Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong 2 năm 2020 và 2021, trên địa bàn 102 vụ đuối nước khiến 121 trẻ tử vong. Riêng những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2022, đã xảy ra 5 vụ đuối nước khiến 13 em học sinh tử vong.
Thông tin trên báo chí, bác sĩ Trịnh Hồng Nhựt - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ là do bản tính hiếu động, tò mò, trẻ thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.
Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng đó là khi các em cứu lẫn nhau, do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị đuối nước, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên. Trên thế giới, đuối nước là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và thanh thiếu niên.
Bác sĩ Nhựt cho biết, đuối nước là tình trạng bị ngạt khí khi ở trong môi trường lỏng. Đuối nước gây ra tình trạng thiếu oxy của các cơ quan, làm tổn thương nhiều cơ quan, bao gồm cả phổi và não. Nguyên nhân gây tử vong ở các trẻ bị đuối nước là suy hô hấp, vì vậy bước đầu tiên để sơ cứu đuối nước đúng cách chính là làm thông thoáng đường thở, cho trẻ thở oxy.
Khi gặp trường hợp đuối nước, việc đầu tiên là đưa ngay nạn nhân lên khỏi mặt nước để tiến hành cấp cứu nhanh chóng. Tìm cách tiếp cận và đưa trẻ lên bờ an toàn. Sau khi tiếp cận được trẻ bị đuối nước, cần nâng đầu trẻ cao hơn mặt nước nhằm giúp trẻ hô hấp và bình tĩnh trở lại.
Khi đưa trẻ lên bờ, đặt trẻ nằm ngửa trên sàn trong tư thế đầu thấp cho nước thoát ra ngoài. Nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức bằng cách thực hiện hô hấp nhân tạo hà hơi thổi ngạt liên tục.
Khi không bắt được mạch cảnh hoặc mạch bẹn hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực phối hợp với hà hơi thổi ngạt), trẻ dưới 8 tuổi kỹ thuật ép 1 tay, áp sau bàn tay, cách 1 khoát ngón tay trên mũi ức.
Trẻ lớn hoặc người lớn dùng kỹ thuật 2 tay, tay thuận đặt dưới, nửa dưới xương ức hoặc cách 2 khoát ngón tay trên mũi ức. Ấn nhanh tần số 100 -120 lần/ phút và mạnh để lồng ức lún sâu (4-5 cm) làm lồng ngực phồng lại hoàn toàn sau mỗi lần ép. Tỷ lệ phối hợp giữa ép tim/ thổi ngạt đối với người lớn là 30/2, trẻ nhỏ là 15/2. Trước đó, cần đảm bảo lấy sạch đờm dãi và các dị vật ở miệng và mũi.
Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ, đồng thời lau khô người nạn nhân, ủ ấm cơ thể vì hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Chỉ chuyển nạn nhân đến bệnh viện khi đã thở trở lại, khi tuần hoàn được tái lập.
Cần chú ý tuyệt đối không nóng vội nhảy xuống nước để cứu trẻ khi không biết bơi hoặc bơi không giỏi. Nhiều người lầm tưởng động tác dốc ngược trẻ sẽ giúp loại bỏ nước ra khỏi hệ hô hấp và giúp trẻ có thể tự thở được. Tuy nhiên, vác trẻ bị đuối nước lên vai và chạy chỉ làm chậm trễ các bước sơ cứu quan trọng hơn, bao gồm hồi sức tim phổi.
Ngoài ra, trẻ bị đuối nước khi đã được đưa ra khỏi mặt nước cần được cung cấp nhiều oxy, do đó, không nên tụ tập đông người, cần đặt trẻ ở môi trường thông thoáng, nhiều không khí.