Sẽ có Luật Giáo dục Đại học

Sẽ có Luật Giáo dục Đại học

(GD&TĐ)-Bộ GD&ĐT vừa công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Luật giáo dục Đại học với 9 chương, 49 điều, quy định về hoạt động giáo dục ĐH; cơ sở giáo dục ĐH; giảng viên; người học và quản lý nhà nước về giáo dục ĐH. Luật này áp dụng đối với trường CĐ, ĐH, học viện, ĐH, viện NCKH được phép đào tạo trình độ tiến sĩ; tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giáo dục ĐH tại Việt Nam.

Sẽ có Luật Giáo dục Đại học ảnh 1

Dự thảo đề cập đến mục tiêu của giáo dục ĐH;  trình độ đào tạo của giáo dục ĐH; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH; chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục ĐH; nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục ĐH; thành lập, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động giáo dục, giải thể cơ sở giáo dục ĐH; tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam trong cơ sở giáo dục ĐH; đoàn thể và tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục ĐH; mở ngành, cho phép đào tạo ngành, chuyên ngành; tuyển sinh; thời gian đào tạo; chương trình, giáo trình giáo dục đại học; tổ chức và quản lý đào tạo; văn bằng giáo dục đại học; Hoạt động khoa học và công nghệ; hoạt động hợp tác quốc tế; kiểm định chất lượng giáo dục; giảng viên; người học; quản lý nhà nước về giáo dục ĐH; thanh tra, kiểm tra; nguồn thu của cơ sở giáo dục ĐH; quản lý và sử dụng tài chính của cơ sở giáo dục ĐH; quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục ĐH…

Theo dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có thẩm quyền: quyết định thành lập trường CĐ; cho phép cơ sở giáo dục ĐH hoạt động giáo dục khi có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập và cơ sở giáo dục ĐH thực hiện đầy đủ các cam kết trong Dự án thành lập đã được phê duyệt; quy định điều kiện thành lập, hoặc cho phép thành lập; điều kiện cho phép hoạt động giáo dục trường CĐ; quy định trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách trường CĐ; quy định trình tự, thủ tục đình chỉ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục ĐH; quy định trình tự, thủ tục giải thể trường CĐ; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo CĐ; quyết định mở ngành đào tạo CĐ, ĐH; cho phép đào tạo ngành hoặc chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; quy định cụ thể điều kiện bảo đảm chất lượng để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ban hành quy chế tuyển sinh; quy định việc rút ngắn hoặc kéo dài thời gian đào tạo và việc học đồng thời hai chương trình; quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình giáo dục trình độ CĐ, trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ; quy định việc tổ chức đào tạo; liên kết đào tạo; liên thông và công nhận kết quả học tập của người học; quy định mẫu văn bằng; điều kiện, trình tự, thủ tục cấp văn bằng; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục đại học; quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; quy định việc bồi dưỡng, sử dụng giảng viên chưa đạt trình độ tối thiểu hiện đang làm việc trong ngành...

Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trường ĐH, học viện, ĐH khi có Dự án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại ĐH học và các điều kiện khác theo quy định; quy định điều kiện thành lập hoặc cho phép thành lập, điều kiện cho phép hoạt động giáo dục trường ĐH, học viện, ĐH; quy định trình tự, thủ tục sáp nhập, chia, tách trường ĐH, học viện, ĐH; quy định trình tự, thủ tục giải thể trường ĐH, học viện, ĐH; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo đại học; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục cho phép đào tạo ngành hoặc chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; quy định thời gian và hình thức tổ chức đào tạo đối với từng trình độ đào tạo của giáo dục đại học; quy định chức danh của giảng viên...

Thủ trưởng cơ sở giáo dục ĐH: Xác định chỉ tiêu tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh (Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng: số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên; tỷ lệ sinh viên/giảng viên và cơ sở vật chất, thiết bị); tổ chức xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình giáo dục trình độ cao đẳng, trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ; quyết định ưu tiên tuyển dụng người có trình độ cao hơn trình độ tối thiểu theo quy định làm giảng viên...

Cũng theo dự thảo luật, thời gian đào tạo CĐ được thực hiện từ một năm rưỡi đến ba năm học; đào tạo ĐH được thực hiện từ một năm rưỡi đến sáu năm học; đào tạo thạc sĩ được thực hiện từ một năm rưỡi đến hai năm học; đào tạo tiến sĩ được thực hiện từ hai đến bốn năm học. Cơ sở giáo dục ĐH công bố công khai các thông tin liên quan về việc cấp văn bằng cho người học trên website của cơ sở giáo dục đại học; chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và giá trị văn bằng do cơ sở giáo dục đại học cấp.

Cơ sở giáo dục ĐH được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định; thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục ĐH theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; được khiếu nại, tố cáo với cơ quan có thẩm quyền về các quyết định, kết luận, hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục; xây dựng và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng; công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Dự thảo luật cũng quy định các hành vi giảng viên, người học không được làm. Cụ thể, giảng viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác; gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học; gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng; lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Người học không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học của cơ sở giáo dục đại học và người khác; gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; tham gia các tệ nạn xã hội; gây rối an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục đại học hoặc nơi công cộng và các hành vi vi phạm pháp luật; thành lập tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.

Về quản lý nhà nước, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học. Bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp với Bộ GD&ĐT thực hiện  quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo thẩm quyền. UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục đại học theo phân cấp của Chính phủ.

Dự thảo luật cũng ghi rõ, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến giáo dục đại học thì áp dụng theo quy định của Luật này.

Ngày 21/5/2007, tại kỳ họp thứ 2 khóa XII, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 11/2007/NQ-QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và năm 2008, dự án Luật Giáo dục Đại học đã được đưa vào Chương trình chính thức.

Ngày 18/4/2008, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã ký Quyết định về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục Đại học. Dự kiến, dự án Luật Giáo dục ĐH sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2010 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2011. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai nhiệm vụ năm 2009, Quốc hội đã đưa dự án luật này ra khỏi chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội.

Bộ GD&ĐT cho biết, việc tiếp tục đề xuất  xây dựng dự án Luật Giáo dục Đại học để trình Quốc hội khóa XIII (2011-2015) xuất phát từ yêu cầu quản lý nhà nước đối với giáo dục đại học trong tình hình mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ĐH nói riêng, chất lượng giáo dục nói chung và yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ