Nhiều cựu tù Côn Đảo, cán bộ lão thành đến tham dự và đóng góp ý kiến để thực hiện các tượng sáp tại nhà tù Côn Đảo. Hầu hết các cựu tù Côn Đảo, cán bộ lão thành cách mạng ở Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh thành phía Nam đều thống nhất thay đổi tượng các tù nhân bằng xi măng bằng vật liệu sáp.
Việc làm trên thể hiện sự quan tâm của Đảng, nhà nước đến những cựu tù cách mạng, sự đột phá trong việc bảo tồn giá trị lịch sử.
Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lấy ý kiến thay đổi tượng tù Côn Đảo bằng vật liệu sáp. |
Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, thay thế tượng sáp nhưng vẫn phải thể hiện được tính ác liệt của nhà tù Côn Đảo, ý chí kiên cường của những người tù cách mạng. Việc thay đổi bằng sáp phải cụ thể hơn để giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu và biết được hệ thống nhà tù Côn Đảo.
Ông Khánh nói: “Phải thể hiện những hình ảnh mà ở trong tù rất ác liệt, nằm trong tù chật chội, ra là bị đánh vào là bị đánh, phải thể hiện cho được những hình ảnh đó để người ta thấy sự ác liệt của nhà tù. Cũng phải thể hiện được là nhà tù rất kiên cường nhất là mấy chị nữ tù, việc đấu tranh của họ ghê ghớm lắm”.
Tượng tù xi măng sẽ được thay thế bằng vật liệu sáp. |
Theo bà Trần Thị Huệ, quê ở Đồng Nai từng bị giam 11 năm ở nhà tù Côn Đảo, ngoài việc đảm bảo yếu tố lịch sử vấn đề thẩm mỹ cũng phải quan tâm khi thay thế tượng tù nhân bằng sáp. Bà Huệ cho rằng, trang phục của nữ tù rất quan trọng không phải lúc nào cũng áo bà ba và khăn rằng, do vậy phải quan tâm đến trang phục tù nhân đặc biệt là nữ tù, đồng thời phải thể hiện được phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam.
Nhiều cựu tù Côn Đảo nêu quan điểm, hệ thống nhà tù Côn Đảo luôn thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của người chiến sỹ cách mạng, do vậy tượng sáp phải thể hiện được sự chống trả của tù nhân khi bị đàn áp, tra tấn, thể hiện tinh thần đoàn kết đấu tranh không mệt mỏi của những người tù.