Cú sốc mang tên “cấm kẹo cao su”
Sau khi tách khỏi Malaysia vào năm 1965, Singapore, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Lý Quang Diệu, có tham vọng lớn là trở thành một “ốc đảo biệt lập của thế giới thứ nhất trong một khu vực thuộc thế giới thứ ba”.
Donald Low, một học giả về chính sách công và học thuật của Singapore giải thích: “Là một quốc gia mới độc lập, khao khát thu hút đầu tư nước ngoài, ông Lý tin rằng chính những ý tưởng táo bạo sẽ tạo ra sự khác biệt cho Singapore so với phần còn lại của Đông Nam Á.
Tại lễ phát động chiến dịch “Keep Singapore Clean” năm 1968, ông Lý công bố sáng kiến chống xả rác, trong đó nêu rõ trách nhiệm chính là của người dân. Bài phát biểu của ông đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc mới, nêu cao tinh thần tập thể mà ông xem là quan trọng để đạt được các mục tiêu chính phủ đề ra.
Ông Lý tin chắc khi điều kiện môi trường của quốc gia - thành phố này được cải thiện mạnh mẽ, sự thu hút của Singapore đối với các nhà đầu tư nước ngoài cũng như khách du lịch sẽ góp phần mở ra một thời kỳ tăng trưởng kinh tế “chưa từng có”.
Những năm gần đây, Singapore thường đứng đầu toàn cầu trong các cuộc thăm dò xếp hạng an toàn cá nhân và chất lượng sống. Nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao của Singgapore được xếp hạng “một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu”.
Không nơi nào mang lại cho người nước ngoài cảm giác về sức sống hiện đại của quốc đảo này hơn Khu thương mại Trung tâm Singapore. Nơi đây có các tòa tháp văn phòng sáng bóng, cao vút với hàng ngàn cơ quan và công ty quốc tế.
Sát bên là các khách sạn sang trọng đẳng cấp thế giới và điểm du lịch Vịnh Marina do Moshe Safdie thiết kế. Ngay cả ông Lý nếu còn sống cũng khó mường tượng về một Singapore hiện đại như hôm nay.
Chuyện kể lại, có lúc ông Lý từng khó chịu, khi bất chấp những thành tựu của đất nước, ông thường bị hỏi về lệnh cấm nhai kẹo cao su trong các cuộc phỏng vấn của truyền thông nước ngoài.
Ông không nghĩ lệnh cấm sẽ làm thế giới chú ý khi ban hành vào năm 1992 với lý do: Chi phí tẩy rửa xác kẹo cao su tại những nơi công cộng, như hệ thống MRT (giao thông công cộng) mới hoàn thành, tăng quá cao.
Nay, việc nhai kẹo cao su đã được phép, nếu bạn vô tình mang vào một thỏi kẹo ăn dở trong hành lý sẽ không bị tống vào tù. Tuy nhiên, việc nhả xác kẹo bừa bãi và buôn bán vẫn bị cấm. Theo Low, luật cấm kẹo cao su thực sự khá bất thường về mặt hoạch định chính sách của Singapore.
“Nay, thay vì cấm hoàn toàn cái gì đó, chính phủ thường sử dụng biện pháp khuyến khích các hoạt động tạo ra lợi ích cho xã hội, kể cả tưởng thưởng tài chính. Ví dụ như chính sách thuế carbon, được thiết kế để hạn chế phát thải khí CO2 và khuyến khích áp dụng các giải pháp năng lượng sạch thay thế”, ông nói.
Từng được tờ The New York Times mô tả là một đất nước “sạch đến mức cả xác kẹo cao su cũng được kiểm soát chặt chẽ”, Singapore nổi tiếng với những con đường trải nhựa hoàn hảo, những công viên công cộng được chăm sóc cắt tỉa cẩn thận và những con đường sạch đẹp, hầu như không có rác sinh hoạt vương vãi.
Nhưng danh tiếng ngăn nắp sạch sẽ của đảo quốc nhỏ bé này không chỉ là một “ý tưởng thẩm mỹ đơn thuần mang tính phô trương hình thức” kiểu phong trào mà nó còn đồng nghĩa với sự tiến bộ xã hội, tăng trưởng kinh tế và gần đây nhất là thành công trong cuộc chiến chống Covid-19.
Low nhận định: “Danh tiếng sạch sẽ của Singapore, cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, là điều mà chính phủ cố gắng tăng cường một cách có ý thức. Sự trong sạch mang hai ý nghĩa: Sạch sẽ về thể chất, môi trường và sạch sẽ về một xã hội và chính phủ trong sạch không dung thứ cho các hành vi tham nhũng”.
Có một Singapore cũ nhưng vẫn sạch
Nếu có dịp đến khu Geylang nổi tiếng với các món ăn địa phương tuyệt vời (chuyên gia ẩm thực Anthony Bourdain đã nói về trải nghiệm thú vị khi ông đến ăn ở đây vào năm 2001) và là khu đèn đỏ duy nhất được hợp pháp hóa trong thành phố.
Bạn sẽ bất ngờ khi thấy không hề có một “Singapore khác bẩn thỉu” như mường tượng mà chỉ tương đối “bình dân” với các đường phố nhỏ được thắp sáng bằng những biển hiệu đèn huỳnh quang cũ kỹ.
Một người dân địa phương nói: “Hãy xem Geylang là phần dưới của Singapore, đối nghịch với những tòa nhà chọc trời lịch lãm ở Khu Thương mại Trung tâm”. Tại Geylang, dù không khí rất khác, du khách vẫn không cảm thấy nguy hiểm hoặc tình trạng vô pháp nhờ có 500 camera an ninh được bố trí khắp nơi.
Một cư dân nói: “Du khách thường tò mò tìm đến “Singapore thực sự” trước khi đất nước chúng tôi trở nên sạch sẽ. Geylang không sạch hẳn nhưng nó cũng không làm mất đi ấn tượng về sự sạch sẽ và ngăn nắp của đảo quốc”.
Cách phản ứng của Singapore đối với dịch Covid-19 được nhiều quốc gia hoan nghênh. Nhưng việc xử lý đại dịch của nó không hoàn toàn là “phản ứng nhất thời” mà đã được chuẩn bị trước bằng hạ tầng vệ sinh công cộng tiên tiến suốt một thời gian dài.
Ông Tai Ji Choong - Giám đốc Vệ sinh công cộng tại Cơ quan Môi trường quốc gia Singapore, giải thích: “Chúng tôi đã đào tạo từ lâu nhân viên cách khử trùng các bệnh truyền nhiễm ngay trước khi bị Covid-19 tấn công.
Đây cũng là một môn học của Đại học Bách khoa Singapore từ năm 2017. Các nhân viên được cập nhật thường xuyên kỹ năng và kiến thức về kỹ thuật khử trùng, xử lý chất khử, quy trình an toàn và sử dụng đúng các thiết bị bảo hộ cá nhân khi đương đầu với dịch bệnh truyền nhiễm. Vì vậy khi gặp ca Covid-19 đầu tiên, chúng tôi có thể bắt tay ngay vào việc mà không lúng túng”.
Singapore cũng triển khai hiệu quả các giải pháp công nghệ y tế công cộng như ứng dụng di động theo dõi việc mang khẩu trang; máy quét thân nhiệt thông minh và những chú chó robot tuần tra các công viên công cộng để kiểm tra giãn cách xã hội và tiếp xúc trái phép.