Smartphone Android càng bán chạy, Google càng lo

Google là nhà phát triển Android, nền tảng di động phổ biến nhất hành tinh. Tuy nhiên, nghịch lý xảy ra khi smartphone Android càng bán chạy, Google càng lo ngay ngáy.

Smartphone Android càng bán chạy, Google càng lo

Theo số liệu mới nhất từ hãng nghiên cứu Strategy Analytics, Android hiện chiếm 85% thị phần di động toàn cầu, đồng nghĩa với gần 9/10 điện thoại bán ra chạy hệ điều hành Android.

Tuy nhiên, “miếng bánh” to hơn không đi cùng với lợi nhuận lớn hơn, không chỉ thế Google còn phải đối đầu với thách thức lớn khác: sự trỗi dậy của thiết bị Android mà không phải Android.

Android mà không phải Android

Android tồn tại ở hai dạng: Một được sử dụng theo điều khoản của Liên minh Thiết bị Mở (OHA), các thành viên OHA phải đưa dịch vụ của Google vào thiết bị và bị hạn chế khả năng tùy biến phần mềm;

Hai là Dự án nguồn mở Android (AOSP), phiên bản mà nhà sản xuất có thể loại bỏ mọi dịch vụ Google và thay đổi thiết bị theo ý muốn để chạy phần mềm khác (“forked” Android), không phải của Google. Dịch vụ Google vẫn truy cập được trên loại thứ hai nhưng không còn là trung tâm như OHA.

Lo ngại của Google đến từ thiết bị AOSP này: vì Google không phải công ty phần cứng, đưa được dịch vụ lên Android trở thành con đường quan trọng để kiếm doanh thu từ người dùng di động. 

“Forked” Android không phải khái niệm mới mẻ. Amazon từng áp dụng nó trong tablet và điện thoại Kindle khi xóa sổ dịch vụ, tính năng Google tiêu chuẩn. Tại Trung Quốc, thiết bị giá rẻ cũng dùng AOSP.

“Forked” Android ngày một tăng

Báo cáo từ hãng nghiên cứu ABI Research cho biết 20% lượng smartphone xuất xưởng giai đoạn từ tháng 5 - 7 năm nay dựa trên AOSP, tăng 20% so với quý trước đó, phần lớn nhờ vào sự phát triển của các hãng sản xuất Trung Quốc và Ấn Độ cũng như sự bủng nổ của thị trường di động châu Á. 

Do công ty Ấn Độ và Trung Quốc chiếm 51% thị phần thiết bị xuất xưởng toàn cầu trong quý trước nên khi tỉ lệ điện thoại AOSP càng tăng, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất là châu Á.

Thiết bị AOSP thường có giá rất rẻ vì phiên bản Android nguồn mở tiết kiệm hơn nhiều và hiệu quả hơn khi phát triển smartphone. Như vậy, nhiều người dùng smartphone lần đầu khi mua chúng sẽ không thể tiếp cận dịch vụ Google theo đúng ý đồ của hãng tìm kiếm.

Bên cạnh đó, một số hãng như Xiaomi cũng đang tạo ra sản phẩm AOSP tinh vi hơn nhưng giá không quá đắt. Theo hãng nghiên cứu Canalys, quý II/2014, Xiaomi đã “hất cẳng” Samsung và trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 tại Trung Quốc.

Câu trả lời của Google

Google cảm nhận hơn ai hết nguy cơ này và dùng Android One, một tiêu chuẩn mới cho thiết bị Android giá rẻ, làm câu trả lời. Android One ra đời cho phép các hãng phần cứng chế tạo smartphone giá khoảng 100 USD cho thị trường đang phát triển, nơi thiết bị AOSP “làm mưa, làm gió”.

Với người dùng cuối, Google cho biết Android One mang lại trải nghiệm Android đồng nhất, không phải chịu đựng giao diện riêng từ nhà sản xuất như Samsung TouchWiz, HTC Sense, ít ứng dụng thừa hơn và được cập nhật nhanh hơn. Về cơ bản, đây là phiên bản Android thuần túy song để lại một đường cho các hãng thay đổi vài phần mềm.

Nguy cơ AOSP hiện đang giới hạn ở các thị trường mới nổi, song với việc Xiaomi, OnePlus, Oppo, Meizu… đang tìm cách vươn xa khỏi biên giới Trung, mở rộng ra toàn châu Á, cuộc chiến giữa Google và họ có thể leo thang đến đâu là điều khiến ai cũng phải hiếu kỳ.

Theo ITC News/ TNW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.