SEQAP góp phần tăng lượng và chất đội ngũ giáo viên tiểu học

GD&TĐ - Đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy môn chuyên biệt, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng yêu cầu có đủ giáo viên các môn học cho trường tiểu học; đồng thời, thí điểm đào tạo giáo viên trình độ trên ĐH thành các chuyên gia về giáo dục tiểu học là một trong những nhiệm vụ của Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP).

SEQAP góp phần tăng lượng và chất đội ngũ giáo viên tiểu học

Báo cáo tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (2010 - 2016) đánh giá: Hoạt động đào tạo trong khuôn khổ SEQAP đã góp phần quan trọng khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên một số môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cả về số lượng và sự bất cập chất lượng, cản trở chính cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học.

Hoạt động đào tạo đã hỗ trợ cả khu vực trong và ngoài SEQAP để giải quyết vấn đề có ý nghĩa chiến lược này. Đồng thời, bổ sung các giải pháp và kinh nghiệm giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số chưa thạo tiếng phổ thông khi vào học tiểu học.

Kết quả đạt được góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng toàn diện cho giáo dục tiểu học, bước đi tất yếu trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục tiểu học để từng bước hội nhập với giáo dục tiểu học thế giới.

Hoàn thành vượt mức chỉ số đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy chuyên biệt

Thực hiện đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo trong nước, SEQAP đã tiến hành tổ chức đào tạo bồi dưỡng thí điểm giáo viên dạy các môn chuyên biệt gồm giáo viên Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục - Công tác Đội, Ngoại ngữ, Tin học; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thí điểm giáo viên dạy tiếng 4 dân tộc thiểu số có chữ viết (Mông, Chăm, Jrai, Khmer).

Việc đào tạo giáo viên dạy 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số nói trên xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các tỉnh tham gia SEQAP. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, SEQAP chọn cách phối hợp với các trường sư phạm để đào tạo ngắn hạn tập trung, với mục tiêu sớm có một đội ngũ giáo viên cốt cán dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các tỉnh nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số của 4 thứ tiếng, nhằm hỗ trợ cho các giáo viên khác khi triển khai dạy học cả ngày (FDS).

Đối tượng tham gia đào tạo bồi dưỡng là giáo viên tiểu học người dân tộc bản địa hoặc người thành thạo tiếng dân tộc thiểu số bản địa đang dạy ở các trường tiểu học tham gia SEQAP có đông học sinh dân tộc thiểu số. Học xong các học viên lại quay về trường cũ dạy tiếng dân tộc thiểu số theo SGK của Bộ GD&ĐT và họ đã áp dụng ngay những điều tiếp thu được vào thực tế dạy học.

Sau các lớp bồi dưỡng thí điểm, các trường sư phạm đã hoàn thành việc chỉnh sửa 4 chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy các môn chuyên biệt và 4 chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số ở tiểu học.

Theo đánh giá trong báo cáo tổng kết Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (2010 - 2016), SEQAP đã hoàn thành vượt mức các chỉ số đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy các môn chuyên biệt (410/400) và giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số (201/150) theo quy định của Hiệp định.

SEQAP cũng đã hoàn chỉnh 4 chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn chuyên biệt và 4 chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số theo hướng phát triển năng lực người học, tổ chức các hoạt động giáo dục đáp ứng được yêu cầu của FDS và chương trình giáo dục tiểu học sau năm 2018. Các chương trình này đã được nghiệm thu và có thể sử dụng để bồi dưỡng giáo viên trong các năm học tiếp theo.

Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học đồng thời đã có kiến nghị về các giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên dạy các môn chuyên biệt và dạy tiếng dân tộc thiểu số trong lộ trình chuyển đổi trường tiểu học sang FDS và việc thực hiện chương trình giáo dục tiểu học mới sau năm 2018.

Tạo nguồn hình thành đội ngũ chuyên gia về giáo dục tiểu học

Với hoạt động đào tạo cán bộ quản lý giáo dục ở nước ngoài, sau khi kế hoạch triển khai hoạt động được Bộ GD&ĐT phê duyệt, SEQAP đã tiến hành thông báo tuyển sinh đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ tại Singapore và Australia. Trong năm 2012, đã xét cử 3 học viên đi học thạc sĩ tại Australia, năm 2013, xét cử tiếp 6 học viên đi học thạc sĩ tại Australia.

Trong suốt quá trình theo học, Ban quản lý SEQAP và các học viên luôn giữ mối liên hệ mật thiết. Đến năm 2014 và 2015, lần lượt các học viên đã tốt nghiệp thạc sĩ và đều đạt loại giỏi. Các học viên đã được làm thủ tục để trở về đơn vị cũ tiếp tục công tác.

Học viên thạc sĩ do SEQAP đào tạo đều được sự tin cậy của đơn vị, được giao nhiều công việc quan trọng. Trong đó, thạc sĩ Ngàn Thị Phương Loan đã được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa 14 (năm 2016) thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Tuy nhiên, SEQAP đã không đạt chỉ tiêu về số lượng đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ ở nước ngoài. Nguyên nhân là do giáo viên của các Sở GD&ĐT, giảng viên các trường ĐH sư phạm, CĐ sư phạm có thể chọn cử đi đào tạo nguồn tuy có số lượng dồi dào nhưng trình độ ngoại ngữ nói chung, trình độ tiếng Anh nói riêng còn yếu, phần lớn không đạt yêu cầu trình độ ngoại ngữ qua kỳ kiểm tra. Đây cũng là điều cần rút kinh nghiệm về việc chuẩn bị nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ