Sinh viên hãy kiên định, đào sâu con đường đã chọn để trở thành người chuyên nghiệp

GD&TĐ - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp với Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam tổ chức Tọa đàm Định hình tương lai: Học hỏi, thích nghi, dẫn dắt.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm.

Sự kiện diễn ra ngày 28/10 thu hút sự tham gia của gần 1.000 sinh viên NEU, trong đó hơn 700 là sinh viên năm thứ nhất.

Chia sẻ về việc dạy và học trong bối cảnh việc làm mới, tại tọa đàm, PGS.TS. Bùi Đức Thọ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: Nhà trường đang hướng tới việc đào tạo ba nấc, giúp sinh viên "Hiểu", "Vận dụng" và có "Khả năng phân tích đánh giá".

Học tốt, không chỉ là nhớ được nội dung thầy cô đã giảng mà còn hiểu, luôn đặt ra câu hỏi tại sao, tự hỏi mình đã hiểu chưa, thực tiễn sẽ diễn ra thế nào. Tự soi chiếu bản thân giúp chúng ta hiểu sâu hơn bản chất vấn đề.

Sinh viên đừng ngại ngần nếu thấy mình chưa rõ, chưa hiểu để hỏi bạn, hỏi thầy cô. Trường ĐH là một nơi rất an toàn để các em mắc lỗi, phạm sai lầm và thất bại. Đó là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Ra trường rồi mới phạm sai lầm thì giá phải trả sẽ rất đắt. Do đó, PGS.TS. Bùi Đức Thọ khuyến nghị sinh viên tập trung nghe giảng, đọc tài liệu, học để hiểu bản chất vấn đề, có khả năng soi chiếu vào thực tiễn và phân tích, đánh giá vấn đề.

Về kỹ năng, trường cũng tạo điều kiện tốt cho sinh viên rèn luyện. Không thể có kỹ năng bằng đọc sách, đọc giáo trình mà phải thực chiến. Thầy cô có thể hỗ trợ một phần như kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều kỹ năng khác các em phải học để sẵn sàng trong tương lai. “Hãy cháy hết mình, làm hết sức có thể, đừng toan tính sẽ thấy mình trưởng thành lúc nào không biết".

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc, Tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam chia sẻ về các yếu tố để lao động sẵn sàng tham gia thị trường lao động. Theo đó, con đường phát triển năng lực để thành công trong sự nghiệp được thể hiện ở cấp độ khác nhau.

Cũng trong tọa đàm, ông Long đưa ra câu hỏi cho sinh viên: "Theo các em yếu tố nào quan trọng nhất để sẵn sàng tham gia thị trường lao động? Kiến thức chuyên môn, kỹ năng hay thái độ?".

z5977723547304-8fdd3bd6cfa2a7fa484434065551a781.jpg
Nhiều thông tin hữu ích cho sinh viên được các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.

Trả lời câu hỏi này trong vòng 30 giây, 231 bạn cho rằng thái độ, hành vi là quan trọng nhất; 132 bạn cho rằng kỹ năng là quan trọng nhất và 95 bạn cho rằng kiến thức là quan trọng nhất.

Ông Long cho hay: Khi đi học, năng lực chia thành 2 loại: hành vi và chuyên môn. Khi đi làm, doanh nghiệp phân năng lực thành 3 loại: lãnh đạo, chuyên môn và cốt lõi.

Khi còn là nhân viên mới, năng lực chuyên môn đóng vai trò quan trọng, có vai trò quyết định 70 – 80% đến thành công trong công việc. Nhưng càng lên các vị trí cao hơn, như quản lý cấp trung và quản lý cấp cao thì năng lực hành vi càng có vai trò quan trọng hơn. Những người lãnh đạo là những người có năng lực hành vi rất mạnh.

Qua khảo sát của EY với một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam với trên 20.000 lao động, các năng lực hành vi doanh nghiệp này yêu cầu đối với nhân viên đầu tiên là ý thức trách nhiệm với công việc rồi lần lượt là: Tư duy phân tích và khả năng thực thi; tính sáng tạo trong công việc; năng lực lãnh đạo; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng tin học; kỹ năng ngoại ngữ…

"Có một thông điệp tôi mong muốn các em biết, khi chọn một chuyên ngành rồi phải kiên định với nó, nghiên cứu sâu về nó. Đừng bị áp lực đồng trang lứa, thấy cái này cái nọ hay hơn thì thay đổi. Ví dụ, cách đây 5 năm các bạn ra trường rất thích làm marketing cho doanh nghiệp bất động sản và chứng khoán nhưng vừa rồi thị trường thoái trào, rất nhiều nhân sự phải nghỉ việc, phải chấp nhận thay đổi.

Nhìn trong tương lai chúng ta sẽ thấy rất nhiều ngành nghề có vẻ sang trọng. Ví dụ cách đây 3-4 năm chúng ta ào ào học về data. 2 năm vừa rồi nhân sự chuyên sâu về data đang bị thất nghiệp vì đủ rồi. Tại Việt Nam, cách đây 3 năm, các bạn làm IT rất đắt hàng, lương cao. Nhưng giờ nhiều bạn làm IT đang thất nghiệp.

Tôi nghĩ rằng chúng ta hãy đừng vội vàng chạy theo trào lưu, hãy tự tin, kiên định, đào sâu một con đường mình đã chọn để trở thành người chuyên nghiệp", ông Nguyễn Việt Long chia sẻ.

Báo cáo Tương lai việc làm năm 2023 (Future of Jobs Report 2023) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 23% số công việc sẽ biến đổi vào năm 2027, và khoảng 14 triệu việc làm sẽ mất đi.

EY 2024 Work Reimagined Survey tiến hành tại 23 quốc gia trên toàn cầu cũng cho thấy hình dung về sự nghiệp, công việc, nơi làm việc đã thay đổi đáng kể so với nhận thức trước đây.

Thực tế này đặt ra yêu cầu phải thay đổi về cả cách dạy và cách học trong nhà trường cũng như việc bồi đắp các kỹ năng phù hợp để thích nghi với những đòi hỏi mới của thị trường lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.