mắn vẫn không ngừng đeo bám số phận người lính ấy. Một lần Xô-cô-lốp lái xe, đường trơn bánh xe trượt đi và chạm nhẹ vào chân một con bò. Người ta đã kéo đến và làm ầm lên. Điều đáng nói là con bò thì ve vẩy đuôi chạy đi, còn anh thì bị thu bằng lái, bị mất việc. May mắn một người bạn cũ ở Ka-ra-sư hứa sẽ xin việc cho anh ở một xưởng mộc trong thời gian chờ cấp bằng lái xe mới. Thế là bố con anh lại lên đường. Nhưng với tính cách Nga kiên cường, lạc quan anh tâm sự: “Nỗi đau khổ khiến anh cũng không thể ở lâu một chỗ được”.

Hành trình của Xô-cô-lốp sau khi mất việc thật gian nan: Anh phải đi bộ rất xa, từ vùng này sang vùng khác. Nhưng anh không nản chí. Chú bé Va-nia lúc khỏe thì chạy tung tăng bên bố, lúc mỏi chân thì được bố cõng trên lưng hoặc cho ngồi lên vai, cứ như thế suốt hàng trăm dặm đường. Những lời tâm sự chân thành của Xô-cô-lốp khiến chúng ta hiểu sâu hơn về tính cách đáng quý và càng thêm cảm phục anh: “Tất cả những điều ấy cũng chẳng sao, miễn là bố con chúng tôi sống được”.

Kết thúc truyện ngắn “Số phận một con người” là hình ảnh: Chú bé chạy tới, đứng bên phải bố, túm lấy vạt áo bông của bố, chạy lon ton cho kịp bước sải dài của người lớn. Hình ảnh ấy khơi dậy trong lòng tác giả một cảm xúc khó tả, một suy ngẫm sâu xa: “Hai con người côi cút, hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những miền xa lạ… Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước ? Thiết nghĩ rằng con người Nga đó, con người có ý chí kiên cường, sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố, chú bé kia một khi lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi chướng ngại trên đường nếu như Tổ quốc kêu gọi”. Như vậy, hai số phận đau khổ đã dựa vào nhau, nâng đỡ nhau:

Va-ni-a bé bỏng cần có bàn tay cứng cáp của Xô-cô-lốp cưu mang, chở che; còn Xô-cô-lốp, tình thương và trách nhiệm khiến anh bình tĩnh lại, cố đứng thẳng dậy, vươn mình vượt qua số phận, để trong anh thức dậy một niềm hi vọng lớn: Làm việc và chờ đợi một ngày cháu Va-niu-ska lớn lên. Ẩn sâu trong con người Xô-cô-lốp là một tính cách Nga khiêm nhường mà quảng đại, dũng cảm, nhân ái.

Tác phẩm được kể theo ngôi thứ nhất, kết cấu theo trình tự thời gian. Truyện mang âm hưởng anh hùng ca về lòng dũng cảm, về tinh thần chịu đựng và sức mạnh tinh thần của con người Nga, tính cách Nga. “Số phận một con người” dùng lối kể truyện, truyện lồng trong truyện vô cùng đặc sắc. Hình thức kể đó giúp cho câu chuyện vừa chân thật, vừa dạt dào cảm xúc. Đặc biệt với mỗi lối kể sẽ đem đến những hiệu quả khác nhau. Khi Xô-cô-lốp kể chuyện thì giọng điệu, ngôn ngữ sẽ mang đặc điểm của người lính, người lái xe khiến cho nhân vật hiện lên sinh động, tự nhiên hơn. Còn khi chọn ngôi kể là tác giả câu chuyện sẽ được thuật lại khách quan, chân thực hơn. Nhờ đó tư tưởng chủ đề của tác phẩm sáng rõ. Người đọc thấy được đoạn trích khẳng định sức mạnh tiềm ẩn và những cống hiến của nhân dân Nga nói chung trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đồng thời thể hiện lòng khâm phục và tin tưởng ở tính cách Nga kiên cường và nhân hậu, đồng cảm trước vô vàn khó khăn trở ngại mà con người phải vượt qua trên con đường vươn tới tương lai, hạnh phúc.

Trong dung lượng một truyện ngắn mang âm hưởng anh hùng ca, nhà văn M.Sô-lô-khôp đã dựng lên chân dung một con người Nga bình thường nhất, một người Xô Viết chân chính. Số phận ấy tiêu biểu cho bao người con ưu tú đã viết nên trang sử thời đại hào hùng của đất nước Liên Xô cũ. Và dù chỉ là trích đoạn nằm ở cuối tác phẩm “Số phận một con người”, nhưng nhà văn đã gửi gắm những thông điệp sâu sắc tới người đọc. Sô-lô-khốp kêu gọi, nhắc nhở sự quan tâm của toàn xã hội đối với những cá nhân, những số phận con người như Xô-cô-lốp đã hi sinh tất cả để giữ gìn độc lập cho dân tộc. Đồng thời, tác giả lên án bão tố chiến tranh phi nghĩa với sức mạnh phũ phàng của nó. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.