Thanh tra phải "xuất kỳ bất ý"
* Thanh tra thi là một khâu rất quan trọng của Kỳ thi THPT Quốc gia.Kỳ thi 2017, công tác này được Bộ GD&ĐT triển khai như thế nào - thưa ông?
- Ông Nguyễn Huy Bằng: Thanh tra thi là một khâu rất là quan trọng của Kỳ thi THPT Quốc gia. Vì vậy, Bộ sẽ chú trọng công tác này từ trước, trong và sau kỳ thi.Cũng như mọi năm, chúng tôi đã chủ động vào cuộc, tham mưu với lãnh đạo Bộ ban hành văn bản hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai công tác thanh tra. Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho thanh tra 63 sở GD&ĐT để thống nhất cách làm việc.
Những năm gần đây, Bộ chủ trương chuyển nội dung thanh tra tập trung vào công tác quản lý, không đi sâu vào thanh tra chuyên môn, thanh tra không làm thay chuyên môn.Tức là, thanh tra sẽ giúp các hội đồng thi làm đúng tránh nhiệm của mình theo quy chế, hướng tới cả thí sinh, giám thị và các lực lượng làm thi phải thực hiện đúng bổn phận của mình và đúng với quy chế để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi.
* Vậy ông có thể cho biết, điểm mới trong công tác thanh tra của Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay?
- Ông Nguyễn Huy Bằng:Nét mới của công tác thanh tra năm nay đó là việc các sở GD&ĐT thành lập các đoàn thanh tra trong đó có cán bộ của trường đại học tham gia. Như vậy, các trường đại học tham gia vào Kỳ thi này không chỉ với tư cách tổ chức, giám thị, giám sát mà còn trực tiếp làm công tác thanh tra.
Bộ và các sở vừa thành lập các đoàn thanh tra đến thanh tra trực tiếp các điểm thi vừa tổ chức nắm thông tin qua đường dây nóng của thanh tra Bộ và thanh tra các sở. Bên cạnh đó, Bộ còn có đoàn thanh tra thường trực tại cơ quan Bộ làm nhiệm vụ tổng hợp tình hình từ các sở, các đoàn và khi cần thiết sẽ được điều đi để thực thi nhiệm vụ.
Thanh tra không “đánh úp” nhưng phải "xuất kỳ bất ý".Tức là ai cũng sẽ phải đặt mình ở tâm thế được thanh tra bất cứ lúc nào để tự giác thực hiện đúng Quy chế. Hôm nay đoàn thanh tra đến điểm A để thanh tra, ngày mai vẫn có thể quay lại điểm này. Trong cả quá trình thi, không có ai bị loại ra khỏi đối tượng thanh tra, ai cũng phải hiểu rằng hôm nay , ngày mai đều phải tập trung làm việc thật nghiêm túc.
Đảm bảo công bằng, nghiêm túc ở từng phòng thi
* Một trong những nguyên tắc hàng đầu của kỳ thi là đảm bảo tính trung thực, khác quan và công bằng. Vậy nguyên tắc này sẽ được triển khai thực hiện như thế nào ở Kỳ thi quốc gia sắp tới?
- Ông Nguyễn Huy Bằng: Không riêng gì Kỳ thi THPT Quốc gia, mà tất cả các kỳ thi đều phải tuân thủ nguyên tắc chung là: Nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng. Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay sẽ do địa phương chủ trì, vừa có giá trị để xét tốt nghiệp THPT, vừa dùng làm căn cứ xét tuyển vào đại học cho các thí sinh.
Vì vậy, bản thân các thí sinh đã tự ý thức được tính cạnh tranh của kỳ thi. Mặt khác, Bộ cũng rất chú trọng khâu tuyên truyền, phổ biến tập huấn kỹ về quy chế thi cũng như là các công việc liên quan đến kỳ thi để các lực lượng tham gia làm thi nhận thức đúng đắn chức trách của mình. Tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh làm bài đạt kết quả cao.
Để đảm bảo công bằng, nghiêm túc cho tất cả các thí sinh ở từng phòng thi, điểm thi và trường thi thì cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng. Thứ nhất là lực lượng trực tiếp giám sát phòng thi. Quy chế quy định tối đa 7 phòng thi sẽ có 1 giám sát. Cán bộ làm giám sát sẽ có quyền giám sát cả việc làm của giám thị, các lực lượng khác và có quyền kiến nghị thay đổi giám thị nếu thấy giám thị không đảm bảo đúng quy định.
Lực lượng thứ hai là, thanh tra các sở, họ sẽ thanh tra tất cả các điểm thi.Họ thanh tra từ trưởng điểm thi cho đến giám thị. Lực lượng thứ 3 là thanh tra Bộ. Chúng tôi thanh tra tất cả các sở, các hội đồng thi để bảo đảm từ hội đồng thi đến điểm trưởng, giám thị thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình.
Năm nay, Bộ quyết định thành lập 10 đoàn thanh tra và chia theo khu vực. Thanh tra không có nghĩa là phải đi tất cả các điểm thi, mà chúng tôi làm nhiệm vụ giám sát để tác động vào cả hệ thống. Đoàn thanh tra của Bộ không nhằm trực tiếp xử lý một vài trường hợp cụ thể mà nhằm phát hiện ra những việc làm đúng và chưa đúng.
Nếu đúng thì tiếp tục chỉ đạo để làm, còn chưa đúng thì sẽ có những chấn chỉnh.bên cạnh đó, ban chỉ đạo thi cũng thành lập các đoàn kiểm tra đến trực tiếp kiểm tra một số địa phương cả khi chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi.
Thành lập đoàn thanh tra đột xuất
* Được biết, Bộ sẽ thành lập các đoàn thanh tra đột xuất.Vậy ông có thể cho biết thêm về kế hoạch này?
- Ông Nguyễn Huy Bằng: Giống như mọi năm, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra đột xuất không báo trước. Chúng tôi cũng chỉ đạo các sở GD&ĐT cũng làm như vậy. Tuy nhiên, thanh tra đột xuất cũng nên hiểu "mềm" như thế này: Giả sử Chúng tôi có đoàn thanh tra phụ trách 3 tỉnh, thì 3 tỉnh này họ sẽ biết chúng tôi đến nhưng chúng tôi đến điểm nào trong cụm thi đó thì họ sẽ không biết trước. Tương tự chúng tôi chỉ đạo Các sở cũng thành lập các đoàn thanh tranh đột xuất và làm việc theo cách phương án đó.
Thanh tra là làm việc theo pháp luật và thanh tra kết luận không suy diễn. Tất cả các khâu tổ chức Kỳ thi đều được Bộ GD&ĐT triển khai nghiêm túc, bài bản, cẩn trọng nhằm loại bỏ sự thiếu khách quan, trung thực trong thi cử.
* Kỳ thi năm nay thí sinh được mang vào phòng thi một số thiết bị ghi âm, ghi hìnhtheo quy chế thi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến người băn khoăn về quy định này?
- Ông Nguyễn Huy Bằng: Đây là việc không mới tạo điều kiện để thí sinh giám sát lại việc làm của giám thị. Thực tế hai năm vừa qua đã thực hiện bình thường.
Theo quy định, một phòng thi có 24 thí sinh và 2 giám thị coi thi . Theo đó, một giám thì sẽ từ trên bao quát từ trên xuống và một giám thị bao quát từ dưới lên. Nếu giám thị tập trung thì không khó phát hiện những bất thường của thí sinh.
Quy chế cũng quy định trách nhiệm kiểm soát rất chặt chẽ, nghiêm túc khi gọi thí sinh vào phòng thi. Cụ thể: Một giám thị sẽ gọi thí sinh vào, còn một giám thị sẽ đối chiếu ảnh, kiểm tra các thiết bị của thí sinh khi mang vào phòng thi. Như vậy, nếu các giám thị làm việc nghiêm túc thì các hiện tượngvi phạm quy chế, hiện tượng tiêu cực sẽ giảm thiểu rất nhiều.
Mặt khác, giám thị mà làm tốt công việc của mình thì giả sử có thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình (thiết bị nằm trong danh mục được phép mang vào phòng thi) thì cũng không có gì đáng ngại.
Năm nay, trong Ban chỉ đạo thi Trung ương có đồng chí lãnh đạo của Cục an ninh công nghệ cao (Bộ Công An), sẽ tham gia trực tiếp và họ sẽ có những biện pháp chỉ đạo theo ngành dọc để xử lý nếu có thí sinh vi phạm quy định sử dụng thiết bị công nghệ cao. Trong quá trình làm việc nếu phát hiện sai phạm thì phía thanh tra sẽ phối hợp với công an để xử lý.
Xin cảm ơn ông Nguyễn Huy Bằng!