Sinh viên chế thiết bị giúp xe máy đi trong đường ngập nước

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Mô hình xe mô tô chống ngập nước' là đề tài của sinh viên Trần Lê Phước, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM.

Trần Lê Phước (trái) giới thiệu hệ thống chống ngập tích hợp vào xe máy với các sinh viên cùng trường.
Trần Lê Phước (trái) giới thiệu hệ thống chống ngập tích hợp vào xe máy với các sinh viên cùng trường.

Trước tình trạng triều cường gây ngập úng nhiều tuyến phố, nhất là trong giờ cao điểm gây tắc đường, hỏng xe, sinh viên Trần Lê Phước đã chế tạo hệ thống ngăn nước vào ống xả, bugi, tách nước và khí…

Thiết kế tăng khả năng chống nước

“Mô hình xe mô tô chống ngập nước” là đề tài của sinh viên Trần Lê Phước, Khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. ThS Trần Hoàn, Khoa Công nghệ Điện - Điện tử là người hướng dẫn.

Trần Lê Phước chia sẻ: “Nhận thấy người dân rất vất vả mỗi khi có triều cường hoặc mưa lớn, em nghĩ đến sản phẩm giúp xe máy đi được ở đường ngập nước. Đó là thiết bị phải hỗ trợ động cơ xe máy không bị tắt khi mực nước cao hơn ống xả. Tránh tình trạng nước tràn vào nơi hòa khí, phun xăng; bảo vệ tuổi thọ của động cơ; hạ nhiệt độ của động cơ khi hoạt động quá sức... mà giá thành rẻ, nguyên liệu dễ kiếm”.

Khi nước ngập ống xả, nếu tài xế nhấn ga ở tốc độ quá thấp hoặc không nhấn ga, khí đẩy ra chậm, thì nước sẽ chui vào làm tắc đường thoát dẫn đến khả năng chết máy. Do nước vào ống hút gió, xuống chế hòa khí hòa với xăng làm xe không thể nổ được. Xe chết máy còn do bugi bị nước vào. Để xe không chết máy thì phải xử lý từ các nguyên nhân này.

Trần Lê Phước cho biết, bugi là bộ phận đánh lửa của động cơ, nếu sử dụng lâu ngày bugi sẽ bị ám muội đen khiến lửa đánh yếu đi dần. Phước mày mò tìm hiểu nguyên lý hoạt động xe để thiết kế hệ thống chống ngập.

Cậu cho rằng, bugi và ống xả là hai bộ phận đầu tiên ảnh hưởng việc xe tắt máy. Khi nước vào xe, bugi sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên do không đánh lửa. Điều này dẫn đến việc xe tắt máy, khiến nước vào ống xả.

Phước nghiên cứu chế tạo nắp chụp bugi làm bằng vật liệu cao su dẻo với thiết kế ôm sát nhằm tăng khả năng chống nước. Ống xả được thay đổi cách hoạt động so với sản phẩm thông thường. Cậu thiết kế theo nguyên lý hộp kín úp ngược vào nước. Khi đó nước sẽ không chảy vào bên trong.

Từ nguyên tắc này, Phước chế tạo ống xả có ba khoang khác nhau, có cơ chế hoạt động tương tự nguyên lý úp ngược để áp lực bên trong luôn lớn hơn áp lực bên ngoài. Nước sẽ không vào được bên trong ống xả, hoặc có thì cũng rất ít, khi đầy một khoang mới chảy qua khoang khác.

Ống xả sẽ không có lỗ thông hơi như các loại xe truyền thống mà gắn một ốc có thể tháo lắp để xả nước, đảm bảo bên trong kín. Theo Phước, việc thiết kế ống xả khác sẽ không ảnh hưởng hoạt động của xe.

Giải bài toán cồng kềnh khi lắp thêm ống xả

Để tăng khả năng chống ngập, Trần Lê Phước thiết kế hệ thống tách nước theo dạng ống đặt trước bình xăng của xe. Khi nước ngập qua bình xăng, hệ thống tách nước và không khí sẽ hoạt động nhằm tách nước với khí bên ngoài riêng biệt để không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của máy.

Khi nước tách ra sẽ chảy qua khoang chứa được trang bị công tắc cảm biến. Lúc có nước, máy bơm một chiều sẽ đẩy nước từ bên trong ra ngoài nhằm ngăn bình chứa nước quá nhiều sẽ bị hút ngược nước vào bên trong buồng đốt.

Với hệ thống này, xe máy đang tắt vẫn có thể khởi động lại khi bị ngập nước. Theo Phước, hệ thống đáp ứng yêu cầu với xe ngập trong hầm chung cư hay khi người dân để xe trong nhà bị ngập. Sản phẩm có thể giúp xe đi qua chỗ ngập không bị tắt máy. Trong trường hợp xe tắt máy, họ chỉ cần dắt lên hết chỗ ngập vẫn có thể khởi động lại chạy bình thường.

PGS.TS Trương Quang Vinh, chuyên gia điện - điện tử, Phó Giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế, Đại học Bách khoa TPHCM, đánh giá cao sản phẩm nghiên cứu. Ông cho rằng, sản phẩm có sự hoàn thiện về mô hình xe máy có hệ thống tách nước và khí xả để chống ngập.

Thử nghiệm trong bể nước chứng minh sản phẩm hoạt động tốt. Tuy nhiên, theo ông để được ứng dụng thực tế, sản phẩm phải phù hợp trải nghiệm người dùng bởi việc gắn thêm hệ thống mới vào xe sẽ tăng độ cồng kềnh, ảnh hưởng các quy chuẩn về xe máy và nguy cơ mất an toàn. Ngoài ra cần có một cơ quan chuyên môn đánh giá về tính ứng dụng của giải pháp để phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam.

“Mô hình xe mô tô chống ngập nước” giành giải Nhất Cuộc thi sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2023 của Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM. Trần Lê Phước cho biết, sau thành công này, em sẽ tiếp tục nghiên cứu để tối ưu hóa sản phẩm, khắc phục các nhược điểm và tăng thời gian thử nghiệm đánh giá trong nhiều điều kiện ngập nước khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.