Sẽ có "Ngày Pháp luật" Việt Nam

Sẽ có "Ngày Pháp luật" Việt Nam

(GD&TD)-Ngày 2/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Tờ trình về dự án Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Nhiều ĐBQH cho rằng GDPBPL là việc làm thường xuyên, không cần có
Nhiều ĐBQH cho rằng GDPBPL là việc làm thường xuyên, không cần có "Ngày Pháp luật"? (ảnh MH)

Dự Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật gồm 5 chương, 41 điều, quy định về nội dung, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật, cơ quan tổ chức có trách nhiệm phổ biến giáo dục pháp luật, đối tượng được phổ biến, giáo dục và các điều kiện đảm bảo cho công tác này.

Dự thảo Luật quy định cụ thể những nội dung cần phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các hình thức được áp dụng nhiều trong thực tiễn và đã được kiểm nghiệm là có hiệu quả, trong đó có họp báo, thông cáo báo chí…

Dự luật quy định 5 đối tượng đặc thù để tập trung PBGDPL gồm: người dân miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; người lao động trong doanh nghiệp; người khuyết tật; nạn nhân bạo lực gia đình, mua bán người; phạm nhân, học sinh trường giáo dưỡng.

Về việc này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị làm rõ hơn vấn đề không đưa các đối tượng khác như nông dân, người già, người nghèo là các đối tượng cũng cần tập trung PBGDPL khi họ cũng khó khăn khi tiếp cận pháp luật.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đồng tình với Chính phủ về việc ban hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao ý thức pháp luật của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

Về chủ trương lấy ngày 9/11 hàng năm là “Ngày Pháp luật” (không gọi là “Ngày Hiến pháp”) của nước ta, dự thảo quy định cả nước sẽ tổ chức đợt cao điểm về PBGDPL, đồng thời khen thưởng các cơ quan làm tốt công tác này…

Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng PBGDPL phải là công việc thường xuyên chứ không làm theo phong trào nên không cần quy định “Ngày Pháp luật” để tránh tốn kém, lại không hiệu quả.

Thẩm tra dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật nhận thấy mục tiêu của dự luật chưa được thể hiện rõ nét, phạm vi điều chỉnh của dự luật chưa nêu bật được các quy định về quyền tiếp cận pháp luật của người dân khi có nhu cầu.

Ủy ban Pháp luật cho rằng dự luật chưa đưa ra được các chính sách có tính đột phá để thực hiện hiệu quả PBGDPL. Ủy ban đề nghị cần quy định cụ thể các biện pháp xã hội hóa PBGDPL do dự luật vẫn còn quy định chung chung như “Nhà nước thực hiện xã hội hóa”, “khuyến khích”, “hỗ trợ”,…

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ