Sinh viên quốc tế muốn trở lại Trung Quốc học tập

GD&TĐ - Sinh viên quốc tế tại Trung Quốc có thể phải trì hoãn việc học một năm do không được phép nhập cảnh. Họ đang kêu gọi quốc gia này nới lỏng các biện pháp phòng Covid-19 để có thể quay lại học tập.

Sinh viên quốc tế tại Trung Quốc.
Sinh viên quốc tế tại Trung Quốc.

Hy vọng sinh viên quốc tế có thể quay lại Trung Quốc đại lục vào cuối năm đang giảm dần do chính phủ nước này đang thắt chặt các biện pháp kiểm soát Covid-19. Trong đó, Chính phủ Trung Quốc cấm nhập cảnh đối với công dân mang quốc tịch Anh, Nga, Pháp, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.

Quyết định này khiến du học sinh tại Trung Quốc phải đối mặt với việc nghỉ học một năm, bỏ lỡ kế hoạch thực tập, tốt nghiệp hoặc học cao học. Vì vậy, du học sinh tại Trung Quốc đang có các hành động kêu gọi cho phép quay lại trường học.

Mỗi năm, Trung Quốc chào đón gần 500.000 sinh viên quốc tế. Tháng 8/2020, chính phủ quốc gia này tuyên bố không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào trong trường học. Họ dự định sẽ duy trì trạng thái an toàn này trong môi trường sư phạm.

Ka Ho Mok, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng khoa Đào tạo sau đại học tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông cho biết: “Tôi cho rằng Chính phủ Trung Quốc đang đưa ra các quyết định thận trọng vì không muốn gia tăng ca nhiễm nhập cảnh. Điều này có thể gây bất lợi cho các biện pháp chống Covid-19 đang được duy trì”.

Mok kêu gọi các du học sinh kiên nhẫn trong thời điểm hiện nay. Ông nhận xét, Trung Quốc là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phục hồi kinh tế sau Covid-19. Vì vậy, sinh viên quốc tế sẽ quan tâm đến du học Trung Quốc khi đại dịch được kiểm soát và các nước mở cửa biên giới trở lại.

Tuy nhiên, du học sinh tại Trung Quốc bày tỏ bức xúc. Họ đã trở về quê hương khi Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và hiện có khả năng sẽ không thể trở lại học tập.

Khoảng 1.000 sinh viên quốc tế đã viết đơn song ngữ tiếng Trung - Anh kêu gọi được phép quay lại học tập, cam kết tuân thủ quy định cách ly 14 ngày bắt buộc và các yêu cầu khác. Trong thư có viết: “Trung Quốc là quê hương thứ hai của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi sẽ giữ cho đất nước này an toàn bằng mọi giá”.

Những người tham gia kêu gọi nhiều nhất là sinh viên năm cuối với kế hoạch hoàn tất việc học đang chờ xử lý. Nếu không nhanh chóng hoàn thành thực tập, cơ hội xin việc hoặc học cao học có thể bị trì hoãn cả năm. Điều này chưa kể nhiều người trong số này vẫn phải trả tiền thuê nhà, học phí trong khi tiền học bổng bị cắt giảm.

Số khác thất vọng vì cho rằng các quy tắc được áp dụng không công bằng vì nhiều giáo sư, doanh nhân người nước ngoài vẫn có thể nhập cảnh Trung Quốc.

Một du học sinh bậc Tiến sĩ người Anh giấu tên cho biết: “Công việc của chúng tôi về cơ bản là giống nhau. Tôi cho rằng tính nghiêm trọng của đại dịch chỉ là cái cớ yếu ớt dành cho sinh viên trong khi công nhân, doanh nhân vẫn có thể đi lại tự do”.

Trung Quốc không phải quốc gia đầu tiên từ bỏ kế hoạch đưa du học sinh trở lại.

Trước đó, theo thông báo ngày 13/11, Thủ tướng Scott Morrison thông báo Australia chưa cho phép sinh viên nước ngoài quay trở lại học tập. Khoảng 1/4 sinh viên quốc tế tại Australia vẫn đang ở quê nhà, chỉ một số nhỏ được phép trở lại thông qua kế hoạch thí điểm. Tại New Zealand, chính phủ chỉ cho phép một số học viên cao học cần lâm sàng hoặc học trong phòng thí nghiệm nhập cảnh.

Ngược lại, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dần mở cửa trở lại. Hầu hết sinh viên quốc tế đã trở lại trường học tại Hồng Kông, Singapore. Đài Loan đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với du học sinh từ tháng 8 trong khi Nhật Bản cho phép sinh viên quốc tế trở lại từ tháng 10.

Theo Inside Higher Ed

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.