Sinh viên Trung Quốc 'bỏ phố về quê' thực tập

GD&TĐ - Gần đây, nhiều thanh niên tại Trung Quốc đang mở rộng tầm nhìn bằng cách dành kỳ nghỉ hè để làm việc tại các trang trại, trung tâm hậu cần...

Nông dân trở về nhà sau giờ làm việc. Ảnh: Sixthtone
Nông dân trở về nhà sau giờ làm việc. Ảnh: Sixthtone

Có một thời gian, sinh viên đại học Trung Quốc chỉ cân nhắc đến việc thực tập tại các công ty công nghệ lớn hoặc trong những ngành công nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên Gen Z dường như đang ngày càng có nhiều lựa chọn hơn.

Những trải nghiệm mới

Những năm gần đây, nhiều thanh niên tại Trung Quốc đang mở rộng tầm nhìn bằng cách dành kỳ nghỉ hè để làm việc tại các trang trại, trung tâm hậu cần và nhà kho hoặc cửa hàng lưu niệm trực tuyến. Liu Yuyang là một trong số đó.

Sinh viên này mất 50 phút để đi tàu cao tốc từ Tây An, thủ phủ của tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc, đến Phật Bình, một huyện nông thôn cách Hán Trung khoảng 290 km về phía Nam. Khi con tàu đi qua Đường hầm Tần Lĩnh dài, Liu thường có một cảm giác phấn khích.

Cô ngắm nhìn khung cảnh ngoạn mục, nhận thấy hàng chục cabin nhỏ nằm rải rác giữa những ngọn núi phủ sương mù. Nữ sinh kinh ngạc trước sức quyến rũ của nơi này và tự tin rằng, bản thân đã có được một “kỳ thực tập kỳ diệu”.

Liu là sinh viên năm thứ ba tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Tây An chuyên ngành quản lý du lịch. Ngoài ra, nữ sinh này theo học chuyên ngành phụ là tiếng Anh và tiếng Nga. Cô bị thu hút bởi vùng nông thôn sau khi tình cờ thấy một quảng cáo về “Nông dân mới”. Đây là một sáng kiến của chính phủ kết nối sinh viên, người sáng tạo nội dung và người làm việc tự do với các cơ hội thực tập tại những doanh nghiệp nông thôn.

Quảng cáo tuyển dụng vị trí tại một khu lưu trú ở làng. Liu cho rằng, cô sẽ được cung cấp một cơ hội lý tưởng để có kiến thức thực tế trực tiếp, trong khi trải nghiệm cuộc sống ở vùng nông thôn Trung Quốc.

Cùng lúc đó, Xu Wen, người đang học khoa học lưu trữ tại Đại học Tây Bắc ở Tây An, cũng đến Phật Bình để bắt đầu làm việc tại nhà trọ. Cô đã tìm kiếm một kỳ thực tập kéo dài một tháng, tách biệt hoàn toàn với chuyên ngành đại học của mình. “Chỉ khi có những trải nghiệm mới, chúng ta mới có thể phát triển bản thân hơn nữa”, nữ sinh chia sẻ.

Trong thời gian ở khu lưu trú, Xu Wen phải làm việc tại quầy lễ tân, chuẩn bị phòng cho khách và học cách quản lý một doanh nghiệp du lịch. Mặc dù phần lớn không liên quan đến việc học ở thành phố, nhưng cô thực sự đã khám phá ra đề tài cho luận án của mình: Cách quản lý lưu trữ có thể mang lại lợi ích cho du lịch văn hóa nông thôn.

Ý tưởng này đến khi cô nhận thấy rằng, các phòng tại khu lưu trú không chỉ được đặt tên theo những loài động vật hoang dã bản địa trong khu vực, mà còn cung cấp tài liệu khoa học cho khách.

Đồng thời, khu lưu trú còn giới thiệu các loài đặc trưng này cùng với địa lý và địa hình của Phật Bình. Các chuyến đi chơi và hoạt động khác cũng bao gồm yếu tố văn hóa địa phương. Trong khi đó, loại rượu đặc trưng nơi đây được bày bán trong cửa hàng thuộc khu lưu trú.

Xu Wen tin rằng, cách giải quyết vấn đề “đồng nhất” trong du lịch nông thôn của Trung Quốc nằm ở việc khai thác văn hóa địa phương, để tạo ra một thị trường ngách. Cô cho biết, điều này đòi hỏi phải sử dụng hiệu quả các kho lưu trữ trực tuyến và vật lý. Nữ sinh này đồng thời nói thêm rằng, kinh nghiệm của cô ở Phật Bình đã “đánh thức trí tưởng tượng” bản thân về tiềm năng của khoa học lưu trữ.

sinh-vien-trung-quoc-bo-pho-ve-que-thuc-tap-1-5640.jpeg
Thực tập sinh dọn dẹp tại khu lưu trú ở Phật Bình. Ảnh: Sixthtone

Giúp “tái tạo năng lượng”

Theo công ty du lịch trực tuyến Trip.com, hiện bước vào năm thứ ba triển khai, chương trình “Nông dân mới” đã nhận được đơn đăng ký từ hàng nghìn sinh viên đại học. Chương trình là một sáng kiến hợp tác với Trip.com nhằm cung cấp cơ hội tại các khu lưu trú nông thôn.

“Khát vọng của những người trẻ tuổi đối với vùng nông thôn lớn hơn những gì chúng tôi có thể tưởng tượng. Sức sống mà họ mang theo đến các vùng nông thôn, cũng như sự sẵn sàng làm việc chăm chỉ ở nông thôn, cũng vượt quá mong đợi của chúng tôi”, công ty cho biết trong một tuyên bố.

Cui Jia - người đang theo học ngành nhân chủng học tại Đại học Thượng Hải, đã bắt đầu kỳ thực tập kéo dài ba tháng tại Ecoland Club Farm. Đây là một không gian cộng đồng ngoại ô dành cho các gia đình ở quận Fengxian, phía Nam Thượng Hải.

Sau khi được giao nhiệm vụ ở một khu vực côn trùng của trang trại, cô nhanh chóng phát hiện, các đồng nghiệp của mình chủ yếu là sinh viên đại học hoặc sau đại học từ nhóm những trường đại học ưu tú Project 211 của Trung Quốc.

Theo quan điểm của Cui Jia, việc đến vùng nông thôn để thực tập đã trở thành một lựa chọn cho nhiều người “đang ở ngã ba đường”. Họ là những người không chắc chắn về con đường nên theo đuổi, hoặc muốn mở rộng triển vọng việc làm của mình.

Lúc đầu, Cui Jia sẽ theo những người làm việc trong trang trại ra đồng. Tuy nhiên, cô thường cảm thấy rằng, mình càng cố gắng giúp đỡ thì những người khác càng bận rộn. Ngay cả khi được giao những nhiệm vụ đơn giản, nữ sinh này vẫn mắc lỗi. Kiến thức mà cô thu thập được từ sách giáo khoa đột nhiên trở nên xa vời.

Ban đầu, Cui Jia chọn thực tập tại đây vì muốn theo đuổi một dự án nghiên cứu xem xét cách các trang trại ngoại ô cung cấp cho cá nhân giá trị cảm xúc thông qua hoạt động nông nghiệp, thư giãn và giao lưu giữa người với người. Cuối cùng, trải nghiệm này khiến nữ sinh suy nghĩ nhiều hơn về những lựa chọn của mình.

“Các trang trại giống như… một nơi để nạp lại năng lượng. Mặc dù có thể quay lại cuộc sống trước kia của mình sau kỳ thực tập, nhưng bạn vẫn sẽ học được một số điều. Những điều đó sẽ theo bạn trong một thời gian dài. Bạn có thể bị ảnh hưởng đến mức cuối cùng sẽ chuyển sang làm công việc nông nghiệp”, Cui Jia chia sẻ.

Trong khi đó, Qiu Tian, cũng là một trong những thực tập sinh năm nay tại Ecoland Club Farm, có một góc nhìn khác. Anh được xếp vào nhóm những người làm nông trại nam, chủ yếu ở độ tuổi 70 - những người liên tục cố gắng ngăn cản Qiu Tian theo đuổi con đường làm nông.

sinh-vien-trung-quoc-bo-pho-ve-que-thuc-tap-3-3889.jpeg
Cà rốt hữu cơ được trồng và thu hoạch tại trang trại nơi Cui và Qiu thực tập. Ảnh: Sixthtone

Bởi, họ nói rằng, ngành này không có nhiều triển vọng. Mặc dù vậy, Qiu Tian cảm thấy anh đã học được nhiều điều mà bản thân thường không nhận được khi còn là sinh viên Khoa Tiếng Trung của Đại học Thượng Hải, chẳng hạn như các kỹ thuật cày ruộng. Nam sinh cho biết cũng thấy những thực tập sinh khác đã phát triển mối quan tâm đến việc theo đuổi các công việc liên quan đến nông nghiệp và trồng trọt.

Thực tế, việc xin được một suất thực tập tại trang trại không phải là nhiệm vụ dễ dàng có thể phản ánh nhu cầu về vị trí. Dựa trên thông tin tuyển dụng được FoodThink, một nền tảng thông tin nông nghiệp của Trung Quốc, đăng tải, các ứng viên cho Chương trình Thực tập Nông nghiệp Sinh thái phải điền vào một mẫu đơn đăng ký chi tiết. Sau đó, ứng viên phải trải qua một số vòng phỏng vấn với các giám sát viên trang trại. Những ứng viên trúng tuyển có thể thực tập trong ba tháng đến một năm.

Gao Meiying - người quản lý chương trình cho biết, nền tảng này đã hoàn thành ba vòng tuyển dụng kể từ tháng 11/2021, với 64/170 ứng viên nhận được vị trí thực tập trong năm thứ ba. Bà Gao thông tin thêm: “Mỗi năm, ngày càng có nhiều ứng viên nộp đơn”. Đồng thời, các thực tập sinh không chỉ có được kiến thức, mở rộng mối quan hệ với người cố vấn và bạn bè, mà còn được khám phá những phiên bản mới của chính mình.

Theo các cố vấn nghề nghiệp tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải và Đại học Sư phạm Hoa Đông tại Thượng Hải, sinh viên Gen Z đang đưa ra nhiều lựa chọn thực tập đa dạng hơn. Thế hệ này cũng duy trì thái độ cởi mở và chủ động trong tìm kiếm việc làm.

Tuy nhiên, kinh nghiệm của Qiu Tian và Cui Jia cho thấy, môi trường việc làm phức tạp đối với những sinh viên mới tốt nghiệp. Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, các trường đại học nên cung cấp nhiều nguồn lực thực tập hơn để sinh viên có thể vạch ra lộ trình phát triển cá nhân của riêng mình.

Trong khi đó, kinh nghiệm thực tập của Liu và Xu Wen tại khu lưu trú nông thôn cho thấy sự xung đột tiềm ẩn giữa khóa học và kinh nghiệm thực tế. Liu đã sử dụng thời gian để kết hợp quản lý du lịch với nghiên cứu ngôn ngữ.

Xu Wen đã học cách kết hợp nghiên cứu lưu trữ với văn hóa địa phương. Cả hai bài học đều cho thấy nhu cầu các trường đại học cần nhấn mạnh vào giáo dục liên ngành, khuyến khích sinh viên khám phá những lĩnh vực ngoài chuyên ngành chính của mình.

Đối với nhiều người trẻ Trung Quốc, mục tiêu của kỳ thực tập không phải lúc nào cũng rõ ràng. Tuy nhiên, có vẻ như ngày càng nhiều người quan tâm đến việc có được kinh nghiệm thực tế hơn là chỉ đi theo con đường mòn của công việc mưu sinh.

Trong tháng 4, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Trung Quốc là 14,7%. Tình hình được cho là nghiêm trọng hơn khi có thêm 11,8 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học trong tháng 6. Con số đó đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 21,3% vào giữa năm 2023, trước khi các nhà chức trách tạm dừng công bố số liệu hằng tháng.

Sau khi điều chỉnh phương pháp tính toán, việc công bố lại số liệu bắt đầu vào tháng 12 cùng năm. Một số người trẻ tìm việc tại hội chợ chia sẻ với hãng tin AFP rằng: “Thật khó để tìm được công việc phù hợp với bằng cấp và nguyện vọng của mình”.

Theo Sixthtone

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.