Thăng Long tứ trấn, thật may lại có một Kim Liên vốn đã nức tiếng, nay còn nổi bật giữa một hình tượng thiêng liêng.
“Đồng Lầm có vải nâu non/ Có hồ cá rộng, có con sông dài”, câu ca ấy chính nói về làng Đồng Lầm nay là phường Phương Liên (Đống Đa – Hà Nội). Đồng Lầm, có lẽ chẳng phải đi tìm nguyên cớ sâu xa gì để giải thích, người tinh ngôn hiểu ý sẽ thấy ngay đó là địa danh gọi chếch của từ “đầm lầy”.
Ông Phạm Gia Ngọc, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội phường Phương Liên cho biết, làng Đồng Lầm còn gọi là làng Kim Liên. Vào thời nhà Lý, làng thuộc phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long. Đến năm 1619, dưới triều Lê Thần Tông, làng Đồng Lầm đổi thành Kim Hoa, tức bông hoa vàng. Năm 1841, làng đổi thành Kim Liên với ẩn ý là bông sen vàng vì kỵ húy tên mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa. Tên gọi đó tồn tại cho đến bây giờ.
Kho báu đình cổ
Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, hình ảnh hổ phù ngậm chữ Thọ là biểu tượng của sự trường tồn mãi mãi. Còn hổ phù nhả Trăng là biểu hiện của sự no ấm, được mùa bội thu, bởi Việt Nam là đất nước có nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Đất lành chim đậu, chốn thiêng dựng đình – trên “bông sen vàng” có đình Kim Liên là một trong bốn trấn thiêng đất kinh thành xưa. Chuyện về ngôi đình cổ nổi tiếng này, nhiều người cũng đã từng nghe, mà những bia đá lẫn sắc phong cùng những bức đại tự câu đối còn hiển hiện chốn thiêng là minh chứng rõ nhất về một thuở vàng son danh trấn.
Nhưng có lẽ, đình Kim Liên giống như một kho báu cổ vô tận không bao giờ khai quật hết. Lớp trầm tích của văn hóa xưa ẩn hiện trong những bức tường trát mật, lẫn hòa vào từng thớ gỗ cột đình, và tỏa sáng suốt cả nghìn năm trên bầu trời lịch sử. Nhưng, có ai biết đâu khi từng chi tiết, điểm nhấn của đình đều mang một thông điệp sâu sắc cả về nhân sinh lẫn nghệ thuật.
Trong một câu chuyện dài với ông Phạm Gia Ngọc, người rất am hiểu về văn hóa Kim Liên, chúng tôi mới dần được vỡ vạc về hình tượng hổ phù sen hóa, hay còn gọi là hoa sen hóa quỷ ở hai đầu nhà phương đình (nghi môn nội) và hai đầu nhà Tả vu – Hữu vu. Hình tượng cách điệu của hoa sen hổ phù, với đa số địa danh khác thì đơn giản chỉ là để gia tăng tính tín ngưỡng.
Với Đồng Lầm – Kim Liên thì đó không chỉ là hình tượng đơn thuần. Nó được nâng cấp ở một tầng văn hóa cao hơn, bởi hổ phù sen hóa cũng trùng lắp với nghĩa tên làng: Bông sen vàng. Văn hóa Kim Liên đã kéo hình tượng lạ lùng kia đến gần với văn hóa làng; và biến một hình tượng gớm ghiếc mang tính sinh học đến một hình tượng bản thể tâm linh tứ trấn.
Hổ phù trước hết là một linh vật, tuy không thuộc dòng tứ linh nhưng lại bao hàm nhiều ý nghĩa nếu xét ở chiều kích tôn giáo. Hổ phù có mắt quỷ tròn mũi sư tử, miệng nhe, răng lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm nở rộng ngậm mặt trăng hay chữ thọ, chữ hỷ, cũng có khi phun ra bông hoa. Hổ phù có hai chân bành ra hai bên bám chặt vào những đám mây, hoặc một kết cấu nào đó luôn hằn khối để biểu hiện sự hung dữ và sức mạnh thần linh.
Uống trộm nước thần
Sau một thời gian dài nghiên cứu về hình tượng hổ phù hóa sen trên tường hồi bít đốc nhà nghi môn đình Kim Liên, ông Ngọc cho rằng, người Việt có một nỗi sợ hãi tâm linh, đó là ma quỷ. Trên giáp phục tượng hộ pháp ở chùa Phật Tích, Long Đọ, trên các thành sập đá đền vua Đinh, vua Lê đều có hình ảnh của con quỷ khủng khiếp này.
Cuối thời Lê Trung Hưng, sang tới thời Nguyễn, hình ảnh quỷ La Hầu (Rahu) được phổ biến trên tất cả các không gian tín ngưỡng từ đình, đền, miếu, trên vô số các đồ lễ khí như ngai kiệu, hương án, nó xuất hiện từ không gian cung đình cho đến nhà dân. “Có lẽ tới đây, ta có thể nói rằng, sự thiếu vắng hình tượng sư tử hăm dọa, hung hãn trong mỹ thuật Việt bắt nguồn từ đời sống tâm linh của người Việt từ rất lâu, chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Ấn Độ”, ông Ngọc nhận định.
Ông Ngọc liên hệ đến một truyền thuyết khá thú vị trong những bản kinh tối cổ mô tả kỹ lưỡng về Rahu. Khi các chư thần đang khuấy sữa trường sinh, con quỷ Rahu chà trộn vào thế giới thần linh để uống trộm thứ nước thần này. Mặt trời và Mặt trăng nhìn thấy liền báo với thần Vishnu. Thần Vishnu nổi giận, ngay lập tức cắt đầu của Rahu từ cơ thể quẫy đạp của nó. Nhưng vì Rahu đã kịp nuốt sữa trường sinh vào trong miệng nên nó thoát chết, mặc dù đã mất một phần cơ thể.
Kể từ đó, nó không bao giờ tha thứ cho Mặt trời và Mặt trăng, nên thỉnh thoảng lại nuốt chửng chúng, tạo nên nhật thực và nguyệt thực. Nhưng vì đã bị chặt mất nửa thân nên Rahu không thể giữ được Mặt trời và Mặt trăng trong người. Rahu là một biểu tượng kép, trước hết nó liên quan đến sự lừa dối, tham lam, giận dữ. Nhưng vì uống trộm thuốc trường sinh bất tử nên Rahu cũng được coi là thần của may mắn, tiếng tăm, uy tín và quyền lực, sự thịnh vượng cùng tri thức tối thượng.
Ông Ngọc cho biết thêm, hình ảnh Rahu ở Việt Nam với hình ảnh “long hàm chữ thọ” là một sáng tạo riêng biệt của người Việt. Trước hết, phải khẳng định ngay rằng, trong mỹ thuật Trung Hoa hay Nhật Bản, Triều Tiên không có kiểu thức rồng ngậm chữ Thọ mà chỉ có kiểu rồng vờn chữ Thọ.
Và ngay cả trong mỹ thuật Đại Việt, từ Lê Sơ trở về trước cũng không có dạng đồ án này. Trong nghệ thuật Chăm Pa, quỷ Rahu không phải là hình ảnh phổ biến và cũng không có dạng thức lạ như đình Kim Liên. Với ý nghĩa uống được thuốc trường sinh bất tử nên Rahu trong nghệ thuật Việt đã thêm chữ Thọ đang bị nuốt nửa chừng.
Ở đình Kim Liên, “bông sen vàng” ấy được cách điệu hổ phù trong một tổng thể hoa sen. Mặt hổ phù hiện rõ những cánh sen vàng, chiếc mũi lớn chính là đài sen, ngay cả những vây nhỏ lẫn hai chân lớn cũng là hóa thân của sen. Bởi vậy, hình tượng hổ phù trên nghi môn đình Kim Liên không đem đến cho người ta sự sợ hãi; ngược lại “bông sen vàng” luôn mang lại cảm giác thiêng liêng chốn đình đền và thanh khiết của một loài có thể sẽ trở thành Quốc hoa của Việt Nam.
Nhiều khách thập phương, nhà nghiên cứu của nước ngoài đặc biệt là Ấn Độ đến đình Kim Liên đã phải thốt lên một cách lạ lùng. Họ ngưỡng phục tài trí sáng tạo trọn vẹn hình tượng “sen quỷ”, và chỉ cần một điểm nhấn này đã đủ cho thế giới thấy nền văn hóa đậm đặc của nước Việt không hòa tan, trộn lẫn mà âm thầm chìm lắng như lớp vàng ròng.
“Hình tượng hổ phù sen hóa ở đình Kim Liên thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu. Đó là một trong những hình ảnh cách điệu hiếm có của Hà Nội, và thực sự là kho báu văn hóa của đình Kim Liên nói riêng”.
Ông Phạm Gia Ngọc, Trưởng ban Văn hóa -Xã hội phường Phương Liên