Sau một năm, xe tự hành trên sao Hỏa phát hiện được gì?

Sau một năm, xe tự hành trên sao Hỏa phát hiện được gì?

(GD&TĐ) - Trong dịp kỷ niệm một năm ngày xe tự hành Curiosity hạ cánh xuống sao Hỏa (6/8/2012), các nhà khoa học ở Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã quyết định cho nó chơi bản  nhạc “Happy Birday” (Chúc mừng sinh nhật). Mặc dù Curiosity không được gắn loa, nhưng điều đó không phải là trở ngại đối với các chuyên gia ở NASA.

Hóa ra, có thể sử dụng động cơ rung trong vai trò của loa. Thường ngày, động cơ này phục vụ cho việc lấy mẫu đất đem đi phân tích, nhưng những cơ hội như kỷ niệm một năm trên sao Hỏa không xảy ra thường xuyên. Cho nên có thể lập trình để động cơ phát ra âm thanh theo nhịp điệu.

Nhân kỷ niệm một năm xe tự hành Curiosity hiện diện trên sao Hỏa, các chuyên gia cho rằng cũng nên đặt câu hỏi: Chiến dịch Curiosity tốn kém tới 2,5 tỷ USD đã đạt được những gì? Người phát ngôn của NASA nói rằng cơ quan này hài lòng với những gì Curiosity đạt được. Trong vòng một năm, xe tự hành đã chụp được ảnh chân dung của chính nó và đi được gần 2 km. Như vậy vận tốc di chuyển trung bình của nó chưa phải là cao. Tuy nhiên không ai nói về việc khám phá sao Hỏa, mà người ta chỉ nói về việc nghiên cứu bề mặt sao Hỏa. Hơn nữa, cụm từ “xe tự hành” gán cho Curiosity không được chính xác cho lắm. Trong thực tế thiết bị này là một phòng thí nghiệm di động, được điều khiển từ xa.

 

Vậy Curiosity đã làm được những việc gì? Nó đã phân tích nhiều mẫu đá. Curiosity cũng phát hiện dấu vết còn lại của một dòng sông ở gần miệng núi lửa Gale. Nhờ vậy các nhà khoa học chứng minh rằng sự sống có thể đã từng tồn tại trên sao Hỏa. Ngoài ra, Curiosity cũng đã gửi về trái đất hơn 36.000 bức ảnh với độ phân giải cao.

Mục tiêu đặt ra lúc đầu cho Curiosity  như sau:

- Đánh giá khả năng xuất hiện những điều kiện tiềm tàng cho sự sống trên sao Hỏa trong quá khứ.

- Nghiên cứu các khả năng tồn tại sự sống trên sao Hỏa.

- Thực hiện các phép đo khí tượng học.

- Tìm kiếm các nguyên tố hữu cơ.

- Nghiên cứu độ ẩm của đất trên sao Hỏa và tìm kiếm nước cùng các khoáng chất liên quan đến đất.

- Nghiên cứu thành phần đá và đất.

- Mô tả sơ lược các vòng tuần hoàn của nước (nếu có).

Mục tiêu đầu tiên đã được thực hiện trong năm ngoái; một số mục tiêu khác vừa mới được triển khai. Thật may là không xảy ra sự cố ngoài khả năng dự đoán (chẳng hạn như hệ thống bánh xe của Curiosity bị bất động hay mất liên lạc với trái đất).

Xe tự hành Curiosity (Tò mò) là tên gọi của phòng thí nghiệm tự động hóa của Cơ quan Hàng không vũ trụ NASA được gửi lên sao Hỏa. Người nghĩ ra cái tên Curiosity vào năm 2009 là bé gái Clara Ma, 12 tuổi, ở thành phố Lenex, bang Kansas (Mỹ).

Curiocity là cỗ xe 6 bánh với các thiết bị nghiên cứu, cánh tay robot, các hệ thống định vị, hoa tiêu và liên lạc...

Phùng Thu Nguyệt (Theo Gazeta)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.