(GD&TĐ) - Thuộc top 5 người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đầu vào của Trường ĐH Y tế công cộng nhưng Nguyễn Văn Quân đã quyết định chọn học ngành “thời thượng” hơn tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Năm 2012, tự tin cầm tấm tốt nghiệp chuyên ngành Tài chính công loại khá đi xin việc, đến nay, Quân vẫn trong giai đoạn tìm kiếm và chờ đợi.
Sinh viên tìm kiếm cơ hội trong ngày hội việc làm. Ảnh: NN |
1 tỉnh gần 25 nghìn HSSV thất nghiệp
Quân chỉ là một trong số gần 25 nghìn HSSV đã tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm tại tỉnh Thanh Hóa tính đến tháng 2/2013 – con số cao nhất hiện nay trên cả nước. Lượng thất nghiệp nhiều nhất thuộc về sinh viên các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, sư phạm, CNTT. Hiện trên địa bàn tỉnh này có tới 16 trường ĐH, CĐ và TCCN với khoảng 44 nghìn sinh viên đang theo học – con số tạo áp lực không nhỏ về việc làm trong thời gian tới.
Theo con số từ Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, trong 3 năm (2009 - 2012) có gần 400 nghìn sinh viên tốt nghiệp trình độ CĐ và khoảng 500 nghìn sinh viên tốt nghiệp trình độ ĐH các hệ đào tạo, trong đó đào tạo chính quy chiếm khoảng 65%.
Theo báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 1/10/2012, trong tổng số 984 nghìn người thất nghiệp có 55,4 nghìn người trình độ CĐ (chiếm 5,6%) và 111,1 nghìn người có trình độ ĐH trở lên (11,3%).
Như vậy, số lao động trình độ CĐ thất nghiệp so với tổng số lao động có trình độ CĐ được bổ sung chiếm hơn 40% và số lao động có trình độ ĐH trở lên thất nghiệp so với số lao động có trình độ ĐH được bổ sung chiếm hơn 50%.
Cũng theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tình trạng thất nghiệp có xu hướng tăng mạnh, tập trung chủ yếu ở nhóm thanh niên đô thị. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp chiếm 4,2% (năm 2008); 4,1% (năm 2009) và tăng lên 5,2% (năm 2010), trong đó ở khu vực đô thị là 7,8%, cao gần gấp 2 lần nông thôn (4,3%).
Con số từ các trường
Năm 2008, Bộ GD&ĐT đã ban hành quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục ĐH và TCCN, trong đó có quy định các trường phải khảo sát, thống kê việc làm của người học sau tốt nghiệp.
Thực hiện quy định này, nhiều trường đã thường xuyên công bố kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên trường mình tốt nghiệp.
Báo cáo tình hình việc làm và thu nhập của sinh viên năm 2010 của Trường ĐH Hồng Đức, tỷ lệ sinh viên có việc làm đạt 56,2%, thấp hơn so với những năm trước. Số sinh viên chưa có việc làm chủ yếu ở bậc CĐ, trong đó có tới gần 1/3 số sinh viên CĐ học thêm sau khi tốt nghiệp, chủ yếu học liên thông ĐH. Mức thu nhập từ công việc chính trong 1 tháng của sinh viên chủ yếu là từ 1 - 1,5 triệu đồng (đạt 47,24%), tiếp đến là từ 2 - 2,5 triệu đồng (đạt 23,5%).
Con số của Trường ĐH Luật TPHCM đưa ra khả quan hơn. Khảo sát tính đến tháng 6/2012 với sinh viên niên khóa 2007-2011, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp rất cao 94,4 %. Trong đó, tỷ lệ sinh viên đã từng có việc làm và hiện nay đang làm việc mới là 3,7%, và tỷ lệ sinh viên được khảo sát đang tiếp tục học nâng cao chiếm tỉ lệ 9,25% ; tỉ lệ sinh viên đang tìm việc là 1,85%. Trong số sinh viên có việc làm, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm tỷ lệ lớn với 85,2% ; sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng sau khi tốt nghiệp (chiếm 14,2%).
Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM có khoảng trên 85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo chiếm 75%. Trường ĐH Tài nguyên – Môi trường, số lượng HSSV sau tốt nghiệp có việc làm chiếm từ 60% đến 90% tùy ngành đào tạo...
Thông tin từ trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, có khoảng 25% HSSV của trường có việc ngay sau khi tốt nghiệp; số này sau 6 tháng tăng lên là 80%.
Con số từ khảo sát của các trường cho thấy một bức tranh tương đối khả quan về lượng sinh viên ra trường có việc làm và có vẻ không thực sự khớp với thống kê của cơ quan quản lý nhà nước. Điều này có thể lý giải, bởi thống kê từ các trường thường không bao quát được toàn bộ số sinh viên tốt nghiệp, trong khi đó, số sinh viên chưa tìm được việc tham gia khảo sát thấp hơn nhiều so với số sinh viên đã có việc.
Trong khi rất nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp thì theo rà soát nhu cầu nhân lực cả nước của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cần phải bổ sung 1,86 triệu lao động đã qua đào tạo nghề; giai đoạn 2016-2020, bổ sung khoảng 2,18 triệu lao động.
Như vậy, nhu cầu việc làm của xã hội trong bất kỳ giai đoạn nào cũng là rất lớn. Việc cần làm là sự điều tiết của cơ quan quản lý và sự nhanh nhạy nắm bắt của các trường, kết hợp đào tạo với đơn vị tiếp nhận để đào tạo theo đúng nhu cầu xã hội.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Hà Xuân Quang trăn trở, vì sau nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn lớn nhưng sinh viên ra trường vẫn khó tìm việc. Câu trả lời, theo ông Quang mấu chốt ở việc đào tạo có chất lượng và đào tạo đáp ứng đúng yêu cầu thực tiễn.
“Tuy nhiên, hiện nay các trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng. Ví dụ, hiện nguồn lực cho đào tạo các trường rất hạn chế, ngân sách nhà nước cấp không nhiều, học phí với trường công bị khống chế, tôi cho đó là cái khó nhất cho các trường trong việc nâng cao chất lượng” – Ông Quang chia sẻ.
Hiếu Nguyễn