Siết chặt điều kiện nạo phá thai

GD&TĐ - Lâu nay, nạo phá thai được coi là một trong những biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên nhiều người lạm dụng nạo phá thai để sinh con theo ý muốn hoặc nạo phá thai liên tục do không chủ động dùng biện pháp tránh thai, do thiếu hiểu biết… làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mỗi cá nhân, xa hơn và quy mô dân số của cả nước.

Siết chặt điều kiện nạo phá thai

Không thích là… bỏ

Mang thai, có con là thiên chức, đặc quyền của người phụ nữ. Phần lớn mọi người đều vui mừng khi biết mình mang thai và chú ý chăm sóc sức khỏe để thai nhi khỏe mạnh. Hạnh phúc vỡ òa khi đứa con chào đời. Nhưng với không ít người, mang thai, có con lại là nỗi sợ. Đó có thể là phụ nữ đã có 2 con nhưng không may vỡ kế hoạch, nhà lại không có điều kiện hoặc giới trẻ sống theo quan điểm yêu nhanh, ngủ sớm mà không quan tâm đến các biện pháp tránh thai.

Không có nhu cầu sinh con nên để giải quyết hậu quả của việc vỡ kế hoạch, mọi người thường tìm đến phòng khám,bệnh viện với mong muốn chấm dứt thai kỳ. Với thai nhi ít ngày tuổi, bác sĩ có thể cho dùng thuốc hoặc dùng thủ thuật. Việc làm trên có thể thực hiện ở phòng khám tư với điều kiện có bác sĩ chuyên khoa. Thai nhi trên 12 tuần tuổi, bác sĩ khuyến cáo nên vào bệnh viện để thực hiện các xét nghiệm cũng như có đội ngũ bác sĩ sản khoa cùng các phương tiện cần thiết. 

Tuy nhiên, nhiều người lỡ “ăn cơm trước kẻng”, đến bệnh viện sợ bị lộ nên liều mình ở phòng khám tư. Người may mắn gặp bác sĩ có tay nghề, sức khỏe bản thân lại tốt thì bỏ thai thành công, còn người không may thì gặp biến chứng như sót thai, chảy máu, viêm nhiễm sau nạo hút, thậm chí bị vô sinh. Cũng có người đã lập gia đình, có đủ con nhưng muốn thêm quý tử nên năm lần bảy lượt… bỏ thai nhi là gái. Hậu quả, chưa có thêm con nhưng mẹ bị kiệt sức, vô sinh do nạo hút quá nhiều lần.

Hạn chế phá thai: Cần nghiên cứu kỹ

Nạo phá thai vẫn là thủ thuật cần có trong công tác dân số để thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng như sàng lọc thai nhi mắc bệnh bẩm sinh. Tuy nhiên, trong tình hình mới, khi người dân dễ dàng tiếp cận với phương tiện tránh thai, những người làm công tác dân số muốn hướng người dân đến việc chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai, hạn chế nạo hút để bảo vệ sức khỏe, sinh con theo ý muốn. Do vậy, Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) đề xuất 2 phương án nhằm siết chặt điều kiện nạo phá thai ở nước ta hiện nay.

Phương án 1 quy định tuổi thai dưới 12 tuần tuổi thì được phá thai trừ trường hợp phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người phá thai. Phương án 2, với thai từ 12 tuần trở lên sẽ bị cấm, trừ các trường hợp mang thai gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của thai phụ, thai nhi; do thất bại trong sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng lâu dài, do loạn luân, bị hiếp dâm, người chưa thành niên, người chưa kết hôn hoặc có những bằng chứng về nguy cơ sinh ra những đứa trẻ có dị tật…

Theo bác sĩ Nguyễn Kim Dung (Trung tâm Y khoa Thái Hà, Hà Nội) đồng tình với quy định cấm phá thai trên 12 tuần tuổi, trừ trường hợp đặc biệt bởi sẽ hạn chế được tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, đồng thời hạn chế những nguy cơ về sức khỏe với thai phụ. 

Còn bác sĩ Trần Tuấn, GĐ Trung tâm Nghiên cứu- đào tạo và phát triển cộng đồng, quy định cấm phá thai trên 12 tuần tuồi về khoa học là hợp lý nhưng với trường hợp đặc biệt như thai dị tật thì có thể dựa vào kỹ thuật y khoa sẽ biết nhưng với người phá thai to do lựa chọn giới tính thai nhi, loạn luân, hiếp dâm thì dựa vào đâu để xác minh hoặc kết quả xác minh có chính xác. Mặt khác, việc làm trên mất nhiều thời gian, đến lúc được phép phá thì thai nhi quá lớn, không thể can thiệp. 

Như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của sản phụ. Bác sĩ Tuấn cho rằng, quy định cấm phá thai trên 12 tuần tuổi liên quan đến quyền sinh sản của mỗi người nên cần nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng gây khó cho cơ quan quản lý lẫn người dân hoặc tránh tình trạng vừa ban hành xong lại phải sửa.

-Mỗi năm trên thế giới có khoảng 80 triệu phụ nữ có thai ngoài ý muốn trong tổng số 210 triệu phụ nữ mang thai. Trong số này có khoảng 46 triệu phụ nữ phải nạo phá thai, chỉ có 27 triệu ca nạo phá thai hợp pháp và số còn lại là 19 triệu ca bất hợp pháp.

-Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi từ 15- 19, trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên. Riêng tại Hà Nội, tỷ lệ thanh thiếu niên nạo phá thai chiếm trên 22%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ