Singapore: Chuyện góp nhặt dưới chân đài sư tử phun nước

Singapore: Chuyện góp nhặt dưới chân đài sư tử phun nước

Từ hôm ấy trở đi, tôi bắt đầu cảm nhận những điều nhỏ nhặt giữa thành phố được nén chặt này, bên dưới đài sư tử phun nước…

Những ý niệm lịch sử thú vị

Ngày thứ hai ở Singapore, khi Thủ tướng Lý Hiển Long chưa livestream trấn an dân chúng về bệnh dịch viêm phổi lạ mới xảy ra, tôi vẫn còn bình thản ngồi cùng trăm họ xem nhạc nước lúc 20 giờ ở Marina Bay. Khi tiếng đì đùng cất lên, ánh đèn đủ màu từ trung tâm thương mại và hai bên bờ bắt đầu hắt lên màn nước phun.

Những biểu tượng cổ kính và hoa văn kỳ ảo cứ ẩn hiện giữa đôi cánh thần điểu bay về non cao. Tiếng nhạc uy nghiêm và tao nhã trong khung cảnh những tòa cao ốc rực rỡ bao quanh mặt vịnh như đưa tất cả lùi xa hàng thế kỷ trầm mặc.

Hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình tượng của nghệ thuật trình diễn mang một ý niệm mạnh mẽ về khởi thủy và kiến quốc. Những ý niệm này nhanh chóng tràn ngập tâm trí, khiến tôi lơ lửng vào một không gian truyền thuyết kỳ vĩ. Trong khi mới cách đó vài tiếng thôi, tôi còn mê mải ngắm nhìn điệu vũ rumba của những người ngoại quốc da màu dưới chân một tòa nhà ngay bên bờ vịnh. Lúc ấy khoảng 17 giờ, là một sự kiện ngoài trời hiếm hoi của nhãn hiệu bia có cái tên trớ trêu – Corona.

Không chỉ riêng màn trình diễn nhạc nước cho đại chúng mỗi đêm, nhiều dịch vụ của người Singapore cố gắng gây ấn tượng mạnh mẽ tới du khách bằng cách khơi gợi những ý niệm tương tự. Đối với họ, có lẽ lịch sử cũng là một dạng tài nguyên đặc biệt.

Khi bạn bước chân vào bảo tàng hải dương ở khu S.E.A Aquarium, có bốn nhà thám hiểm đứng chào bạn trên màn hình. Họ được người hiện đại đóng vai, đứng thuyết giảng về hải trình giữa một không gian đầy thư tịch, bảo vật, bản đồ và dụng cụ hàng hải. Tôi nhận ra hai người trong số họ, gồm có Marco Polo từng đến thăm khả hãn Nguyên Mông và Trịnh Hòa từng nhân danh Đại Minh đế triều chu du đến Nam Dương đảo quốc.

Tốn thêm 3 đô la Singapore, tôi xuống “khoang thuyền” là một phòng chiếu 3D. Họ diễn lại cảnh hai cha con nhà hàng hải nhận chỉ dụ và bảo vật ngự ban (chiếc cốc bằng vàng) của hoàng đế, rồi băng mình trên nghìn trùng hải lý. Khi cơn cuồng phong ập đến, không một thuyền viên nào sống sót. Chiếc cốc vàng từ từ chìm sâu xuống đáy biển, nơi có giấc mộng viễn dương tan tành bọt sóng và đàn sứa đạp nước trỗi lên ngụ ý cho khát vọng chinh phục muôn đời. Ở bên ngoài, nước còn phun đến ướt cả mặt.

Sau trải nghiệm ở S.E.A Aquarium, tôi về khu Orchard bằng MRT nối chuyến. Băng qua đại lộ, tôi bước đến con đường mòn tên Emerald Hill, nơi có những dãy nhà hai tầng mang phong cách kiến trúc hải trấn cổ pha trộn giữa Trung Hoa và Địa Trung Hải, nằm im lìm giữa chốn phồn hoa. Sự náo nhiệt đô thành của Orchard Center, kế bên tư dinh Thủ tướng, nhắc chúng tôi về một đời sống khác ở Little India. Đó lại là những trắc trở lịch sử khác…

Những gam màu

Singapore: Chuyện góp nhặt dưới chân đài sư tử phun nước ảnh 1
Kiến trúc cổ của khu phố Emerald Hill.

Năm 1965, Singapore rời khỏi Liên bang Malaysia. Ba mươi năm sau, bằng đường lối quản trị được cho là khắc nghiệt, cùng với sự tập trung tinh hoa, đảo quốc này trở thành con rồng châu Á. Thành quả đó, đương nhiên, đưa Lý Quang Diệu trở thành nhà chính trị lỗi lạc, một tượng đài kỹ trị xuất chúng đương thời.

Vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Đặng Tiểu Bình đã dùng những lời lẽ khiêm nhường để ca ngợi yếu tố “tư bản chủ nghĩa” thành công trong mô hình quản trị quốc gia Singapore. Ngày nay, người ta nói đến quốc đảo này nhiều hơn qua những đường phố tinh tươm, những tuyến MRT dọc ngang, sân bay Changi hiện đại bậc nhất. Và quan trọng hơn, triết lý cầm quyền đậm chất Á Đông ở một nước tư bản được những người như nhà báo Tom Plate tụng ca trong series “Những người khổng lồ châu Á”.

Sự phát triển thần kỳ của một quốc đảo, sau khi chơi vơi giữa cuộc phân ly lịch sử, thể hiện tính chính danh không thể chối cãi cho di sản chính trị của nhà họ Lý. Đó là một sự thật lịch sử, một phần tri thức hiện đại của một cộng đồng mà những thế hệ khát khao tạo dựng kỳ tích mai sau có quyền ngưỡng vọng.

Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn lật úp chiếc mề đai, sẽ thấy thêm một sự thật khác được nén chặt. Sự thật đó, nằm sau đợt biểu tình bùng phát năm 2013 ở khu Tiểu Ấn và (có thể) lẩn khuất trong… một toa lét bốc mùi của trung tâm thương mại cũ kỹ ngay khu này.

Tại đó, tôi đọc được trên cánh cửa dòng chữ khắc vội vã, vuông vức đầy hằn học... Rõ ràng, tiếng nói bất đồng chính kiến có tồn tại, dưới nhiều hình thức, kể cả phi lý trí. Những điều này không hề nhỏ nhặt.

Trong tương lai gần, như năm 2025 - một thế hệ lớn lên, người Singapore và những du khách như tôi có quyền góp nhặt những mảnh sử rời để đặt dấu hỏi cho lịch sử phát triển của cộng đồng nước họ. Vì cha ông họ đã có nhiều bất đồng chưa thể giải quyết được, bên cạnh một bộ phận nhân dân đơn độc và phẫn uất, lựa chọn phản ứng phi chính trị.

Dừng chân để chiêm nghiệm trước một cái toa lét là điều quá vớ vẩn đối với một du khách. Tuy nhiên, hiểu biết lịch sử để định vị tâm thế của bản thân trong một thời đại là chuyện khó khăn đối với một người. Cảm nhận về sự thật lịch sử, nếu không có tri thức, óc quan sát, sự bao dung và nỗi trăn trở vô tư thì không tài nào hiểu được quy luật của lịch sử. Không có những nghi vấn liên tục đặt ra cho lịch sử, thì lòng người vẫn cứ chật hẹp.

Không phải tự nhiên mà tôi thích du lịch tự túc đến một quốc gia. Vì khi du hí như vậy, tôi mới có dịp quan sát và suy ngẫm nhiều hơn về đời sống kinh tế - xã hội của những con người xứ lạ. Giữa những dòng thông tin thác lũ được chứng kiến mỗi ngày và trong suy nghĩ miên man bất tận, tôi cảm nhận nhiều gam màu sáng tối, thứ cảm giác mà sách vở một chiều khó có thể bù đắp được. Điều này cũng giống như hào quang trên đại lộ Orchard không thể nào làm phai mờ dấu tích tại khu Tiểu Ấn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.