(GD&TĐ) - Mỹ, Canada, Na Uy và Nga đều có lực lượng hải quân tại các vùng biển ở Bắc Cực. Mỗi nước đều có những tuyên bố khẳng định chủ quyền, đều có hồ sơ gửi lên Liên Hiệp Quốc yêu cầu xác nhận chủ quyền của mình dựa vào các qui ước thềm lục địa và luật biển. Hành động này được đẩy nhanh trong thời gian gần đây vì nhiều lý do khác nhau, từ việc Bắc Cực ngày càng dễ tiếp cận hơn nhờ băng tan, đến việc khan hiếm tài nguyên cần nguồn bổ sung mới. Nhưng động thái mới đây của Nga về việc xây dựng một thành phố siêu hiện đại (ultra-modern city) trên một hòn đảo băng giá nằm trong Vòng tròn Bắc cực tranh chấp đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Trạm không gian tại Bắc cực
Điểm xây dựng siêu đô thị của Nga nằm trên đảo Kotelny thuộc quần đảo Novosibirsk (còn gọi là Siberia mới) cách Cực Bắc 1.000 dặm. Tổng diện tích đảo Kotelny khoảng 23,165 km², thuộc một trong 50 nhóm đảo lớn nhất thế giới. Phần phía tây rộng 11.665 km² có tên Đảo Ấm (Kettle Island) là khu vực lớn nhất của nhóm đảo, nơi thích hợp nhất để xây dựng siêu thành phố Umka.
Dự án siêu thành phố là động thái mới nhất của Điện Kremlin trong một loạt sự kiện gần đây để khẳng định chủ quyền của nước Nga tại một khu vực nhiều tài nguyên dầu khí và khoáng sản chưa bị bàn tay con người chạm tới nằm dưới lớp băng giá. Siêu thành phố vẫn còn trên đề án, Umka lấy theo tên con gấu con trong phim hoạt hình thời Liên Xô cũ. Theo dự trù, thành phố sẽ có 5.000 dân này sinh sống dưới mái vòm bảo vệ trước cái lạnh ít khi nào trên âm 30 độ C. Khi kiến trúc sư Valery Rzhevskiy trình bày bản thiết kế cho Thủ tướng Vladimir Putin, ứng viên tổng thống tương lai, ông tiết lộ: “Thành phố có tầm quan trọng chiến lược như tiền đồn phía bắc của nước Nga”. Với nhiệm vụ như vậy, cư dân của thành phố sẽ chẳng có ai khác hơn là binh lính, các cảnh vệ biên giới, các nhân viên mật vụ, nhà khoa học và các nhà thám hiểm Bắc Cực. Ai muốn có thể đưa gia đình đi kèm.
Thiên đường của các cư dân
Vì gọi là siêu thành phố, nên Umka cung cấp một cuộc sống có thể nói là xa hoa cho những người làm việc ở đó, tình nguyện hoặc được điều động. Ngoài mô hình khí hậu biết tự điều chỉnh được, thành phố còn có nhiều “đặc tính” lý thú khác. Kiến trúc sư Rzhevskiy phấn chấn nói với các phóng viên: “Thành phố có đầy đủ phòng thí nghiệm, có nhà ở, có công viên, khách sạn, nhà thờ, trường học và các tổ hợp vui chơi giải trí khác. Dĩ nhiên, nhà trẻ, bệnh viện và các cơ sở thể thao cũng phải có”. Được ví von như “thành phố kỳ quan”, Umka có kinh phí xây dựng cũng thuộc loại “kỳ quan”: khoảng 4 tỉ bảng Anh (hơn 6,3 tỉ USD). Gió mạnh buốt giá đã biến Kotelny thành một trong những nơi “thù địch” nhất hành tinh đối với cuộc sống của con người. Ngay cả vào tháng 7, nhiệt độ cũng hiếm khi “ấm” hơn 0 độ C. Một điều thú vị khác là Umka được thiết kế theo mô hình Trạm Không gian Quốc tế (ISS), nhưng lớn hơn nhiều về diện tích và qui mô. Nó dài khoảng 1,6 km và rộng 750 mét. “Cho đến nay, Umka là dự án duy nhất trên thế giới mà con người có thể điều chỉnh được khí hậu để đáp ứng tất cả các nhu cầu cuộc sống; giống như những gì đang diễn ra trên Trạm Không gian Quốc tế ISS, nhưng còn nhiều và phong phú hơn thế nữa” - Rzhevskiy phấn chấn - “Umka không chỉ là đột phá mới về kiến trúc mà còn là đột phá về môi trường sống của con người. Chúng tôi sử dụng cả công nghệ hàng không và không gian trong quá trình thiết kế siêu thành phố”. Theo đề án, nguồn điện cho thành phố sẽ do một trạm điện hạt nhân nổi cung cấp. Thành phố có các nông trại tự cung cấp cá và thịt gia cầm; các nhà kính trồng trọt, nhà máy chế biến lúa mì và bánh nướng. Đặc biệt là thành phố sẽ không có rác vì tất cả rác thải ra đều được tái chế thành tro.
Phát sinh tranh chấp mới
Các công ty thăm dò quặng mỏ và dầu khí sẽ tập trung làm việc ở đây. Lý do đơn giản, chúng được hưởng lợi nhiều nhất từ Umka. Vì vậy, chi phí xây dựng thành phố sẽ do các công ty này đóng góp. Dù chưa rõ khi nào siêu thành phố mới khánh thành, nhưng chỉ nội việc công bố dự án cũng đủ làm “nóng” các tranh chấp cũ tại Bắc Cực. Nhiều nước liên quan đã gửi đơn lên LHQ với chứng lý lịch sử đòi quyền khai thác mỏ ở đây, nhưng phải chờ vài năm nữa LHQ mới đưa ra phán quyết. Năm 2007, các nước phương Tây bắt đầu quan tâm hơn đến hành động của Nga, sau khi nhà thám hiểm Artur Chilingarov cắm cờ Nga xuống đáy biển Bắc như cách xác lập chủ quyền. “Chúng tôi phải chứng minh cho mọi người biết Bắc Cực là phần mở rộng của lãnh thổ Nga rộng mênh mông” - Chilingarov tuyên bố sau khi cắm cờ. Năm nay, một tổ chức nghiên cứu chính trị của Canada đã cảnh báo về nguy cơ tranh chấp chủ quyền tại khu vực, thậm chí ông khẳng định “một cuộc chạy đua vũ trang mới đã bắt đầu”. Mỹ, Nga, Na Uy, Canada đều tăng cường sự hiện diện hải quân tại Bắc Cực, từ khi diện tích băng giá tại Bắc Cực thu hẹp dần, để lộ ra những thủy lộ đi lại dễ dàng hơn trước. “Một cuộc chiến tranh lạnh mới nếu xảy ra tại Bắc Cực sẽ rất lạnh, trừ tại Umka” - một nhà phân tích ví von.
Khi xem mô hình siêu thành phố Umka, Thủ tướng Nga đã nhìn thấy tương lai của nước Nga tại khu vực băng giá này. Cùng với các giàn khoan dầu ngoài khơi, Nga còn nhiều dự án lớn nhỏ khác, nhưng tất cả đều để cho các nhà khoa học bám trụ và làm việc song song với việc bảo vệ lãnh thổ, chống lấn chiếm. Umka đã được mang ra trưng bày để lấy ý kiến dư luận. “Thay vì thám hiểm một giai đoạn ngắn rồi về, các nhà thám hiểm có thể bám trụ lâu dài tại Bắc Cực sau khi Umka mở cửa đón họ. Chúng ta có thể tưởng tượng họ được sống trên Trạm không gian quốc tế ISS hay “Thành phố Mặt trăng” trong truyện tranh” - một khách tham quan nhận định.
Cam kết của Nga
Trong khi các nhà thiết kế Nga vẫn tiếp tục hoàn thiện Umka thì có thêm một nỗ lực mới khám phá lộ trình “Northern Sea Route” đi qua biển Bắc, với thời gian du hành ngắn hơn nhiều từ châu Âu đến châu Á (có thể giảm được 10 ngày). Ngày 22.9, Thủ tướng Vladimir Putin đã đến thăm Arkhangelsk, thành phố chủ nhà hội nghị quốc tế mang tên Cuộc đối thoại “The Arctic: Territory of Dialogue”. Trong cuộc tiếp xúc video từ xa với dàn khai thác dầu Prirazlomnaya, ông Putin nhắc lại cho thế giới biết là ai từng cai quản Bắc Cực, một vùng lãnh thổ bao la có thể sản xuất 6,5 tỉ tấn dầu mỗi năm. Công ty dầu khí Gazprom lớn nhất của Nga đã có kế hoạch khai thác 11 tỉ tấn khí từ khu vực này vào năm 2030. Tại hội nghị, ông Putin cam đoan là các dự án dầu khí của Nga sẽ không ảnh hưởng đến môi sinh mỏng manh của Bắc Cực. “Chúng ta phải bảo đảm là khu vực này vẫn còn đậm tính thiên nhiên cho các thế hệ mai sau” - ông nói. “Chúng ta cần bảo vệ càng nhiều càng tốt các thể sống trên hành tinh trước các biến đổi khí hậu diễn biến không ngừng, kể cả tại Bắc Cực” - ông nhấn mạnh. Để chứng minh “lời nói đi đôi với việc làm”, ông Putin đã ra lệnh mở chiến dịch lớn dọn dẹp Bắc Cực để tống khứ những vật bỏ đi và chất thải độc hại từ thời các nhà thám hiểm Liên Xô. Kinh phí đợt đầu cho dự án khoảng 2,3 tỉ rúp. Các dân làng trên đảo Spitsbergen và Wrangel Island đang chờ trở về nhà. Trước khi nghĩ đến Umka, Nga đã từng xem xét việc xây dựng một ngôi làng hình vòm khép kín bên trong một mỏ kim cương bỏ hoang tại Siberia. Một lần nữa, trên trang web của mình, Thủ tướng Putin cũng hứa duy trì khu vực Bắc Cực trong tình trạng tự nhiên của nó và ông hứa sẽ xây dựng một thành phố vòm (domed city) ở đây.
Hồng Hải
(Theo Express.co.uk và Daily Mail)