Cụ thể, trong phần sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản (đã trình Chính phủ xem xét, phê duyệt), Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất quy định cơ quan quản lý nhà nước địa phương (sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố), có thể xử phạt vi phạm của các cơ quan báo chí của trung ương nếu các đơn vị này đăng tải thông tin sai sự thật về các vấn đề trên địa bàn. Việc sửa đổi này thể hiện sự phân cấp, phân quyền rất mạnh, khác hẳn với các quy định trước đây.
Thứ hai, để chuẩn bị cho việc cấp, đổi lại thẻ nhà báo trong năm nay, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án cấp, đổi lại thẻ nhà báo, trong đó có quy định việc cấp, đổi thẻ nhà báo phải tham vấn sở thông tin và truyền thông địa phương. Như vậy, ngoài việc có ý kiến với việc cấp, đổi thẻ nhà báo thuộc cơ quan báo chí địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông có ý kiến với việc cấp lại thẻ nhà báo của phóng viên thường trú đăng ký hoạt động tại địa phương.
Thứ ba, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, bộ, ngành trung ương để các đơn vị này cùng phối hợp thực hiện quy hoạch báo chí. Việc phối hợp thực hiện quy hoạch báo chí là nhằm ngăn chặn tình trạng báo hóa tạp chí, báo chí hoạt động sai tôn chỉ mục đích.
Trong đó, ngoài việc hướng dẫn cơ quan quản lý nhà nước xử phạt cơ quan báo chí đăng tải thông tin sai sự thật, thì cơ quan hành chính nhà nước được phép từ chối không trả lời cơ quan báo chí đi tìm hiểu vấn đề không đúng tôn chỉ mục đích của báo.
Cục Báo chí cũng đã đăng tải, cập nhật rõ tên cơ quan báo chí (in, điện tử), trang tin, chuyên trang và tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí... lên Cổng thông tin của Cục để mọi người cùng tìm hiểu.
Ngoài ra, dự kiến trong tháng 6-2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật với báo in, báo điện tử để làm cơ sở cho các địa phương áp dụng đơn giá, định mức về vấn đề này.