Nói điều này có thể khiến bạn sợ hãi nhưng nếu bạn đang sở hữu một thiết bị điện tử dùng pin có thể sạc lại, phổ biến là pin lithium thì chẳng khác nào bạn đang giữ quả bom hẹn giờ trong ví hoặc túi quần của mình.
Tất nhiên, khả năng nổ của những thiết bị này là rất nhỏ. Ken Boyce, kỹ sư trưởng kiêm chuyên gia về pin của hãng UL (công ty tư vấn và cấp chứng nhận an toàn của Mỹ) cho biết: "tỷ lệ chỉ ở vào khoảng 1 phần 10 triệu".
Boyce cũng cho biết thêm hiện có hàng tỷ thỏi pin lithium đã được tung ra thị trường. Sau hơn 2 thập kỷ được cải tiến bởi các kỹ sư và nhà khoa học vật liệu, pin lithium gần như an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, tiềm năng quá nhiệt gây cháy nổ của loại pin này luôn hiện hữu.
Năm 1995, Apple tung ra Powerbook 5300, một trong những máy tính đầu tiên sử dụng pin lithium. Tuy nhiên, một lệnh thu hồi đã được ban bố sau đó khi các thỏi pin của Powerbook 5300 bị bốc cháy.
May mắn là công nghệ pin này đã được cải tiến và trở nên hoàn thiện hơn cho đến ngày nay. Năm 2007, một số pin lithium trên thiết bị của Apple tiếp tục bốc cháy nhưng vụ việc sau đó đã đi vào im lặng sau những đợt thu hồi âm thầm của "Táo Khuyết".
Sau nhiều năm, vụ việc lỗi pin dẫn đến cháy nổ của Galaxy Note 7 một lần nữa cho thấy pin lithium không thực sự an toàn. Samsung buộc phải tuyên bố thu hồi sản phẩm này trên phạm vi toàn cầu để khắc phục sự cố.
Note 7 cũng bị nhiều hãng hàng không và vận tải của Mỹ cấm trên các hành trình, nhiều quan chức của Mỹ cũng nói rằng họ xem xét việc không sử dụng thiết bị này nữa. Đây không phải là chiếc smartphone đầu tiên bị nổ vì pin nhưng tần suất dính lỗi của Galaxy Note 7 cao chưa từng có.
Nguyên nhân cố hữu của vụ việc này vẫn là vấn đề quá nhiệt và chúng ta đều biết rằng nhiệt độ cao luôn là kẻ thù của pin lithium. Nhiệt độ cao cũng làm giảm khả năng lưu trữ năng lượng của pin, điều này giải thích vì sao vào mùa hè hoặc khi bạn sử dụng điện thoại liên tục thì dung lượng pin sẽ tụt nhanh hơn.
Giáo sư năng lượng Yang Shao-Horn thuộc tổ chức W.M. Keck tại học viện công nghệ MIT (Mỹ) cho biết hiện tượng này không hẳn là một vụ nổ mà chỉ bao gồm một ngọn lửa. Quá nhiệt là một phản ứng hóa học mà nhiệt độ tăng theo cấp số nhân (khi các hóa chất bị nung nóng nhanh chóng). Điều tương tự có thể xảy ra bên trong pin lithium nên các thiết bị sử dụng loại pin này dễ bốc cháy.
Pin lithium là một hỗn hợp các chất rất dễ cháy và tiếp xúc với nhau qua các điện cực âm và dương. Năng lượng đi vào qua anode và ra thông qua các cathode, hai thành phần này được ngăn cách với nhau bằng một lớp vật liệu hữu cơ chứa muối (một yếu tố tuyệt vời để ngăn chặn các phần tử điện và vận chuyển năng lượng).
Trường hợp cực dương và cực âm tiếp xúc với nhau, hiện tượng gia nhiệt nhanh sẽ xảy ra (quá nhiệt). Pin lithium thường được chứa trong các túi mỏng và dễ bị thủng, khi đó các anode và cathode (cực âm và cực dương) sẽ tiếp xúc với nhau.
Trong đoạn video được chia sẻ bởi trang công nghệ Gizmodo, bạn thấy một pin lithium ion tiêu chuẩn (18650) tương tự như thỏi pin của Tesla Model S. Ngay khi túi chứa pin bị thủng, cực âm và cực dương tiếp xúc nhau và nhiệt độ thỏi pin ngay lập tức tăng cao gây ra hiện tượng cháy nổ.
Trường hợp của chiếc điện thoại Galaxy Note 7 cũng tương tự như vậy. Áp lực từ các thành phần bên trong chiếc điện thoại làm cho cực dương và âm của thỏi pin tiếp xúc với nhau gây nổ. Tuy nhiên, giáo sư Yang Shao-Horn cũng không loại trừ khả năng cháy nổ là do "sạc quá mức". Đó là khi cực dương bị lỗi và tạo ra oxy bên trong làm cho mất cân bằng các thành phần hóa học của pin dẫn đến nổ.
Giáo sư Shao-Horn nói rằng: "quá trình này cũng có thể xảy ra với các thỏi pin hoàn hảo" khi sạc quá mức hoặc cực dương và cực âm của pin tiếp xúc với nhau. Khiếm khuyết trong quá trình sản xuất pin của Galaxy Note 7 chỉ góp phần làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Không chỉ pin, một cáp USB chất lượng kém hay củ sạc không rõ nguồn gốc cũng có thể gây tổn hại cho thiết bị của bạn. Quá trình sạc trên điện thoại, máy tính xách tay… là một quá trình đòi hỏi sự chính xác cao và một lỗi nhỏ của pin có thể gây ra hiện tượng cháy nổ.
Vì vậy, Uỷ quan An toàn Quốc gia Mỹ (FAA) luôn yêu cầu để tất cả pin lithium bên ngoài buồng lái trên các chuyến bay. Đây cũng là lí do vì sao Apple đã âm thầm thay thế pin trên máy tính xách tay của công ty cách đây 10 năm hay Samsung phải chấp nhận tổn hại uy tín, kinh tế để thu hồi hàng loạt chiếc Galaxy Note 7 trên phạm vi toàn cầu.
Trong khi chờ đợi các nhà khoa học phát minh ra công nghệ pin an toàn hơn, tốt nhất bạn nên giữ viên pin (thiết bị) tránh xa nguồn nhiệt độ cao, sạc quá lâu, cáp sạc chất lượng thấp và củ sạc không chính hãng.