Sơ kết 5 năm giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường ĐH, CĐ

Sơ kết 5 năm giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường ĐH, CĐ

(GD&TĐ) - Chiều 23/5 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường đại học, cao đẳng với sự tham dự của 118 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trên cả nước. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn đồng chủ trì hội nghị. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Bùi Anh Tuấn đã khái quát tình hình giảng dạy, học tập các môn lý luận chính trị trong các trường ĐH, CĐ thời gian qua. Theo đó, về nội dung chương trình, sau khi có ý kiến thống nhất của Ban Tuyên giáo Trung ương về thực hiện Thông báo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 25/01/2008 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký quyết định “thành lập Ban biên soạn chương trình, giáo trình các môn Lý luận chính trị dùng cho sinh viên các trường ĐH, CĐ khối không chuyên ngành Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”, cụ thể cho từng môn học.

Sau 5 năm thực hiện, các trường đều tuân thủ nghiêm túc chương trình, xây dựng bài giảng và kế hoạch triển khai theo chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành. Trong quá trình thực hiện chương trình, các trường thường xuyên tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh.

Hội nghị đã quy tụ 118 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc
Hội nghị đã quy tụ 118 đại biểu đến từ các trường ĐH, CĐ trên toàn quốc

Về các giáo trình ban hành, đều xác định rõ vị trí, đối tượng của môn học, lịch sử phát triển, nội dung chủ yếu của các nguyên lý, phạm trù, quy luật của chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, liên hệ vận dụng vào đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, cập nhật những thông tin và thành tựu nghiên cứu lý luận của các chương trình khoa học xã hội và những vấn đề đặt ra trong hội nhập quốc tế, gắn với rèn luyện đạo đức, tư tưởng của sinh viên.

Nội dung chương trình, giáo trình được ban hành đều đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm và phù hợp với đối tượng đào tạo sinh viên không chuyên ngành Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.

Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập đã có sự chuyển biến theo hướng tích cực, một số trường đã xây dựng bài giảng điện tử, tài liệu, hình ảnh minh họa, soạn thảo các câu hỏi ôn tập của từng môn để làm sinh động nội dung bài giảng chương trình các môn Lý luận chính trị...

Việc kiểm tra, thi hết môn học và thi cuối khóa được thực hiện theo quy định hiện hành về quy chế đào tạo trình độ ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT ban hành. Đội ngũ giảng viên còn thiếu và yếu so với yêu cầu. Nhìn chung, sau 5 năm triển khai thực hiện Thông báo kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã đạt được nhiều kết quả, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế cần sớm được tháo gỡ đó là về nội dung chương trình, nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học, giảng viên dạy vượt giờ không còn thời gian cho việc tham gia nghiên cứu khoa học, chương trình các môn Lý luận chính trị chưa có sự liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân, công tác quản lý chỉ đạo giảng dạy có lúc chưa có sự đồng nhất giữa các cơ quan quản lý.

Hội thảo đã lắng nghe nhiều kiến nghị của các trường trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy các môn Lý luận chính trị, đó là các nội dung về chương trình, giáo trình, Về kết cấu nội dung chương trình, về đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, về tài chính, về công tác quản lý... Đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập các môn Lý luận Chính trị trong các trường ĐH, CĐ trong thời gian tới sao cho hiệu quả hơn nữa.

ND

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ