Sẻ chia gánh nặng mưu sinh với người lao động

GD&TĐ - Trước tình hình kinh tế nhiều biến động, năm nay nhiều người lao động đã quyết định không về nghỉ lễ cùng gia đình mà ở lại Thủ đô làm việc.

Công nhân làm việc trong một nhà máy tại Cụm công nghiệp Hạp Lĩnh (Bắc Ninh).
Công nhân làm việc trong một nhà máy tại Cụm công nghiệp Hạp Lĩnh (Bắc Ninh).

Nỗi lo “cơm áo gạo tiền”

Gần 11 giờ đêm, trong cái lạnh của Hà Nội những ngày cuối năm, chị Vũ Thị Thơm (38 tuổi, quê Thanh Hoá) và đồng nghiệp vẫn miệt mài với công việc thu gom rác thải. Tay thoăn thoắt đưa cây chổi chị Thơm tâm sự, chị gắn bó với công việc này đến nay đã 12 năm, kể từ ngày mới lên Hà Nội.

Chị Thơm cho biết, mức lương của công nhân vệ sinh rơi vào khoảng 7 triệu đồng/tháng sau khi đã trừ các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Chị Thơm thuê trọ chung với đồng nghiệp, trước đây với mức lương này, chi tiêu tằn tiện, chị cũng lo được cuộc sống của mình trên đất Hà Nội và dành dụm gửi về cho các con ở Thanh Hoá.

Thế nhưng xã hội phát triển, giá cả của các mặt hàng thiết yếu đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu tăng mạnh, chị Thơm cho biết mình phải đối mặt với nhiều áp lực về kinh tế. “Lương tôi chỉ đủ ăn thôi, nhà trọ và điện nước chia ra mỗi người cũng đã 1,5 triệu đồng, chưa kể các khoản phí sinh hoạt khác. Vậy nên đi làm cả năm nhưng số tiền tôi tích cóp chẳng được bao nhiêu. Chỉ mong trời thương, cho tôi sức khoẻ còn đi làm, có đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống”. Còn hơn một tháng nữa là tới Tết Nguyên đán, chị Thơm cũng như các đồng nghiệp chỉ trông chờ vào tiền thưởng của công ty để sắm sửa cho mâm cơm ngày Tết có thịt, có rau.

Cũng như bao người, chị Nguyễn Như Quỳnh (25 tuổi, quê Mỹ Đức) mong mỏi tới những ngày lễ để trở về sum họp với gia đình. Thế nhưng dù làm khối văn phòng với mức lương gần 12 triệu đồng/tháng nhưng chị Quỳnh vẫn đang đau đầu với những khoản chi tiêu cuối năm. Gánh trên vai nỗi lo “cơm áo gạo tiền” nên năm nay, chị lựa chọn không về quê nghỉ Tết Dương lịch mà ở lại Thủ đô tăng ca để tăng thu nhập.

Hàng tháng, chi phí cho việc thuê trọ, ăn uống và sinh hoạt cơ bản của chị Quỳnh rơi vào khoảng 7 triệu đồng, chưa tính chi phí phát sinh cho những cuộc đi chơi, hiếu hỉ, trung bình khoảng 1,5 triệu đồng. “Nếu chỉ lo cho bản thân thì cuộc sống với mức thu nhập hiện tại có lẽ không phải là chật vật, thậm chí cũng sẽ tích luỹ được một khoản tiền nhỏ. Thế nhưng ba mẹ tôi đã lớn tuổi, tiền sinh hoạt trong nhà cũng chỉ trông chờ vào những đồng lương hưu ít ỏi. Vì vậy hàng tháng, tôi vẫn đều đặn gửi về nhà 2 triệu đồng để phụ ba mẹ nuôi em trai ăn học”, chị Quỳnh thở dài nói.

Chia sẻ với phóng viên, chị Thơm trầm ngâm cho biết, đã 3 năm nay không về đón Giao thừa bên gia đình. Mỗi dịp lễ, Tết là khoảng thời gian những nhân viên vệ sinh môi trường như chị vất vả nhất. Chị và các đồng nghiệp phải thay phiên tăng ca để hoàn thành nhiệm vụ. Kết thúc đêm vui, dòng người ồ ạt ra về để lại rác thải vương vãi khắp thành phố.

“Ngày nghỉ lễ ai cũng muốn về nhà với con cái, với gia đình. Thế nhưng vào các ngày lễ lượng rác thải tăng lên gấp nhiều lần, mặc dù các tuyến đường đều phân bố thùng rác công cộng. Vậy nên chúng tôi phải phân công nhau ở lại làm việc xuyên Tết. Kinh tế eo hẹp nên 3 năm nay tôi nhận ở lại làm việc qua đêm Giao thừa, đến tối mùng 1 mới về quê với con cái” – chị Thơm chia sẻ.

Cũng giống chị Thơm, chị Quỳnh đang tất bật với công việc những ngày cuối năm. Vừa tranh thủ ăn tối, nữ nhân viên văn phòng vừa trải lòng về nỗi lo kinh tế. Chị cho biết mình đang cố gắng từng ngày, chăm chỉ làm việc để kiếm thêm thu nhập. Được biết, công ty nơi chị đang làm việc trả 200% lương cho người lao động tăng ca vào ngày lễ. Mong ước của chị là thu xếp được tiền cũng như thời gian để dịp Tết Nguyên đán có thể về nhà sớm, sắm sửa cho ba mẹ và em trai được đón Tết đủ đầy.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Đoàn kết và sẻ chia

Dù có lúc chạnh lòng khi chứng kiến các gia đình sum họp, thế nhưng chị Thơm, chị Quỳnh vẫn phấn khởi vì tăng ca vào ngày lễ, thì được nhận tiền thưởng, những phần quà từ công ty để lo cho các con một cái Tết phần nào no đủ hơn. Có thể thấy đó là sự động viên thiết thực nhất.

Theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực hiện có, tự quyết định mức chi chăm lo cho đoàn viên, người lao động theo quy định; tại các cấp trên công đoàn cơ sở sử dụng kinh phí dự phòng và sử dụng quỹ hoạt động thường xuyên hiện có để thực hiện chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn; mức chăm lo là 500.000 đồng/người, chi bằng tiền mặt. Đối với đơn vị có nguồn xã hội hóa có thể chủ động chi chăm lo đoàn viên, người lao động nhiều hơn.

Thấu hiểu nỗi vất vả mà người lao động phải đối mặt, đặc biệt là khi Tết đến Xuân về, mỗi người đều phải gánh trên vai trách nhiệm nặng nề về kinh tế với gia đình, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức những hoạt động trao tặng quà Tết, hỗ trợ cả vật chất và tinh thần nhằm khuyến khích, động viên lao động.

Tiếp nối những hoạt động ý nghĩa, Báo Nhân Dân và Tập đoàn Coteccons tổ chức Lễ ra mắt chương trình “Xây Tết 2024” với những hỗ trợ thiết thực về vật chất, tinh thần đến 17.000 công nhân tại các công trường trên cả nước.

Chương trình “Xây Tết 2024” nhằm mang đến Tết ấm áp, vui tươi cho những công nhân, thể hiện văn hóa nhân văn và chia sẻ của người Việt Nam, lan tỏa thông điệp tri ân những người đã góp phần dựng xây nên các công trình biểu tượng.

Chương trình “Xây Tết 2024” diễn ra từ ngày 23/12/2023 đến tháng 1/2024 trên các công trường ở 3 miền đất nước, trong đó hoạt động trọng điểm diễn ra tại Văn Giang (Hưng Yên) vào ngày 9/1/2024. Ban tổ chức sẽ trao tặng gần 17.000 phần quà Tết nhằm khuyến khích, động viên tinh thần cho công nhân lao động xa nhà và làm công việc thầm lặng.

Mong rằng sự hỗ trợ, chia sẻ của các doanh nghiệp và Nhà nước có thể san sẻ phần nào gánh nặng “cơm áo gạo tiền” để mỗi cá nhân, gia đình đều được đón Tết đoàn viên sum vầy, trọn vẹn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.

Tin đăng hành chính nhân sự tuyển dụng tại Vieclam24hTìm kiếm cơ hội việc làm chất lượng