Sinh động ngày hội trò chơi dân gian học đường

GD&TĐ - Đến với các trường học miền núi trong những ngày đầu tháng Ba, chúng tôi được chứng kiến những hoạt động GD sinh động của giáo viên và HS. Càng có ý nghĩa hơn, khi các hoạt động GD trong nhà trường có sự tham gia của các nghệ nhân, phụ huynh HS.

Sinh động ngày hội trò chơi dân gian học đường

Phong phú và đa dạng

Đến với ngày hội trò chơi dân gian năm học 2017 - 2018 cho HS và giáo viên được Phòng GD&ĐT phối hợp với Huyện đoàn Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) tổ chức trong khuôn viên Trường THCS Trần Phú (xã Tam Đàn), chúng tôi được tham gia trải nghiệm cùng các hoạt động vui chơi sôi động, hấp dẫn của giáo viên, HS và phụ huynh. Ngày hội diễn ra với phong phú các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Thầy Lương Văn Túy - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú - bày tỏ: Trong thời buổi công nghệ thông tin hiện nay, việc HS đam mê trò chơi điện tử mà quên đi những trò chơi dân gian là điều không thể tránh khỏi. Ngày hội nhằm GD và tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa dân gian qua các trò chơi. Ngoài ra, qua đó còn giúp nhà trường thực hiện tốt công tác GD truyền thống văn hóa dân tộc trong xu thế hội nhập quốc tế, rèn luyện kỹ năng sống và nâng cao chất lượng GD toàn diện cho HS.

Với đặc điểm của một trường miền núi có điều kiện tổ chức các hoạt động GD còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, trong những năm vừa qua, với mục tiêu tuyên truyền nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử, văn hóa cho HS dân tộc thiểu số, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, huyện biên giới Tây Giang) đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động GD đạo đức, nhân cách cho HS thông qua các trò chơi dân gian, lễ hội mang đậm chất văn hóa địa phương.

Cô giáo Hồ Thị Tâm - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi - chia sẻ: Việc tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ dân gian như bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, nhảy bao bố, nói lý, hát lý, trình diễn trang phục truyền thống… tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, đồng thời cũng là dịp để HS dân tộc thiểu số gìn giữ phong tục tập quán.

Điều đặc biệt là các hoạt động này, ngoài sự tham gia đông đảo thầy cô giáo, HS, còn nhận được sự hưởng ứng của các già làng, trưởng bản am hiểu nghệ thuật này đến tham dự.

Hoàn thiện môi trường GD

Nói về các hoạt động GD phẩm chất, đạo đức, lối sống cho HS, thầy Võ Đăng Chín – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Trà Don (huyện Nam Trà My) - cho hay: Với chủ trương chuyển mục tiêu GD từ truyền thụ kiến thức một chiều sang trang bị kiến thức, kỹ năng, năng lực, phẩm chất cho HS, trong thời gian qua, nhà trường đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tích cực tổ chức các hoạt động GD ngoài giờ, GD trải nghiệm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo cho HS.

Trong đó chú trọng phát triển năng lực, phẩm chất cho HS thông qua lồng ghép dạy học tích hợp, linh hoạt tổ chức chương trình GD địa phương. Nhằm phát huy các giá trị văn hóa, di tích lịch sử cách mạng tại địa phương, góp phần rèn luyện kỹ năng sống, giúp HS thích ứng với môi trường xung quanh, chủ động xử lý các tình huống thường gặp, đồng thời biết sống yêu thương, chia sẻ, sống khỏe mạnh, an toàn; từ đó, góp phần nâng cao chất lượng GD toàn diện cho HS.

Không dừng lại ở việc đưa nội dung GD lịch sử, văn hóa địa phương vào giảng dạy, năm học này, nhà trường còn mời các nghệ nhân truyền dạy các điệu múa cồng chiêng cho các em HS.

Có thể nói, các hoạt động GD đạo đức, lối sống cho HS đã cụ thể hóa được chủ trương, đường lối đổi mới hoạt động dạy học, đẩy mạnh thực hiện công tác phối hợp giữa gia đình – nhà trường – xã hội trong việc GD HS, xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ