Sinh khí mới cho giáo dục Bảo Yên

Sinh khí mới cho giáo dục Bảo Yên

(GD&TĐ) - Trải qua hơn nửa chặng đường triển khai thực hiện, phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” ở Bảo Yên (Lào Cai) đã đạt được những kết quả khả quan, nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự hỗ trợ của các ban, ngành, các tổ chức xã hội; cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh hưởng ứng tích cực; môi trường học tập thân thiện hơn, chất lượng dạy học có nhiều chuyển biến tích cực.  

Học sinh Bảo Yên (ảnh minh họa: Internet)
Học sinh Bảo Yên (ảnh minh họa: Internet)

Thật vậy, không chỉ các nhà trường thuộc khu vực thị trấn, trường chuẩn quốc gia như Mầm non Hoa Mai, Hoa Hồng thị trấn Phố Ràng, Tiểu học số 1 Long Khánh, Tiểu học số 2 Kim Sơn, THCS số 1 Phố Ràng, Phổ thông Dân tộc Nội trú mà các trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất cũng đã từng bước tạo môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn. Qua kiểm tra đánh giá kết quả tại 80 trường trên địa bàn huyện đã có 16% đạt loại xuất sắc, 40% loại tốt, 33% loại khá và chỉ còn 11% trường loại trung bình.  

Sau hơn 3 năm thực hiện phong trào và có sự kết hợp giữa các cuộc vận động khác, đến nay toàn huyện đã có 24 trường Mầm non, 31 trường tiểu học, 25 trường THCS và 100% trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên có nguồn nước sử dụng hợp vệ sinh. Tỷ lệ trường có phòng y tế tăng lên đáng kể. Đa số nhà trường có khuôn viên, có cây xanh bóng mát, vườn hoa cây cảnh. Từ tháng 9/2008 đến nay, các nhà trường đã trồng được 15.580 cây bóng mát tại khuôn viên nhà trường.

Cho dù còn gặp rất nhiều khó khăn về nguồn kinh phí, song do tác động tích cực của phong trào, nên nhiều trường đã có cách làm sáng tạo, như Trường tiểu học xã Tân Dương, Tiểu học Lương Sơn, THCS số 1 Xuân Hòa, THCS Tân Dương đã phát động mỗi năm, mỗi cán bộ giáo viên góp 1 chậu hoa, cây cảnh. Sau hơn 3 năm đã có hàng trăm chậu hoa cây cảnh quý làm đẹp cảnh quan nhà trường.

Nếu năm học 2008-2009 là năm tập trung tạo sự chuyển biến căn bản cơ sở vật chất, cảnh quan, môi trường giáo dục theo hướng thân thiện; thì năm học 2009-2010, ngành giáo dục chỉ đạo tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và năm học 2010-2011 là năm đẩy mạnh tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập, hoạt động.

Thực hiện các chủ đề nói trên, năm học 2009-2010, các cơ sở đã có nhiều giải pháp giảm học sinh yếu kém, mà điển hình là thành lập “câu lạc bộ Toán, câu lạc bộ Tiếng Việt”. Các cuộc hội thảo về nâng cao chất lượng, công tác giáo viên chủ nhiệm… được tiến hành. “Giờ học tốt” không còn là khẩu hiệu, mà thực sự đi vào các hoạt động chuyên môn của các nhà trường, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong dạy và học.

Trong hơn 3 năm qua, toàn ngành đã có 5.404 tiết học ứng dụng CNTT. Giáo dục kỹ năng sống được 100% nhà trường lồng ghép trong các buổi ngoại khóa, hoạt động ngoài giờ lên lớp với 747 buổi đối với khối các trường thuộc phòng Giáo dục và 84 buổi đối với các trường Trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên. 

Song song với bồi dưỡng kỹ năng tự bảo vệ, học sinh còn hình thành kỹ năng ứng xử văn hóa, phòng ngừa bạo lực trường học, kỹ năng tham gia giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội. Các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống… được đưa vào nhà trường qua các buổi thể thao, văn hóa văn nghệ… đã tạo điều kiện cho những giá trị văn hóa các địa phương vào nhà trường.

Việc các nhà trường nhận chăm sóc các di tích lịch sử văn hóa địa phương, chăm sóc gia đình thương bình, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng… không chỉ là những ngày công tính ra bằng tiền hoặc hiện vật cụ thể, mà cao hơn giúp cho học sinh nhận thức tốt hơn về lịch sử, danh lam thắng cảnh địa phương và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Theo thống kê đã có 3/3 di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, 2/2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, 2 nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ; 160 gia đình thương binh, liệt sĩ được các nhà trường nhận chăm sóc. 

Có thể khẳng định, tác dụng tốt của phong trào trong các mặt hoạt động của ngành giáo dục từ nâng cao chất lượng giáo dục đến các hoạt động xã hội mà phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đã tạo ra. Tuy nhiên, đến nay toàn ngành vẫn còn một số trường cơ sở vật chất còn thiếu; nguồn kinh phí xây dựng công trình vệ sinh, các phòng chức năng còn hạn hẹp. Việc tổ chức các hoạt động tập thể còn đơn điệu; công tác giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh chưa mang lại hiệu quả tích cực; việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội trong thực hiện còn hạn chế. 

Hi vọng, với quyết tâm cao của ngành GD&ĐT Bảo Yên, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ban ngành đoàn thể và toàn xã hội, chắc chắn phong trào thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” trên địa bàn huyện trong thời gian tới sẽ ngày càng đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, góp phần vào sự nghiệp “trồng người” để tiếp tục đào tạo những thế hệ con người Việt Nam “vừa hồng, vừa chuyên”, kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Phạm Anh Tuấn 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ