Sinh viên luật tọa đàm về giáo dục đạo đức truyền thống

GD&TĐ - Nhân ngày truyền thống HSSV Việt Nam 9/1, Trường ĐH Luật Hà Nội tổ chức buổi Toạ đàm chuyên đề giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên K47.

TS. Trần Kim Liễu – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Trường ĐH Luật Hà Nội phát biểu.
TS. Trần Kim Liễu – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Trường ĐH Luật Hà Nội phát biểu.

Qua buổi toạ đàm, nhà trường mong muốn hướng đến giáo dục lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, biết trân trọng các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, xác định trách nhiệm, nghĩa vụ… của người công dân và đạo đức của người làm công tác pháp luật trong tương lai.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, TS. Trần Kim Liễu – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Trường ĐH Luật Hà Nội nói: “Đạo đức là nền tảng cốt lõi quyết định đến tương lai để trở thành một công dân tốt. Và sinh viên học Luật cũng vậy, đạo đức quyết định rất lớn để trở thành một cán bộ hành nghề luật pháp tốt bởi nghề Luật là nghề đặc biệt, liên quan đến số phận con người. Nếu một người cầm cân nẩy mực mà không có đạo đức rất nguy hại cho xã hội.

Từ năm 2017, Trường ĐH Luật Hà Nội thường xuyên tổ chức các hoạt động toạ đàm cho sinh viên năm thứ nhất vào trường. Theo đánh giá thực tế qua biểu hiện của sinh viên, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều chuyển biến rất tích cực sau các buổi học như: tuân thủ kỷ luật, nội quy trong trường học, tôn trọng thầy cô giáo, ý thức bảo vệ môi trường của các em đã được nâng lên. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tiếp tục chương trình như thế này.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Luật Hà Nội cũng lồng ghép chương trình giáo dục đạo đức vào trong các môn học, đặc biệt là các môn học trong hành nghề”.

Buổi toạ đàm thu hút hơn 1000 sinh viên tham dự.

Buổi toạ đàm thu hút hơn 1000 sinh viên tham dự.

Em Nguyễn Việt Hà, sinh viên k47 lớp chất lượng cao, ngành Luật chia sẻ: “Tham gia các buổi toạ đàm với chủ đề giáo dục đạo đức, em và các bạn có thêm hiểu biết về cội nguồn, lòng biết ơn. Soi vào bản thân, em thấy mình còn nhiều thiếu sót chưa bày tỏ lòng biết ơn thầy cô, cha mẹ.

Từ đó, em ý thức cho bản thân cần biết nói câu cảm ơn với bố mẹ, thầy cô, người thân đã luôn đồng hành, hỗ trợ, tin tưởng để em đạt được những thành quả trong học tập”.

Theo Việt Hà, đối với sinh viên học Luật, các buổi toạ đàm này sẽ giúp sinh viên ngoài trau dồi kiến thức, kỹ năng sau này để hành nghề cũng phải chú trọng đến đạo đức để trở thành một người hành nghề có tài và tâm.

“Nhiều sinh viên chia sẻ với chúng tôi, trước đây ngày sinh nhật em luôn chờ quà của bố mẹ, từ khi được học về chương trình đạo đức này em đã mua bánh để cảm ơn bố mẹ đã sinh ra mình và cho mình cuộc sống như hôm nay. Sau buổi toạ đàm, sinh viên sẽ viết bài thu hoạch gồm 3 phần: Thông tin về bản thân, Những nội dung ghi nhận được trong buổi toạ đàm và suy ngẫm của bản thân sau buổi toạ đàm”, TS. Trần Kim Liễu – Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Trường ĐH Luật Hà Nội chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ