Sinh nhật tuổi 21 đáng sợ

GD&TĐ - Tại sao hàng trăm nghìn sinh viên Mỹ sợ đến ngày sinh nhật thứ 21 của họ? Lý do, khi đủ 21 tuổi, nhiều người sẽ không còn được bảo vệ bởi “Thị thực lao động” theo quy định nhập cư của Mỹ.

Điều đó có nghĩa, nhiều sinh viên nhập cư Mỹ có thể bị trục xuất nếu không tìm được cách hợp pháp khác để ở lại.

“Những kẻ mộng mơ được lưu hồ sơ”

Lakshmi Parvathinathan.
Lakshmi Parvathinathan.

Hầu hết sinh viên đại học phấn khích đến nỗi không thể chờ đợi sinh nhật thứ 21 của mình, nhưng Lakshmi Parvathinathan lại… vô cùng sợ hãi! Vì đây là thời điểm mà mọi thứ cô đã hy sinh cả đời có thể biến mất.

“Tất cả bạn bè người Mỹ của tôi đều hào hứng nói về ngày bước sang tuổi 21 nhưng tôi rất sợ ngày đó”, cô thú nhận. Ngày 21 tuổi được gọi là “già đi” và các chuyên gia ước tính có khoảng 200.000 người như Parvathinathan đang sống trong tình trạng bất an.

Được đến Mỹ hợp pháp khi còn nhỏ, nhiều người tìm cách ở lại đất nước mà họ yêu mến nhưng số không may buộc phải rời Mỹ vì không còn chọn lựa nào khác ngày càng tăng.

Tự ví mình là “Những kẻ mộng mơ được lưu hồ sơ” (Documented Dreamer) họ lấy hoàn cảnh của mình ra minh chứng cho sự “lỗi thời” của hệ thống nhập cư và luật nhập cư Mỹ.

Dip Patel, 25 tuổi, một dược sĩ nói: “Ngay cả những người nhập cư hợp pháp cũng phải đối mặt với các trở ngại không thể vượt qua”.

Anh là người sáng lập tổ chức Improve the Dream (Cải thiện giấc mơ) mà các thành viên là “Những kẻ mộng mơ được lưu hồ sơ” với mục đích: Kêu gọi Quốc hội và chính quyền Biden giúp cứu vãn tương lai của họ. “Hầu hết mọi người không biết gì cả về tình trạng bấp bênh của chúng tôi và sự tồn tại dai dẳng của nó.

Đó là một đứa trẻ nhập cư được đưa đến Mỹ một cách hợp pháp, được thụ hưởng tất cả các chương trình giáo dục của nước Mỹ, nhưng khi trưởng thành lại không có cơ hội trở thành một công dân Mỹ đích thực”, anh nói.

Những nạn nhân của luật lệ lỗi thời

Dip Patel.
Dip Patel.

Theo Julia Gelatt, nhà phân tích chính sách cấp cao tại Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute), ngày càng có nhiều người trở thành nạn nhân của hệ thống nhập cư cũ kỹ. Một lý do chính, tình trạng tồn đọng rất lớn số đơn xin thẻ xanh, đặc biệt là đơn xin từ ứng viên gốc Ấn (có khi phải mất hàng chục năm mới được nhận đơn!).

Điều đó có nghĩa là nhiều người đến Mỹ từ lúc còn nhỏ đang chờ đợi đến lượt gia đình họ xin thẻ xanh khi họ đã bước sang tuổi 21. Tại thời điểm đó, con cái trưởng thành của những người có thị thực hợp pháp vào Mỹ không còn được xem là “người phụ thuộc” nữa.

Họ không còn được “ăn theo” cha mẹ nữa và bị buộc phải tìm cách khác để ở lại Mỹ hợp pháp. Bên cạnh đó là các gia đình đến Mỹ bằng thị thực “lao động tạm thời” cũng không bao giờ đủ điều kiện để nộp đơn xin quy chế thường trú.

Con cái thuộc hai nhóm nhập cư trên không được bảo vệ bởi luật Deferred Action for Childhood Arrivals (DACA- hoãn trục xuất những người đến Mỹ lúc còn bé) được ban hành thời Tổng thống Barack Obama với mục đích cấp giấy phép lao động và bảo vệ khỏi bị trục xuất cho hàng trăm nghìn người nhập cư không có giấy tờ được đưa đến Mỹ từ lúc còn nhỏ.

Gelatt nói: “Các Documented Dreamer chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của luật nhập cư lỗi thời của hệ thống nhập cư Mỹ, vốn không còn phù hợp với thực tế nhập cư hiện nay”.

Tìm lối thoát nhờ Improve the Dream

Các thành viên của Improve the Dream hy vọng sẽ khắc phục được vấn đề này. Họ đến Washington DC nhiều lần để vận động Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua dự luật nhập cư mới để giúp các Documented Dreamer có cơ hội được thường trú. Cụ thể là các trường hợp đã sống hợp pháp ở Mỹ ít nhất 10 năm bằng visa hợp pháp và tốt nghiệp đại học.

“Chúng tôi chỉ hy vọng có một tương lai và đóng góp cho đất nước mà chúng tôi gọi là quê hương” - Patel nói. Đối với Parvathinathan, nếu cuộc vận động không thành công, hậu quả sẽ rất khủng khiếp.

Cô sinh viên 19 tuổi năm thứ hai chuyên ngành Sinh học tại Đại học Drexel ở Philadelphia đang sống khó khăn trong khi chờ “thị thực du học” để học lên bác sĩ. Nhưng nỗi lo sợ về tương lai luôn hiện hữu trong đầu cô.

Đến Mỹ lần đầu khi mới 3 tuổi, Parvathinathan không muốn bị buộc phải từ bỏ công sức của mình và trở về Ấn Độ, nơi cô có cảm giác là “người nước ngoài” vì đã ra đi quá lâu. Parvathinathan nói: “Tôi cố xin thị thực sinh viên để có thể ở lại Mỹ sau sinh nhật thứ 21.

Nhưng 14 tháng sau khi nộp đơn, tôi vẫn chưa có hồi âm. Nhưng tôi vẫn hồi hộp chờ và nghĩ là mình sẽ hét lên khi thấy xuất hiện thông báo email trên màn hình điện thoại di động. Nó ám ảnh đến mỗi ngày”.

Gelatt thuộc Viện Chính sách Di trú (Migration Policy Institute) giải thích: “Xin thị thực sinh viên có thể khó khăn đối với những Documented Dreamer bởi vì người nộp đơn phải chứng minh họ không có ý định ở lại Mỹ.

Yêu cầu này gần như không thể đối với những thanh thiếu niên đã dành phần lớn trưởng thành trên đất Mỹ. Ngay cả khi lấy được thị thực sinh viên, họ vẫn chưa hết lo vì giải pháp tình thế này chỉ giúp có thêm thời gian trong khi tìm ra cách tạm thời khác để ở lại nước Mỹ”.

“Điển hình” Erin Crosbie

Anagh Kulkarni.
Anagh Kulkarni.

Anagh Kulkarni, sinh viên Đại học bang Ohio sẽ bước sang tuổi 21 vào tháng 1/2022 nói: “Giống như bạn đang chết đuối, cứ sau vài năm lại ngoi lên thở sâu một lần rồi lại bị kéo xuống. Tôi sợ sẽ không thể vào được trường y và trở thành bác sĩ vì tình trạng nhập cư của mình. Tôi biết cơ hội là rất ít.

Là một sinh viên quốc tế có nghĩa là hầu hết các trường y khoa của Mỹ sẽ không chấp nhận tôi. Thuộc diện “phụ thuộc thị thực” và không có kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện, giấy phép lao động để ở lại Mỹ khó lòng đến với tôi. Tôi không biết liệu mình có tương lai ở đất nước này không dù tôi làm những gì tốt nhất mà nước Mỹ muốn”.

Đó cũng là trường hợp mà Erin Crosbie từng gặp sau khi sống ở Florida gần 17 năm và lấy được bằng y tá tại Đại học South Florida. Xin được một thị thực sinh viên để ở lại Mỹ sau sinh nhật thứ 21 nhưng khi ngày hết hạn sắp đến, cô bắt buộc phải tìm được một “thị thực lao động”.

Crosbie nhớ lại: “Đại dịch càng khiến tôi quyết tâm trở thành một y tá chăm sóc những ca nguy kịch. Tuy nhiên, những nơi tôi nộp đơn đều nói rằng họ không thể tuyển vì tình trạng nhập cư của tôi. Mỗi cuộc điện thoại bị từ chối lại khiến tôi thêm chán nản.

Họ từ chối không phải vì tôi đã làm sai điều gì đó hoặc không đủ trình độ phù hợp mà là lý do khác, nằm ngoài tầm kiểm soát của tôi và tôi cảm thấy bất lực hoàn toàn. Tôi không còn lựa chọn nào khác là quay về Bắc Ireland vào mùa hè sau khi khẳng định là không còn cách nào để ở lại Mỹ”.

“Liều thuốc độc” với cả hai đảng

Nỗi đau không thể nguôi ngoai. Cha mẹ Crosbie, ông bà Nigel và Alison Crosbie cho biết cuộc chia ly thật đau lòng. Họ đến Mỹ năm 2004 theo thị thực E-2 dành cho các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp Mỹ. Lúc đó Erin 7 tuổi và em gái Morgan 3 tuổi.

Người mẹ than thở: “Cách duy nhất để gia đình đoàn tụ lại là bán doanh nghiệp ở Florida do chúng tôi xây dựng trong 17 năm qua và quay về Bắc Ireland. Thật bực mình khi chúng tôi đã làm mọi thứ một cách hợp pháp mà con gái vẫn bị xua đuổi.

Quốc hội Mỹ có thể tạo ra sự thay đổi, nhưng nhận được sự trợ giúp từ Washington là không dễ. Vấn đề nhập cư dường như là liều thuốc độc đối với bất kỳ chính trị gia nào muốn nhúng tay vào.

Bất kể đảng nào cầm quyền cũng sẽ đá trái banh sang sân đối phương. Họ không nhận ra sự vô lý của luật nhập cư đối với cuộc sống của những người bị chia cắt hoặc có nguy cơ bị chia cắt.

Parvathinathan cảm thấy lạc quan sau chuyến thăm gần đây đến Washington cùng với các thành viên khác của Improve the Dream. Họ đã chia sẻ câu chuyện với các nhà lập pháp của cả hai đảng và hy vọng đầu năm sau sẽ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng để thông qua.

Nhưng bất cứ sự thay đổi nào cũng có thể đối mặt với khó khăn tại Thượng viện, nơi hai đảng ngang phiếu và phiếu quyết định thuộc về Phó Tổng thống Dân chủ. Vì vậy, Parvathinathan luôn tự nhắc nhở “Hãy kiên nhẫn!”.

Theo The Atlantic 12.2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ