Sinh viên điều dưỡng Anh muốn bỏ học vì sao?

GD&TĐ - Gần 50% sinh viên ngành điều dưỡng Anh muốn bỏ học do chi phí sinh hoạt cao và áp lực công việc.

Ngành y tế Anh thiếu trầm trọng y tá, điều dưỡng.
Ngành y tế Anh thiếu trầm trọng y tá, điều dưỡng.

Tình trạng trên khoét sâu vào khủng hoảng nguồn nhân lực ngành y trên cả nước.

Theo báo cáo của Hiệp hội Cao đẳng Điều dưỡng Hoàng gia Anh (RCN), 46% sinh viên ngành điều dưỡng, chiếm 32 nghìn người, cân nhắc nghỉ học trước khi tốt nghiệp.

Chi phí sinh hoạt là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng trên. Hiện nay, sinh viên ngành điều dưỡng đóng học phí hơn 9 nghìn bảng mỗi năm.

Một sinh viên năm ba ngành điều dưỡng tại Lancashire, Anh, cho biết: “Tôi nhận ra mức lương sau khi tốt nghiệp đã trừ hết nợ học phí chỉ bằng số tiền tôi đã kiếm được hồi làm thêm ở cửa hàng thức ăn nhanh năm 18 tuổi. Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian, công sức và nước mắt cho một ngành học đến kiệt sức trước khi tốt nghiệp”.

Nguyên nhân tiếp theo khiến nhiều sinh viên muốn bỏ học là do chứng kiến áp lực của nhân viên y tế. Nhiều điều dưỡng gặp vấn đề về sức khoẻ tâm lý, thể chất và phải nghỉ việc hoặc về hưu sớm. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng thiếu lao động trong lĩnh vực y tế tại Anh hiện nay. Cuộc khủng hoảng được đánh giá là tồi tệ nhất lịch sử ngành y.

Ông Wes Streeting, lãnh đạo Bộ Y tế thuộc phe đối lập, nhìn nhận: “Y tá là xương sống của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh nên thật đáng lo ngại khi gần 50% sinh viên điều dưỡng cân nhắc bỏ học”.

GS Nicola Ranger, quyền Tổng thư ký và Giám đốc điều hành RCN, chia sẻ: “Điều dưỡng là nghề có trình độ cao và kỹ năng tốt nhưng thế hệ điều dưỡng tiếp theo đang cân nhắc bỏ nghề trước khi tốt nghiệp. Chính phủ cần tìm cách ngăn chặn việc sinh viên điều dưỡng bỏ nghề”.

Theo kế hoạch lực lượng lao động dài hạn của Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) năm 2023, nước này muốn tăng lực lượng điều dưỡng từ 350 nghìn lên 550 nghìn vào năm 2036 - 2037. Anh đã xây dựng chương trình học nghề điều dưỡng nhằm mở rộng việc đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên số lượng tuyển sinh mới ngành điều dưỡng bắt đầu giảm trong khi sinh viên bỏ dở việc học đại học. Chương trình nghề cũng thu hút ít người đăng ký, trong đó, năm 2023, số lượng người đăng ký giảm 20%. Vì vậy, trong tương lai, NHS có thể thiếu hàng chục nghìn y tá đào tạo mới.

Theo chuyên gia Ranger, chính phủ nên tài trợ học phí cho sinh viên điều dưỡng và tái áp dụng chế độ hỗ trợ duy trì toàn dân. Trước đây, sinh viên điều dưỡng được hưởng chế độ ưu đãi học phí nhằm khuyến khích nhiều người tham gia vào lực lượng y tế. Tuy nhiên, chính sách trên đã bị huỷ bỏ nên gánh nặng tài chính chuyển sang người học.

“Sinh viên điều dưỡng là tương lai của dịch vụ chăm sóc sức khoẻ nhưng họ cần sự hỗ trợ từ chính phủ. Họ không nên gồng gánh những khoản nợ học phí khổng lồ và vật lộn với chi phí sinh hoạt”, GS Ranger nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề đào tạo mới nguồn nhân lực, việc giữ chân lực lượng lao động hiện nay cũng là vấn đề cần quan tâm. Bởi lẽ, sinh viên Anh sẽ nhìn vào chất lượng công việc, mức lương, phúc lợi của các đồng nghiệp để so sánh và cân nhắc việc gia nhập lực lượng lao động.

Tại Anh, số lượng sinh viên ngành điều dưỡng bắt đầu giảm từ năm 2021 - 2022 khi dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng và ngành y tế nước này phải đối mặt với khủng hoảng nghiêm trọng. Sau dịch Covid-19, chi phí sinh hoạt tăng cao do lạm phát khiến sinh viên một lần nữa không thể tiếp tục việc học.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.