Giải pháp được nêu trong đề tài nghiên cứu khoa học giành giải Nhì cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2024.
Giàu tiềm năng
Đề tài “Phát triển du lịch mạo hiểm tại hố sụt Kong, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng hướng tới bền vững và an toàn”, đã giúp Võ Hoàng Phi - sinh viên ngành Du lịch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TPHCM) gặt hái thành công trên bước đường nghiên cứu khoa học.
Theo định nghĩa của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UNWTO), du lịch mạo hiểm là loại hình trải nghiệm diễn ra tại các điểm đến có đặc điểm địa lý, cảnh quan đặc thù, kết hợp các hoạt động thể chất, giao thoa văn hóa và tương tác với thiên nhiên. Trải nghiệm này thường liên quan đến rủi ro thực tế hoặc cảm nhận, yêu cầu người tham gia cần nỗ lực đáng kể về thể chất và tinh thần. Tuy nhiên khái niệm du lịch mạo hiểm thường khó phân loại do sự khác biệt trong mức độ phiêu lưu của từng cá nhân và sự giao thoa với các loại hình du lịch khác.
Chia sẻ về thị trường du lịch mạo hiểm, Hoàng Phi cho rằng lĩnh vực kinh tế này đang phát triển nhanh, ngày càng thu hút sự quan tâm của các quốc gia trên toàn cầu. Chính phủ các nước đang xem đây là một chiến lược quan trọng để thúc đẩy kinh tế, bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường.
Tìm hiểu từ các tài liệu khoa học và đánh giá thực tế, Phi nhìn nhận, hố sụt Kong nằm trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được coi là một trong những hố sụt sâu nhất thế giới với hơn 400m. Đây được coi là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích phiêu lưu với các hoạt động như khám phá hang động, leo núi và vượt thác.
Tuy nhiên, các hoạt động du lịch tại đây đang đối mặt với nhiều thách thức về tính bền vững và an toàn, bao gồm tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và rủi ro chưa được quản lý hiệu quả. Do đó, Phi thực hiện nghiên cứu đánh giá các vấn đề thực tiễn trong hoạt động du lịch mạo hiểm tại hố sụt Kong, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và an toàn.
Các giải pháp chú trọng vào quản lý môi trường, nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên của du khách, đảm bảo an toàn trong hoạt động du lịch và thúc đẩy sự hợp tác giữa doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng địa phương.
“Du lịch mạo hiểm là loại hình du lịch đặc thù, đậm tính phiêu lưu, gắn liền với việc tham gia vào các hoạt động thể chất, khám phá thiên nhiên và giao lưu văn hóa. Loại hình này không chỉ tạo ra trải nghiệm mạnh mẽ mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững nếu được quản lý và khai thác đúng cách”, Phi nhận định.

Phát triển du lịch bền vững
Thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế tại hố sụt Kong, Võ Hoàng Phi nhìn thấy hiện nay khách du lịch sẽ sử dụng các mốc khoan, mốc treo để cố định dây leo vào các thực thể bên trong hang động. Điều này có thể làm ảnh hưởng các ngọc động, thành nhũ, măng đá... trong hang.
Khi thực hiện khảo sát bằng phiếu hỏi tới du khách, Phi nhận được kết quả 68% du khách cho rằng việc leo trèo và chạm vào các thực thể tự nhiên gây tác động từ mức trung bình đến cao. Điều này cho thấy sự cần thiết của việc thay đổi thiết kế hệ thống đu dây khám phá hang động.
“Hệ thống đu dây này đã từng được sử dụng tại các hang động tại Thái Lan với độ an toàn cao và có thể nghiên cứu thiết kế sử dụng tại Việt Nam”, Phi cho biết.
Nam sinh này cũng cho rằng, việc thiết kế hệ thống đu dây cần đảm bảo nguyên tắc an toàn cao nhất, phù hợp với điều kiện sinh thái và hang động tại Việt Nam. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các nhà cung cấp thiết bị và công ty du lịch.
Để bảo vệ môi trường, Phi đề xuất kiểm soát rác thải nhựa trong khu vực khai thác du lịch mạo hiểm. Du khách không được mang theo các loại hóa mỹ phẩm, túi ni lông, các vật dụng dùng một lần trong hành lý. Họ được phát túi vải, có thể sử dụng nhiều lần trong chuyến đi để không xả rác ra môi trường.
Để tăng sinh kế cho người dân sống xung quanh khu du lịch, Phi đặt vấn đề có thể thuê người dân mang vác hành lý cho khách tham quan. Bởi thực tế, đặc thù du lịch mạo hiểm thường kéo dài nhiều ngày nên hành lý của du khách cần thực phẩm, đồ nấu ăn, chăn màn, lều trại… Mặt khác, những khu vực du lịch mạo hiểm thường không có đường giao thông nên những người dân cần được tạo điều kiện làm dịch vụ mang hành lý cho khách du lịch để họ tăng thêm thu nhập.
Một vấn đề khác khi thực hiện đề tài, Phi nhìn nhận một số hang động trong tour khám phá hố sụt Kong xuất hiện hình vẽ, chữ viết khắc bậy trên vách đá, làm tổn hại đến giá trị di sản và vẻ đẹp tự nhiên.
Những hành động này phản ánh sự thiếu ý thức bảo vệ môi trường và di tích của du khách. Để cải thiện tình trạng này, Phi đề xuất cần triển khai chiến lược giáo dục du khách và củng cố hệ thống giám sát để bảo vệ và phát triển bền vững môi trường du lịch.
“Đây là những đề xuất mang tính tổng thể giúp phát triển du lịch bền vững, an toàn và tạo sinh kế cho người dân. Nghiên cứu của tôi mới ở dạng đề xuất, cần quá trình làm việc với chính quyền, Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và doanh nghiệp để phối hợp triển khai thực hiện”, Phi chia sẻ.
Qua khảo sát, Phi đánh giá tại Quảng Bình có hơn 400 hang động, cùng một số lượng hang động từ địa phương khác là tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch mạo hiểm.
Ngoài ra, giới trẻ hiện nay đang có xu hướng tìm về thiên nhiên với tâm niệm “du lịch chữa lành”, tách biệt với bên ngoài. Thế giới hiện nay đang hướng tới du lịch không phát thải (Net Zero) bảo vệ môi trường là xu hướng của tương lai. “Nếu phát triển đúng hướng, du lịch mạo hiểm có thể mang lại nguồn thu dồi dào cho Quảng Bình và các địa phương khác”, Phi bày tỏ sự tin tưởng.
PGS.TS Trần Thị Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: Năm 2024, nhà trường có gần 400 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, trong đó có nhiều đề tài đoạt các giải như Euréka, SV-Startup, Design Thinking - Open Innovation và nhiều giải quốc tế. Chúng tôi luôn ủng hộ các em nghiên cứu khoa học bằng cách hỗ trợ tài chính, ưu tiên điểm số để tạo động lực cho các em xây dựng các kết nối, nâng cao kỹ năng, phát triển bản thân trên con đường khoa học.